Kiên quyết chấn chỉnh những yếu tố “làm xấu” Đà Nẵng

Thứ năm, 15/08/2024 06:52

Ngày 14-8, UBND TP Đà Nẵng tổ chức buổi làm việc về công tác an ninh trật tự du lịch, văn minh thương mại trên địa bàn thành phố. Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP, chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đề cập tình trạng lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng (bán hàng rong kết hợp với xin ăn) xuất hiện trở lại tại các khu vực tổ chức sự kiện, lễ hội, khu vực tập trung du khách, các tuyến đường giao lộ ngã tư đèn xanh đèn đỏ, các quán kinh doanh ăn uống, các chợ, chùa… nhất là trên địa bàn các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, Cẩm Lệ.

“Đừng để cách làm hay trở thành những câu chuyện cổ tích”

Tình trạng chèo kéo khách của nhân viên các quán trên địa bàn TP.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường phát biểu: “Tôi hết sức chia sẻ các vấn đề liên quan môi trường, an ninh trật tự. Nói rơi vào tổng thể các yếu tố, bao gồm các vấn đề an sinh xã hội, nên sẽ rất phức tạp. Vì vậy, không có khuôn mẫu cụ thể và chúng ta phải linh hoạt trong việc xử lý, giải quyết vấn đề. Nhưng tôi yêu cầu cơ bản nhất vẫn là trách nhiệm, chúng ta xác định rõ trách nhiệm, hướng chúng ta phải làm và quyết tâm làm, cái này không chỉ là trách nhiệm chung mà trách nhiệm của từng cá nhân, từng công dân của thành phố, của từng sở ngành của địa phương thì chúng ta mới có thể làm được. Còn nếu chúng ta chỉ nghĩ một cách đơn giản rằng việc này chẳng chết ai, việc cứ như vậy thì nó sẽ rất khó. Muốn làm thì có cách, không muốn thì có lý do. Mà tôi cũng nói thẳng để chúng ta khỏi mất lòng là thời gian vừa qua ngoài những yếu tố sau dịch bệnh nhưng rõ ràng trách nhiệm và quyết tâm chúng ta về vấn đề này còn đang bỏ ngỏ. Qua báo cáo, tôi ghi nhận những việc chúng ta đã làm nhưng rõ ràng chúng ta làm chưa đến nơi, chưa có một nỗ lực gọi là đặt trọng tâm để chúng ta xác định nó gần như chúng ta phải duy trì hoặc thường xuyên. Chúng ta phải xác định chương trình “5 không, 3 có” của Đà Nẵng vẫn là mô hình riêng của Đà Nẵng, một cách làm riêng của Đà Nẵng, có những cái không nằm trong quy định mà trước đây chúng ta phải nghiên cứu ra để làm và chúng ta đã làm được đó là xây dựng hình ảnh mà người dân du khách cả nước, nước ngoài chưa làm được. Quan điểm của tôi là những cách làm hay của thế hệ trước mà chúng ta có thể làm được và làm tốt hơn thì tiếp tục làm và duy trì làm, đừng để cách làm hay trở thành những câu chuyện cổ tích mà kể lại cho con cháu ta nghe”.

L.A.T (ghi)

Theo ghi nhận tình hình thực tế tại các cơ sở ăn uống, tập trung đông du khách du lịch trên các tuyến đường chính như Võ Nguyên Giáp, đường Phạm Văn Đồng, Dương Đình Nghệ, Hà Bổng, Hồ Nghinh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Sắc, Ngô Thì Nhậm, Tản Đàn, Phan Tứ, Yên Khê 2. Các đối tượng đã gọi khách hàng mua bánh kẹo, trái cây hoặc dùng loa kẹo kéo hát chào mời khách mua hàng gây mất hình ảnh du lịch Đà Nẵng, mất ANTT. Tình trạng xe đẩy bán trái cây, bán hàng hóa lưu niệm mũ nón, cá viên chiên, người bán hàng rong trên các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Dương Đình Nghệ, Hà Bổng, Hồ Nghinh, khu vực bãi tắm sao biển, công viên biển Đông, khu vực chợ đêm, khu vực cầu Tình yêu, cầu Rồng, công viên APEC, phố An Thượng. Việc bán hàng rong khá đa dạng đối tượng, nhiều đối tượng còn lợi dụng trẻ em, người già, người khuyết tật về bán hàng rong kéo theo xin ăn hoặc diễn trò ảo thuật, có nơi dùng loa kẹo kéo hát tại các quán ăn, thường xuyên mời khách, nài nỉ khách mua, khiến khách cảm thấy khó chịu. Ngoài ra, tại các tuyến đường Bạch Đằng, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Sắc, Phan Tứ, nhiều nhân viên của các nhà hàng tràn xuống lòng lề đường, dùng đủ mọi cách để mời gọi, chèo kéo khách. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, Đà Nẵng đã xuất hiện một số người nước ngoài xin tiền trên các tuyến đường 2-9, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Phan Châu Trinh.

Tình trạng lang thang, xin ăn, trong đó có cả người nước ngoài tái diễn tại Đà Nẵng.

Để tăng cường công tác phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng trong các đợt cao điểm hè, rằm tháng 7 âm lịch, Lễ Quốc khánh 2-9 và thời gian đến, sau khi nghe các ý kiến tham mưu của các sở ban ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường yêu cầu phải xử lý dứt điểm tình trạng trên.

Trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường yêu cầu UBND các quận chỉ đạo các phường triển khai rà soát, nắm lại danh sách các đối tượng bán hàng rong, phân loại đối tượng (buôn bán gì, làm nghề gì, độ tuổi…), lọc độ tuổi xem những ai có con nhỏ đi theo hay là gom trẻ em chăn dắt, bao gồm đối tượng tàn tật nơi khác đến để tìm đối sách cho phù hợp. Nếu không phù hợp thì liên lạc, giao trở về cho địa phương quản lý. Các quận yêu cầu các nhà hàng, quán ăn, cà-phê ký cam kết không để hàng rong vào khu vực quán, không chèo kéo khách. Lực lượng chức năng phải ra quân chấn chỉnh lấn chiếm vỉa hè, chèo kéo khách; phối hợp với sở ngành rà soát lại các tuyến đường trong khu vực; rà soát lại bảng cấm hàng rong đã xuống cấp, hư hỏng để sửa chữa, cần thiết thì bổ sung thêm, tạo hành lang cho các địa phương, ngành xử lý việc này. Các quận phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách lĩnh vực này, có đường dây nóng và số đường dây nóng này để chỉ đạo, xử lý.

Đối với Sở Du lịch, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường đề nghị có chỉ đạo các khách sạn không cho hàng rong chèo khéo vào khu vực; có văn bản yêu cầu các công ty lữ hành, các hướng dẫn viên thông tin và đề nghị khách không mua tại các hàng rong để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không tiếp tay cho chuyện đó.

Tình trạng chèo kéo khách của nhân viên các quán trên địa bàn TP.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng giao cho Ban quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các ngành đột xuất kiểm tra về độ an toàn của các món hàng bán rong. Nếu không đạt thì xử lý theo quy định. Sở LĐ-TB&XH tổ chức ra quân xử lý các trường hợp ăn xin trá hình, lang thang, chăn dắt trẻ em, phối hợp với Công an, Sở Ngoại vụ xử lý các trường hợp liên quan đến người nước ngoài lang thang, bán hàng rong. “Luật rất rõ và có hành lang pháp lý để thực hiện vấn đề này và chúng ta cần phải cương quyết”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường đề nghị Công an thành phố chỉ đạo CSGT phối hợp với Thanh tra Giao thông xử lý nghiêm các phương tiện đi bán hàng rong không đủ điều kiện, chở cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông. Sở Công Thương chỉ đạo Ban quản lý các chợ, yêu cầu các tiểu thương đảm bảo trật tự, văn minh thương mại; không cho bán hàng rong, lang thang ăn xin vào chợ. Đồng thời, các điểm mua sắm, ăn uống thuộc phạm vi quản lý cam kết không cho bán hàng rong, lang thang ăn xin vào khu vực đó và công khai đường dây nóng để cảnh báo. Các đơn vị chức năng liên quan chỉ đạo, phối hợp thêm khi phát hiện ra các trường hợp này để thông báo đến đường dây nóng, đầu mối xử lý. “Việc cung cấp thông tin là một việc, việc chúng ta có quyết tâm, quyết liệt làm hay không là vấn đề khác. Chứ có thông tin gửi xuống mà chúng ta không quyết liệt làm là cũng chừng đó, nên cần thực hiện đồng bộ” - Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường chỉ đạo Sở VHTT phối hợp xử lý việc quảng cáo, rao vặt, có tuyên truyền số đường dây nóng để người dân, du khách biết. Sở TT&TT cũng cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về chống buôn bán chèo kéo, lang thang ăn xin này; các báo đài, tổng đài thành phố cần tuyên truyền mạnh hơn quan điểm của thành phố về chống chèo kéo, lang thang ăn xin để người dân, du khách nắm rõ hơn vấn đề này.

“Đề nghị bắt đầu từ tuần tới cho đến trước lễ 2-9 các đồng chí phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân xử lý trước dịp 2-9 và làm tiền đề để chúng ta duy trì hoạt động thường xuyên hơn. Ra quân để chúng ta tạo nếp chứ không chỉ là đợt cao điểm, đây cũng là việc nhằm góp phần thực hiện mục tiêu “3 có” của thành phố” - Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường kết luận.

LÊ ANH TUẤN