Kiên quyết loại bỏ hành vi đưa ấn phẩm vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam vào Đà Nẵng

Thứ tư, 15/01/2014 12:24

(Cadn.com.vn) - Gần đây, dư luận TP Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung rất bức xúc trước hành vi vi phạm của nhiều du khách Trung Quốc khi đi du lịch vào Đà Nẵng qua đường hàng không có mang theo những ấn phẩm vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, bị các cơ quan chức năng phát hiện. Bên cạnh thực hiện quy chế xử phạt theo quy định của pháp luật Việt Nam, các lực lượng chức năng cũng đã và đang xây dựng giải pháp nhằm siết chặt hơn công tác quản lý đối với những du khách này. Phóng viên (PV) Báo CATP Đà Nẵng xin gửi đến bạn đọc cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Thái Hoan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Thái Hoan

PV: Việc du khách Trung Quốc có hành vi mang các ấn phẩm vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam vào Đà Nẵng qua đường hàng không mà lực lượng hải quan phát hiện được trong thời gian qua, dư luận đang rất bức xúc. Xin ông nói rõ hơn những hành vi vi phạm này?

Ông Nguyễn Thái Hoan: Đối với hành vi mang ấn phẩm vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam vào Đà Nẵng của du khách Trung Quốc, đúng là dư luận rất quan tâm mỗi khi lực lượng hải quan nói riêng, các cơ quan thực thi pháp luật khác nói chung phát hiện. Thực ra, những năm trước đây, hành vi này rất hiếm. Như năm 2012 không có vụ nào, nhưng năm 2013 đã liên tục xảy ra, trong đó chủ yếu qua đường hàng không.

Cụ thể, lực lượng Hải quan Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã phát hiện tới 4 vụ với tổng cộng 357 ấn phẩm các loại như: Bản đồ "đường lưỡi bò"; bản đồ không có Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều nhất là vụ phát hiện du khách Li Ye (1982, quốc tịch Trung Quốc) mang theo 257 tấm bản đồ du lịch Đà Nẵng qua chuyến bay CZ 3037 từ Quảng Châu đến Đà Nẵng ngày 23-10-2013 có in hình bản đồ Việt Nam nhưng không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Tôi xin được nhấn mạnh thêm về thủ đoạn, cứ sau mỗi lần phát hiện, sự đối phó của những đối tượng có chủ ý xấu càng thể hiện tinh vi hơn, từ vị trí cất giấu ấn phẩm trong hành lý, đến việc in ấn. Điển hình như số bản đồ bà Li Ye mang theo, rõ ràng in bản đồ Việt Nam không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, song để "qua mặt" các cơ quan chức năng, đơn vị làm ấn phẩm đã in bên dưới bản đồ một dòng chữ tiếng Anh rất nhỏ, mắt thường khó có thể nhìn rõ được với nội dung "bản đồ này không sử dụng như một bản đồ quốc gia".

PV: Hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm chủ quyền này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thái Hoan: Tất cả những hành vi mang theo ấn phẩm vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam lâu nay đều bị xử lý rất nghiêm khắc để răn đe. Dù các đối tượng vi phạm khi bị phát hiện ai cũng khai báo rằng không biết gì, và ấn phẩm là do các hãng du lịch ở Trung Quốc phát miễn phí trước khi đến Đà Nẵng, tuy nhiên pháp luật Việt Nam đã quy định rất rõ và phải xử phạt theo luật.

Đối với những vụ việc phát hiện tại Đà Nẵng trong năm 2013, chúng tôi đã xử lý theo quy định của Luật Xuất bản. Như vụ bà Li Ye đã nói ở trên, Chi cục Hải quan TP đã ra quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng về hành vi sai phạm khi nhập cảnh mang theo bản đồ du lịch in hình bản đồ Việt Nam nhưng không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Bản đồ du lịch in bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
bị lực lượng Hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng phát hiện trong năm 2013.

PV: Sau những vụ việc liên tục được phát hiện, xử lý, lực lượng Hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng có sự phối hợp gì với các ngành chức năng để siết chặt công tác quản lý những du khách Trung Quốc khi đến Đà Nẵng, thưa ông?

Ông Nguyễn Thái Hoan: Gần đây, đường bay từ Đà Nẵng đi các địa phương của Trung Quốc và ngược lại ngày một phát triển, nên lượng khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng cũng tăng lên. Hiện tại, mỗi tuần có tới 135 chuyến bay (khoảng 100 khách/chuyến), trong đó có tới hơn 1/2 khách Trung Quốc, nên việc quản lý càng phải được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Bên cạnh cùng các lực lượng an ninh sân bay, CA cửa khẩu sân bay kiểm tra chặt chẽ khâu kiểm tra soi chiếu đối với khách du lịch nói chung, du khách Trung Quốc nói riêng khi đến Đà Nẵng, gần đây, lực lượng Hải quan cũng đã có sự phối hợp tốt với ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch trong việc tuyên truyền để phòng ngừa, chặn đứng hành vi đưa ấn phẩm vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam vào TP qua đường hàng không.

Ngoài giải pháp tổ chức các đợt tập huấn cho các đơn vị du lịch, lữ hành nhằm nâng cao công tác phòng ngừa, mới đây Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã in mẫu bản đồ du lịch Đà Nẵng để cấp phát miễn phí cho du khách nói chung, du khách Trung Quốc nói riêng đến Đà Nẵng du lịch. Kết quả hơn 1 tháng qua, Hải quan đã phát bản đồ du lịch này cho hàng ngàn du khách, hầu hết ai cũng hài lòng.

Với cách làm này cùng những biện pháp phòng ngừa, chặt chẽ trong kiểm tra du khách khi nhập cảnh vào Đà Nẵng của lực lượng chức năng, hy vọng rằng những hành vi mang ấn phẩm vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam vào Đà Nẵng qua đường hàng không của người Trung Quốc sẽ được xóa bỏ triệt để trong thời gian đến.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Công Hạnh
(thực hiện)