Kiên quyết xử lý các dự án chây ì, gây ô nhiễm môi trường

Thứ tư, 12/02/2020 12:07

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tại buổi làm việc với Đảng ủy Khu Công nghệ cao (CNC) và các Khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng nhằm đánh giá các mặt công tác sau 1 năm sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động. Cùng tham dự cuộc họp có ông Hồ Kỳ Minh- Phó Chủ tịch UBND TP.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi làm việc.

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận nhiều tại cuộc họp là hiệu quả hoạt động của nhà đầu tư, doanh nghiệp (NĐT, DN) tại các KCN và vấn đề đảm bảo môi trường. Ông Phạm Trường Sơn- Bí thư Đảng ủy BQL khu CNC và các KCN cho hay, qua đánh giá tình hình hoạt động tại 5 KCN, hiện tại có tới 40 dự án không có năng lực hoặc khả năng sản xuất rất thấp và 21 dự án ngừng và không hoạt động. Theo ông Sơn, trong năm 2019, HĐND TP đã thành lập một đoàn giám sát kiểm tra chuyên đề về công tác quy hoạch, đầu tư và đã xác định có 16 DN với một loạt các dự án chậm triển khai. Sau khi kiến nghị, đề xuất chuyển đổi nhiều dự án. Hiện TP đã có chủ trương chuyển đổi sang cho các NĐT, nhưng chủ đầu tư đang trong quá trình khởi kiện. Một số dự án khác hiện cũng đang tiến hành chuyển đổi, kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch thanh tra trong năm 2020.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các KCN trong thời gian tới, mà chủ yếu tập trung vào việc thu hút các dự án lớn, nhất là ở khu CNC, ông Sơn cho hay, mục tiêu hiện nay là tập trung thu hút những dự án 100 triệu USD và hiệu quả vốn đầu tư trên tổng diện tích đất phải lớn, ít nhất từ 15 triệu USD/ha. Đây cũng là đầu việc mấu chốt mà TP đã có chủ trương, quyết định về định hướng phát triển khu CNC đến năm 2030. Ngoài ra, BQL cũng đề xuất các ngành tăng cường công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời đề nghị DN triển khai các dự án đúng tiến độ. Cùng với đó, đề xuất tăng mật độ xây dựng cũng như chuyển đổi ngành nghề các dự án, vì hầu hết các dự án hiện mới chỉ xây dựng 1 tầng, nên đề xuất tăng công năng sử dụng lên.

Đề cập đến vấn đề ô nhiễm trong KCN, ông Sơn cho biết, trước đây KCN Hòa Khánh là một trong những điểm nóng về gây ô nhiễm, song mới đây đã thoát ra khỏi “danh sách đen” này, đó là điều rất đáng mừng. Về việc nâng cao công tác bảo vệ môi trường, sau những chỉ đạo của TP, đến nay tất cả các KCN, CNC đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn. Trong định hướng thu hút các ngành nghề sản xuất, cũng đã và đang tính toán ưu tiên cho các ngành nghề không gây ô nhiễm. Ông Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện tại khu dịch vụ thủy sản Thọ Quang, tất cả 12 DN cũng đã tổ chức thu gom nước thải nước mưa riêng; đầu tư hệ thống xử lý nước thải cục bộ trước khi kết nối vào hệ thống xử lý nước thải chung. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề trong quá trình xử lý bùn nên phát sinh mùi hôi. Thứ 2, các điểm đấu nối tại một số DN đấu nối chưa kín, nên phát sinh các điểm gây ô nhiễm, hiện các cơ quan chức năng vẫn đang theo dõi, kiểm tra. Trong khi đó, khâu vệ sinh, thu gom rác ở âu thuyền cũng đang có vấn đề, một số tàu bè neo đậu tại đây không có hệ thống xử lý nên xả thải ra môi trường; các xí nghiệp thu gom chất thải từ thủy sản sau đó chế biến lại gây ra nhiều hệ lụy…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định: Với 21 dự án ngừng hoạt động, 40 dự án không có năng lực là con số rất nhiều, chiếm tỷ trọng quỹ đất lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc DN đang “chây ì”, “xí chỗ” để đấy, rất lãng phí nguồn lực. Vì vậy BQL, các ngành cần có tham mưu cho TP để giải quyết hiệu quả. “Bây giờ đã có cơ chế rồi, chúng ta phải làm và chấp nhận đối đầu, kể cả kiện ra tòa cũng theo đuổi để giành lại quỹ đất. Bởi hiện nay, quỹ đất là hữu hạn, mà chúng ta không có điều kiện phát triển mở rộng nhiều do nguồn lực đầu tư rất lớn”, ông Quảng nói. Theo ông Quảng, dứt khoát là quỹ đất các NĐT làm không hiệu quả, để hoang hóa cần phải khai thác trở lại. Muốn vậy, phải kiên quyết, có giải pháp mạnh với những DN đầu tư không hiệu quả sau đó giao cho các NĐT có nhu cầu, năng lực thực sự.

Về vấn đề bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường, ông Quảng cho rằng, không thể để hậu quả xảy ra rồi xử lý thì lúc đó đã muộn. Không chỉ dừng ở việc phạt vài chục triệu hay vài trăm triệu, mà buộc DN phải khắc phục được, chứ phạt xong lại tái diễn là không được. Về nguyên tắc, đầu xả thải phải được xử lý ngay từ đầu, sơ bộ tại DN sau đó mới đưa ra khu xử lý tập trung. Vì vậy, cần yêu cầu DN đầu tư về công nghệ. “Nếu cứ để các cửa xả xả ra biển, Đà Nẵng sẽ mất du lịch. Cụ thể như những lúc mưa to, DN lại lén xả thải. Báo chí đã đăng nhiều rồi, nếu cứ để tái diễn mãi, ngành du lịch mũi nhọn của TP làm sao phát triển mạnh được”, ông Quảng nhấn mạnh.   

Đề cập đến một số đầu việc khác, ông Quảng chỉ đạo BQL khu CNC và các KCN cần có những tham mưu cho TP trong quá trình thực hiện nội dung Nghị quyết 43, trong đó có những đầu việc liên quan đến phát triển khu CNC trở thành khu đô thị sáng tạo khoa học công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế có sức cạnh tranh cao. Cùng với đó, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng, nhất là chuẩn bị công tác nhân sự khi mà đang trong quá trình tái lập lại các cơ quan, tham mưu cho đảng ủy khối; chú trọng đến công tác phát triển tổ chức cơ sở Đảng mới…

CÔNG HẠNH