Kinh tế Đà Nẵng dần phục hồi, chuyển mình bứt phá

Thứ tư, 16/08/2023 08:58
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020 - 2025, bức tranh kinh tế thành phố đã dần phục hồi trở lại sau nhiều khó khăn chồng chất do đại dịch. Hoạt động du lịch và các chỉ tiêu kinh tế đã dần phục hồi, có nhiều bước phát triển khởi sắc, tạo tiền đề quan trọng để thành phố chuyển mình bứt phá...
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án Cảng Liên Chiểu.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án Cảng Liên Chiểu.

Đà tăng trưởng kinh tế đang khởi sắc trở lại

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thành ủy đã bám sát và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, vận dụng linh hoạt và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với đặc điểm của thành phố với với mục tiêu "bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết"; kịp thời chỉ đạo việc thực hiện "mục tiêu kép", vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa có biện pháp "chung sống" an toàn với dịch, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Thành ủy đã khẩn trương chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi và phát triển KT-XH; ban hành và đẩy mạnh triển khai Kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng như hỗ trợ về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất vay vốn...; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và người dân gặp khó khăn với tổng kinh phí hỗ trợ từ năm 2020-2022 khoảng 1.200 tỷ đồng.

Đặc biệt, với việc chọn Chủ đề năm 2022 "Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển KT-XH"; năm 2023 - "Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội" đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị trong khôi phục kinh tế thành phố. Theo đó, đã tổ chức thành công nhiều sự kiện thu hút, xúc tiến đầu tư, du lịch quan trọng, quy mô lớn; thành lập các tổ công tác liên ngành phối hợp với các cơ quan Trung ương tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, quy hoạch, đầu tư, giúp nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng để triển khai dự án.

Nhờ đó, kinh tế thành phố từng bước phục hồi và có sự tăng trưởng: Năm 2021 tăng 0,18%, năm 2022 tăng 13,2% và 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,74%; bình quân giai đoạn 2021-2023 ước tăng 6,3%/năm, trong đó, dịch vụ ước tăng 8,6%/năm, công nghiệp - xây dựng ước tăng 1,1%/năm, nông - lâm nghiệp - thủy sản ước tăng 1,9%/năm. Đây là mức tăng khá trong bối cảnh thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý, Đà Nẵng thuộc nhóm các địa phương có năng suất lao động xã hội cao hơn bình quân cả nước (năm 2021 ước đạt 201,7 triệu đồng/người, cả nước ước đạt 172,8 triệu đồng/lao động).

Một số ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực cũng từng bước phục hồi. Như Khu vực dịch vụ, du lịch phát triển khởi sắc và giữ vai trò là động lực tăng trưởng; đến năm 2023 ước chiếm hơn 69% GRDP (cao hơn tỷ lệ 40% của toàn quốc). Giai đoạn 2021-2023, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 11,3 triệu lượt, tăng 32,5%/năm, trong đó, khách nội địa ước đạt hơn 9,2 triệu lượt, tăng 29,4%/năm, khách quốc tế ước đạt 2,1 triệu lượt, tăng 44,9%/năm; tổng doanh thu lưu trú, lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt 19 nghìn tỷ đồng, tăng 50,9%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 11,3%/năm; từng bước hình thành một số tuyến phố chuyên doanh, chợ đêm, khu phố kinh doanh không dùng tiền mặt. Hoạt động xuất, nhập khẩu khôi phục tích cực và đạt tăng trưởng tốt sau ảnh hưởng của dịch; xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12,5%/năm...

Công nghiệp công nghệ cao, CNTT cũng từng bước khẳng định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, tạo đột phá cho sự phát triển thành phố. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo đúng định hướng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao; riêng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 6,7%. Tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông giai đoạn 2021-2023 ước tăng 6,36%/năm; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước tăng 16,3%/năm. Thành phố đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; nhiều năm liền, thành phố đạt nhiều giải thưởng, danh hiệu trên lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh triển khai. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thu hút được 72 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 56.888 tỷ đồng và 167 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 229,5 triệu USD. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, thành phố đã tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai 80 công trình, dự án động lực, trọng điểm, góp phần tạo động lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị từng bước phát huy tính ưu việt

Một trong những đột phá quan trọng trong nửa nhiệm kỳ qua là việc thực hiện đột phá về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội trên địa bàn thành phố, từng bước phát huy tính ưu việt. Trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nghiêm túc, kịp thời có các biện pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Việc thực hiện thí điểm cho thấy những kết quả tích cực; bộ máy chính quyền thành phố gọn nhẹ, hoạt động thông suốt hơn, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương; góp phần tích cực vào việc CCHC, đem lại sự hài lòng cho người dân.

Qua khảo sát, 100% cán bộ, công chức, viên chức và 83,3% người dân biết đến chủ trương thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố và 73,1% cán bộ, công chức, viên chức và 81,5% người dân đồng thuận với chủ trương này.

Công tác bố trí, sắp xếp cán bộ khi triển khai thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị đảm bảo theo đúng tiến độ, quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư. Việc phân cấp, ủy quyền tạo sự linh hoạt trong triển khai, nâng cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, rút ngắn quy trình, giảm bớt thủ tục và thời gian giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp (ước tổng thời gian giảm của 89 nội dung phân cấp, uỷ quyền là 233 ngày). HĐND thành phố tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động, phù hợp với đặc điểm của mô hình chính quyền đô thị. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội về cả tính chuyên môn và chuyên nghiệp với 340 cuộc giám sát và 93 hội nghị phản biện xã hội.

Việc triển khai một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng. Các cấp, các ngành thành phố đã và đang tích cực nghiên cứu, xây dựng và phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu trình cấp có thẩm quyền một số cơ chế, chính sách đặc thù, các quy hoạch, đề án lớn về phát triển KT-XH thành phố như: Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 05/2021/QĐ-TTg ngày 8-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 25-3-2021 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu; trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quy mô khu vực và Đề án thành lập Khu Phi thuế quan thành phố Đà Nẵng... Đây là những định hướng, cơ chế, chính sách quan trọng, làm nền tảng, tạo động lực để Đà Nẵng nhanh chóng phục hồi, chuyển mình bứt phá trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Công Hạnh