Kinh tế Đà Nẵng phục hồi vượt mức trước đại dịch

Thứ bảy, 25/06/2022 09:35
Đến hết tháng 6-2022 kinh tế Đà Nẵng đã hoàn toàn lấy lại đà tăng trưởng, trở thành một trong những địa phương có mức độ phục hồi kinh tế sau đại dịch khá nhanh. Quy mô kinh tế đã tăng vượt mức trước thời điểm diễn ra đại dịch.
Hoạt động từ các chợ đêm cũng góp phần cho dịch vụ bán lẻ Đà Nẵng đạt hơn 33,4 ngàn tỷ đồng.
Sau đại dịch, khách du lịch tới Đà Nẵng tăng đột biến.

Du khách tăng đột biến

Theo số liệu phân tích từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, GRDP quý II của TP đã tăng trưởng hơn 12,3% so với cùng kỳ. Nếu so sánh với 6 tháng đầu năm 2019 (thời điểm chưa có dịch Covid-19) thì kinh tế TP từ đầu năm đến nay đã tăng gần 8%, quy mô tăng gần 6,5 ngàn tỷ đồng (khu vực dịch vụ tăng hơn 6 ngàn tỷ đồng). Như vậy có thể thấy, sự phục hồi nhanh chóng của lĩnh vực dịch vụ, tiếp tục là trụ đỡ chính giúp kinh tế TP phục hồi, phát triển. Nếu quý I khối dịch vụ chỉ tăng hơn 1,9% thì trong quý II đã tăng đột biến tới 17,8%.

Trong sự phục hồi nhanh chóng của lĩnh vực dịch vụ phải kể đến những điểm sáng về du lịch, thương mại, vận tải… Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 33,4 ngàn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Lĩnh vực du lịch lưu trú và ăn uống phục hồi tích cực và bứt phá kể từ cuối quý I khi nhiều khu, điểm du lịch đón được lượng khách lớn, công suất buồng phòng bình quân vào dịp cuối tuần đạt 70-75%. Chẳng hạn Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills đón hơn 350 nghìn lượt khách, tăng 95% so với cùng kỳ; Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đón hơn 75.000 lượt khách, tăng gần 90%; Công viên Châu Á đón hơn 136.000 lượt khách; Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón gần 135.000 lượt khách… Số lượng đoàn du khách M.I.C.E cũng tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 7.200 lượt khách. Nếu tính doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống thì trong quý II tăng khoảng 48% so với cùng kỳ, riêng doanh thu dịch vụ lưu trú tăng gấp 2,8 lần, đẩy mức tăng doanh thu 6 tháng tăng đến 41%. Một số điểm sáng khác của khối dịch vụ phải kể đến như doanh thu vận tải đạt hơn 11 ngàn tỷ đồng, tăng 21,6%; doanh thu lĩnh vực thông tin truyền thông đạt hơn 7,5 ngàn tỷ đồng, tăng 9,4%.

Việc phục hồi kinh tế Đà Nẵng nhanh chóng ngoài nguyên nhân do cơ cấu kinh tế TP chủ yếu là dịch vụ, dễ tổn thương nhưng cũng dễ phục hồi sau khi đại dịch được kiểm soát. Bên cạnh đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng đã góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ước đến cuối quý II, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 của Đà Nẵng đạt 1.500 tỷ đồng/5.963 tỷ đồng, đạt 25,2% kế hoạch Trung ương giao.

Hoạt động từ các chợ đêm cũng góp phần cho dịch vụ bán lẻ Đà Nẵng đạt hơn 33,4 ngàn tỷ đồng.

Nhiều giải pháp kích thích tăng trưởng

Để tiếp tục duy trì đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế, trong thời gian tới Đà Nẵng sẽ tập trung giải pháp hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh. TP sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn, đưa vào hoạt động sản phẩm dù lượn Sơn Trà, các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước tại khu vực bán đảo Sơn Trà và khu vực biển Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa. Xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch, tổ chức sự kiện và truyền thông, quảng bá, xúc tiến điểm đến Đà Nẵng năm 2022. Đà Nẵng cũng sẽ xây dựng và trình phê duyệt Đề án thành lập Khu Phi thuế quan; trình phê duyệt chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc trưng của TP; trình Thủ tướng phê duyệt đề án mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng, Công viên phần mềm số 2...

Xác định đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, vì vậy Đà Nẵng sẽ tập trung các giải pháp để phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2022. Song song với đó, TP tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư. Đà Nẵng vẫn duy trì hoạt động của các tổ công tác liên ngành nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, quy hoạch, đầu tư… Nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các khu công nghiệp mới (Hòa Cầm - Giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh) và Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng; xây dựng quy định suất đầu tư trên một đơn vị diện tích đất của TP Đà Nẵng. Đặc biệt, TP sẽ trình Thủ tướng Đề án Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư, tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho TP.

HẢI QUỲNH