Kỳ 2: Hàng đạt chuẩn nhưng khó “chen chân”
Mặc dù tất cả các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của TP Đà Nẵng đều có chất lượng tốt, đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng có rất ít sản phẩm hiện diện tại các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại trên địa bàn TP. Khảo sát của chúng tôi tại một số siêu thị lớn trên địa bàn TP như: Go!, Co.opmart, MM Mega Market, v.v…, số sản phẩm OCOP Đà Nẵng “trên kệ” tại các siêu thị này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đơn cử, tại Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, tính đến thời điểm này bày bán chỉ có 4 sản phẩm OCOP Đà Nẵng, gồm có: bánh dừa nướng Topcoco của Công ty TNHH Mỹ Phương Food, nấm ăn của HTX Nấm Kim Thanh (Q.Thanh Khê), rau ăn lá của HTX Dịch vụ - Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (H. Hòa Vang), khô bò Kinbe của Công ty CP Công nghệ Davifood. Ông Phan Thống – Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng thông tin thêm, số lượng khách hàng mua các sản phẩm OCOP này còn ít nên doanh số tiêu thụ không đáng kể.
Hay như tại Siêu thị Go! Đà Nẵng, hiện chỉ có mỗi Công ty TNHH Mỹ Phương Food là có sản phẩm đạt chuẩn OCOP bánh dừa nướng Topcoco bày bán tại siêu thị này. Do có nhiều du khách nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc đến tham quan và mua sắm tại Siêu thị Go! Đà Nẵng nên doanh số tiêu thụ sản phẩm này có khả quan hơn, trong khi đó, cư dân tại địa phương mua và tiêu dùng sản phẩm này còn thấp. Lý giải vì sao vẫn còn ít sản phẩm OCOP của TP Đà Nẵng vào được các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại trên địa bàn TP để tiêu thụ, bà Võ Thị Thu Thủy – Giám đốc Siêu thị Go! Đà Nẵng cho rằng là do nhiều sản phẩm OCOP của TP không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để có thể quảng bá và tiêu thụ tại siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại.
Chẳng hạn như thông tin trên sản phẩm thiếu rất nhiều, không có đầy đủ giấy tờ pháp lý về công bố chất lượng sản phẩm, quy trình theo dõi sản xuất, v.v…, đặc biệt là thiếu mã vạch phục vụ cho việc quẹt mã tính tiền bán hàng của siêu thị. Có trường hợp chủ thể sản phẩm OCOP bị thiếu các thủ tục, giấy tờ pháp lý liên quan đến sản phẩm, Siêu thị Go! Đà Nẵng đã hướng dẫn họ liên hệ các sở, ban, ngành hữu quan để bổ sung, hoàn thiện để đủ điều kiện vào siêu thị nhưng không thấy chủ thể này thực hiện.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng Phan Thống chia sẻ thêm, thực hiện chủ trương của lãnh đạo Sở Công Thương TP Đà Nẵng về việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm OCOP của TP vào các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại trên địa bàn TP để tiêu thụ, trên cơ sở danh sách các chủ thể (hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp) sản phẩm OCOP do Sở Công Thương TP cung cấp, Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng đã tích cực, chủ động liên hệ các chủ thể này để đặt vấn đề hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Nhưng kết quả chỉ có một vài chủ thể sản phẩm OCOP hợp tác, phần lớn các chủ thể còn lại không có phản hồi. Nguyên nhân có nhiều chủ thể sản phẩm OCOP không hợp tác cung cấp sản phẩm tiêu thụ tại siêu thị là do các chủ thể này có quy mô sản xuất mang tính nhỏ lẻ, năng lực sản xuất hạn chế nên không đáp ứng được yêu cầu về số lượng sản phẩm cung cấp khi có đơn hàng lớn từ siêu thị. Bên cạnh đó, một số chủ thể sản phẩm OCOP khác không mặn mà đưa hàng vào siêu thị tiêu thụ vì họ chỉ muốn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo phương thức kinh doanh truyền thống tại các chợ, quầy sạp, cửa hàng nhỏ lẻ…
Về phía các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp là chủ thể các sản phẩm OCOP trên địa bàn của TP cũng có nhiều băn khoăn, đắn đo khi đưa vào siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại để tiêu thụ. Chủ thể một sản phẩm đạt chuẩn OCOP ở Q.Liên Chiểu chia sẻ rằng, hiện đơn vị này mới chỉ tiêu thụ sản phẩm qua các kênh là các chợ, cửa hàng nhỏ lẻ, v.v… trên địa bàn TP, chưa muốn cung cấp hàng cho các siêu thị vì còn băn khoăn không biết đưa hàng vào đó có tiêu thụ được không, trong khi đó, phải mất thời gian, chi phí để làm thủ tục, giấy tờ pháp lý nhằm đảm bảo sản phẩm đủ điều kiện bán hàng tại siêu thị. Chủ một cơ sở sản xuất ở H.Hòa Vang có sản phẩm đạt chuẩn OCOP chia sẻ thêm: “Cơ sở của tôi có quy mô nhỏ, vốn liếng hạn hẹp, trong khi đó, cung cấp hàng cho siêu thị sẽ bị thanh toán chậm vì phải theo quy trình thanh toán của đối tác, lại tốn kém chi phí để thuê người tư vấn, giới thiệu sản phẩm hay đồng hành cùng với siêu thị thực hiện các chương trình khuyến mãi, kích cầu. Vì vậy mà đến nay, cơ sở tôi vẫn chưa đưa hàng vào siêu thị”.
Trong thời gian vừa qua, các sở, ban, ngành hữu quan và các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn TP Đà Nẵng đã rất nỗ lực để có thể tăng sự hiện diện của sản phẩm OCOP tại các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại. Nhưng nỗ lực từ một phía là không đủ, vấn đề cốt lõi vẫn phải xuất phát từ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn TP. Các chủ thể sản phẩm OCOP cần chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, tiếp tục nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã và bao bì bắt mắt, chuẩn hóa quy trình sản xuất, chuẩn hóa sản phẩm, v.v…, đặc biệt là nâng cao năng lực cung ứng mới có thể giúp sản phẩm OCOP đủ điều kiện “chen chân” vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, qua đó, mở rộng thị trường và gia tăng doanh số tiêu thụ, góp phần mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
PHÚ NAM