Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X: Xử lý nghiêm cán bộ công chức “ngâm” hồ sơ

Thứ tư, 20/07/2022 09:19
Ngày 19-7, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X tiếp tục diễn ra với các phiên thảo luận tổ vào buổi sáng buổi chiều với các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự chủ trì của ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh và Nguyễn Công Thanh.
Ông Phan Việt Cường – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam trả lời báo chí bên lề kỳ họp.
Ông Phan Việt Cường – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 19-7.

Bất cập trong công tác GPMB, thanh kiểm tra

Tại buổi thảo luận tổ, nhiều đại biểu đã thẳng thắn phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng như việc thanh tra, kiểm tra của các sở, ban, ngành quá nhiều khiến nhiều doanh nghiệp không có thời gian hoạt động. Đại biểu HĐND Nguyễn Viết Dũng cho biết, hiện nay công tác bồi thường GPMB được giao cho các trung tâm giải phóng mặt bằng công thực hiện; qua theo dõi, có nhiều dự án đầu tư công cũng như đầu tư tư đã hoàn thành công tác bồi thường GPMB đạt từ 97 đến 98%, số còn lại khoảng 2% kéo dài mãi năm này sang năm nọ, không chịu giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Theo đó, ông Nguyễn Viết Dũng đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác bồi thường, GPMB, không để doanh nghiệp “tự bơi” như hiện nay. Cần những chế tài cụ thể đối với các đơn vị GPMB khi không thực hiện đúng tiến độ GPMB theo tiến độ dự án cũng như tiến độ cam kết với chủ đầu tư.

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Hùng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc giải phóng mặt bằng ở các dự án khó khăn nhất có thể nói là việc bố trí đất tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Do đó, đề nghị UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương quan tâm làm tốt việc tái định cư; cần xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn, đầy đủ điều kiện thuận lợi hơn. Có như vậy người dân mới sớm phối hợp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Phó Chủ tịch thường trực HHDN Quảng Nam cũng nêu lên bất cập trong việc thanh kiểm tra, số lượng kiểm tra đối với doanh nghiệp trong năm quá nhiều. “Việc thanh tra, kiểm tra của các sở, ban ngành đối với các doanh nghiệp quá nhiều trong năm khiến nhiều đơn vị lo in ấn hồ sơ, giấy tờ phục vụ cho công tác thanh tra mà không có thời gian hoạt động. Do đó mong UBND tỉnh cùng các sở, ngành nên thành lập đoàn thanh tra liên ngành mỗi khi cần kiểm tra, qua đó tiết kiệm thời gian cho các đoàn thanh tra lẫn doanh nghiệp”- ông Phạm Quốc Hùng kiến nghị.

Ông Nguyễn Đức –Trưởng ban Kinh tế, ngân sách HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam.

Xử lý nghiêm cán bộ công chức “ngâm” hồ sơ

Chiều cùng ngày, trong phần trả lời chất vấn có “tư lệnh” một số ngành tham gia, gồm: Sở NN-PTNT, Sở Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT), Sở Xây dựng, Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ và Sở TT-TT. Trong đó, nhiều đại biểu làm “nóng” nghị trường với phần chất vấn ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam. Liên quan đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Quảng Nam tụt hạng 2 năm liên tiếp, nguyên nhân do đâu? Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thử cho rằng, nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ý thức, trách nhiệm chưa cao; năng lực cán bộ công chức còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, một phần nguyên nhân là do chất lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận chưa đảm bảo yêu cầu, số lượng hồ sơ tiếp nhận yêu cầu sửa đổi, bổ sung rất nhiều; số lượng cán bộ phụ trách giải quyết hồ sơ không được bổ sung thêm người, nên việc giải quyết hồ sơ công dân đôi lúc còn chậm trễ…

Đại biểu Trần Thị Bích Thu, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Quảng Nam cho rằng, theo báo cáo của Sở KH-ĐT về chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh Quảng Nam, có tới 65% doanh nghiệp (DN) phản ánh có hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính là phổ biến (trong khi trung bình cả nước 41%); 41% DN phải trả chi phí không chính thức. “Lý do tại sao Quảng Nam càng tập trung cải cách thủ tục hành chính thì tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính lại trở nên phổ biến? Chi phí không chính thức DN phải trả là trả cho ai, trách nhiệm thuộc về ai, làm thế nào để khắc phục tình trạng trên?”- đại biểu HĐND Trần Thị Thu thắc mắc.

Về nội dung này, ông Nguyễn Quang Thử nói nguyên nhân là do yếu tố con người. Giải pháp sắp tới là điều chuyển vị trí công tác của cán bộ, công chức; nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giảm thời gian xử lý hồ sơ, giảm lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Trong khi đó, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho rằng, các số liệu về hiện tượng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức như đại biểu Thu nêu là vấn đề đáng báo động. “Tỉnh đã yêu cầu các sở ngành, địa phương rà soát các cán bộ, công chức, viên chức của mình, xử lý nghiêm cán bộ công chức “ngâm” hồ sơ có nhằm mục đích tiêu cực, nhận tiền bôi trơn hay không? Nếu phát hiện có, chứng minh được thì xử lý hình sự theo quy định. Giám đốc các sở, lãnh đạo các huyện có trách nhiệm phải nhắc nhở các cán bộ, công chức do mình quản lý”- ông Cường yêu cầu.

Ông Phan Việt Cường – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam trả lời báo chí bên lề kỳ họp.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Cũng liên quan đến trách nhiệm của Sở KH-ĐT, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư công tiến độ triển khai, giải ngân chậm, tình trạng chuyển nguồn, kết dư, kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là nguồn vốn ODA. “Đề nghị lãnh đạo Sở KH-ĐT cho biết tình trạng trên xảy ra ở địa phương, đơn vị nào? Nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan? Cơ chế lãnh đạo, điều hành có bất cập không? Giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công?”, ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế, ngân sách HĐND tỉnh chất vấn.

Báo cáo giải trình với các đại biểu, ông Nguyễn Quang Thử cho hay, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh cung cấp, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 (bao gồm kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài) đến hết ngày 30-6-2022 giải ngân hơn 1.847,3 triệu đồng, đạt 31,6% so với kế hoạch vốn đã qua hệ thống Kho bạc Nhà nước . Kết quả giải ngân vốn đầu tư 6 tháng đầu năm tuy cao hơn so với kết quả giải ngân cùng kỳ năm 2021 và trung bình chung của cả nước (27,75%), nhưng chưa đạt yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, tính đến hết ngày 30-6-2022, có 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%, gồm: Duy Xuyên (28,8%), Bắc Trà My (26,6%), Nông Sơn (24,4%), Phú Ninh (19,9%), Quế Sơn (18,7%), Hội An (13,0%) và Núi Thành (11,5%).

Theo ông Thử, nguyên nhân do các chủ đầu tư chậm thực hiện các thủ tục, các cơ quan thiếu phối hợp trong giải quyết hồ sơ thủ tục, đại dịch covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm; giá thép, xăng dầu tăng cao và việc thiếu các mỏ đá, mỏ đất làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Về giải pháp trong thời gian đến, Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng cần tập trung phân bổ hết kế hoạch vốn được giao; xây dựng kế hoạch giải ngân từng dự án, nhất là dự án có vốn lớn; tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, bảo đảm tiến độ đề ra; việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân phải gắn với việc kiểm soát chất lượng và thực hiện theo đúng quy định.

Vấn đề tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, ông Phan Việc Cường – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo các địa phương tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong công tác giải phóng mặt bằng, tranh thủ làm cả ngày lễ, cuối tuần. “Thời gian đến nên tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với lãnh đạo địa phương; chuyển đổi vị trí cán bộ làm không hiệu quả; đề nghị HĐND tỉnh thời gian đến thành lập đoàn kiểm tra, giám sát 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp trên…”- ông Cường nhấn mạnh.

TRẦN TÂN