Ký ức về thời làm báo của cha tôi

Thứ hai, 21/06/2021 22:04

Người ta thường nhắc đến cha tôi (ông Nguyễn Đình Trọng, bút danh Đông Trình) là một nhà thơ. Tuy nhiên trong một lần trò chuyện, tôi đã hỏi cha tôi về những năm tháng lao động và làm việc của ông trong những tháng năm sung sức của đời người.

Nhà thơ Đông Trình (trái) và nhà văn Thanh Quế.

Cha tôi mỉm cười lặng im. Những sợi tóc chưa vội bạc màu. Một thoáng trầm ngâm đọng trên mắt kiếng của khuôn mặt cha tôi khi ông hồi tưởng lại về thời quá khứ hào hùng sôi động đã mãi xa. Cha tôi có một thời làm báo. Thời gian như tên bay gió thoảng và thường lãng quên rất nhanh, những việc gì mình đã làm hôm qua thì nay đã trở thành dĩ vãng. Không ai nhớ đến hoặc ngay chính mình cũng quên đi là lẽ thường tình.

Nhưng tôi thì “ngạc nhiên” và thú vị vì quãng đời làm báo của cha tôi. Và tôi muốn viết lại quãng thời gian sống động đó. Vào những năm đầu 1990, làng báo Đà Nẵng đông đảo những người cầm bút có tâm huyết và sau này họ là những cây bút chủ chốt và làm lãnh đạo báo ở các báo lớn ở TPHCM, có thể kể ra như Huỳnh Kim Sánh, Nguyễn Đình Xê, Nguyễn Công Khế...

Cha tôi là thầy, là người anh của họ về tuổi đời, tuổi nghề cũng như với vai trò là giáo viên dạy bộ môn văn học ở Trường PTTH Phan Châu Trinh, một ngôi trường nổi tiếng ở Đà Nẵng. Và cũng là một trong số những người tổ chức nên phong trào sáng tác văn chương đấu tranh yêu nước thời ấy. Nghề báo là nghề tay trái của cha tôi. Tuy là phụ nhưng ông cũng viết khá sung sức.

Tôi nhớ hồi đó trên các báo lớn của TPHCM như Tuổi Trẻ, Thanh Niên,... lâu lâu cha tôi lại xuất hiện với một bài tạp bút, hay bài viết ngắn giới thiệu một cây bút làm thơ mới nổi. Những bài viết nóng, mang tính thời sự và có sức lan tỏa đến bạn đọc lúc bấy giờ. Ít ai biết rằng là một nhà giáo và đã từng đỗ thủ khoa hai trường đại học ở Huế là Đại học sư phạm và Đại học khoa học nhân văn nhưng cha tôi có một phông văn hóa sâu rộng đủ để đánh giá, phát hiện những gương mặt trẻ, hay những cây bút văn học “sáng giá”, nổi tiếng sau này khi họ mới tập tễnh vào nghề cầm bút hoặc viết đã lâu nhưng không ai phát hiện và chú ý.

Khi làm báo ông có bút danh: Trần Hồng Giao, Hồng Chi. Cha tôi thường giữ gìn, cất giữ cẩn thận những bài báo hay, những tư liệu, hình ảnh quý trong quãng thời gian lao động sáng tạo, viết lách, hoạt động văn hóa nghệ thuật của mình. Cuốn vở giấy kẻ ngang xinh xắn của thời ấy được cha tôi xem như là kho tư liệu để lưu giữ đầy ắp những kỷ niệm quý giá về những mối quan hệ và công việc, thư từ về những hoạt động, sinh hoạt, văn nghệ đầy sống động trong suốt quãng đời cầm bút và viết văn, làm thơ, làm báo hơn 40 năm của mình với rất nhiều điều quý giá.

Những hình ảnh chụp của ông với những nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ nổi tiếng như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trịnh Công Sơn, Hoàng Cầm, Thu Bồn... là khởi nguồn cảm hứng cho tôi khi viết bài về những nghệ sĩ nổi tiếng. Trong một lần nhân ngày giỗ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tôi trở về nhà gặp cha tôi và phỏng vấn ông để viết bài về những kỷ niệm thời sinh viên của ông với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Người làm thơ thường có tư duy trừu tượng và sâu sắc trái lại người làm báo phải có trực quan sinh động và nhạy bén để nắm bắt những vấn đề xã hội. Cha tôi đã kết hợp hai yếu tố gần như là sở trường của ông để tạo nên những chất liệu sống động trong những bài tản văn, tạp bút mang phong cách rất riêng của mình. Là một nhà thơ, cha tôi am hiểu sâu sắc những vấn đề thuộc về văn hóa xã hội nên những bài viết của cha tôi thường mang tính chiều sâu văn hóa. Như bài viết “Tiếng tắc ươu và khoảng trống trên nôi ru” của cha tôi đăng trên báo Thanh Niên.

Ông viết về những lời ru dần mất đi trên môi của những người mẹ và đó là một khoảng trống lớn về văn hóa tuổi thơ khi đứa trẻ từ thuở ấu thơ (lúc còn nằm trên nôi) đã được nuôi dưỡng bằng tâm hồn, được dạy dỗ bằng tình thương yêu của người mẹ qua những bài ca dao hay những câu hò ví dặm mang nội dung sâu sắc về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước.

Hay bài viết với nhan đề “Một vùng văn hóa vị giác thấm đẫm” kể về những món ăn của quê hương mà khi món ăn đang nằm trên đầu lưỡi ta đã nghe, đã cảm được hương vị ngọt ngào về tình cảm của quê hương của một vùng miền đất nước nơi bạn đang đi qua hay đang sống ở đó. Thật ra công việc làm báo đã đến với cha tôi từ hồi ông còn là sinh viên của khoa Ngữ Văn của Trường ĐHSP Huế. Ông làm Chủ tịch phòng sinh hoạt giáo dục và văn hóa nghệ thuật Tổng hội Sinh viên Huế.

Những bài thơ, bài báo lúc đó được ông viết với tình cảm yêu quê hương đất nước được đăng trên các tập san của trường như một ngọn lửa đấu tranh hun đúc tinh thần yêu nước của thế hệ sinh viên Huế lúc bấy giờ. Báo chí với vai trò đấu tranh giải phóng dân tộc hay bây giờ gọi là “báo chí cách mạng” thật đúng nghĩa trong giai đoạn đó. Cùng với những sinh viên như Trần Quang Long, thầy giáo Ngô Kha... cha tôi đã trở thành một trong những sinh viên tiêu biểu trong phong trào sinh viên, học sinh đấu tranh giành quyền hòa bình và độc lập ở Huế trong những năm tháng ấy. 

ĐÔNG SƠN