Kỳ vọng bứt phá từ các nhà văn trẻ
Dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi hai bức thư cùng quà tặng cho 2 đại biểu: Đại biểu khuyết tật Vũ Nguyên và đại biểu trẻ tuổi nhất đại hội Trần Phú Minh Anh. Trong thư, Chủ tịch nước bày tỏ niềm xúc động và hy vọng các tác giả tiếp tục giữ ngọn lửa đam mê sáng tác, có nhiều khát vọng trong cuộc sống. Cũng trong dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi tặng hơn 100 phần quà, mỗi phần quà là một chiếc đồng hồ do chính tay Thủ tướng Chính phủ lựa chọn, với lời nhắn nhủ: "Mỗi tiếng tích tắc như một lời nhắc nhở rằng: Đảng và Nhà nước vẫn không ngừng quan tâm các tác giả, đến sự nghiệp văn học nước nhà".
Kỳ vọng vào các nhà văn trẻ
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn hết sức quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, cũng như đặt nhiều mong muốn, kỳ vọng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trẻ nói chung, các nhà văn trẻ nói riêng. Nhắc lại kỷ niệm vô cùng xúc động khi chứng kiến lần đầu tiên Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng mong muốn ngày càng có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam, trong đó có tác phẩm của các nhà văn trẻ, vươn ra thế giới.
Lắng nghe tâm tư, khát vọng cùng những trăn trở của các cây bút trẻ, Phó Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện cần thiết để các văn nghệ sĩ tự do sáng tạo, sáng tác nghệ thuật có trách nhiệm với đất nước, dân tộc. Đối với các nhà văn trẻ, quá trình trải nghiệm, thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo là rất cần thiết, để từ đó có sự điều chỉnh, định hình phong cách, tạo ra không chỉ tác phẩm hay mà còn cả những xu hướng, trường phái mới. Phó Thủ tướng cho biết thêm, không riêng gì bản thân ông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà văn trẻ để cùng các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan bàn bạc, phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà văn, các hội văn hóa nghệ thuật khác, để tiếp tục phát triển tốt hơn nữa nền văn học nghệ thuật nước nhà. Với chủ đề hội nghị lần này "Vì sao chúng ta viết", Phó Thủ tướng cho rằng, đây là một câu hỏi vừa dễ lại vừa khó mà các nhà văn trẻ khi cầm bút cần phải trả lời.
Xuất hiện nhiều cây bút trẻ triển vọng
Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X năm 2022 có sự tham dự của 138 đại biểu được lựa chọn từ hàng trăm đề cử. Đây là số lượng đại biểu có mặt nhiều nhất nếu so sánh với hai hội nghị liền kề trong 10 năm gần đây. Đông nhất là chuyên ngành thơ, văn xuôi; tiếp đến là lý luận, phê bình văn học và cuối cùng là dịch thuật. Các đại biểu đến từ nhiều địa phương, ngành nghề, công việc khác nhau cho thấy sự đa dạng trong đội ngũ những người viết trẻ.
Nổi bật trong số những cây bút trẻ mùa này phải kể đến Nguyễn Bình (20 tuổi), sinh viên đang học Thiên văn học ở Mỹ đã dịch kiệt tác "Truyện Kiều" sang tiếng Anh và được những nhà văn, dịch giả tên tuổi của Mỹ đánh giá cao; hay Trang Nguyễn (21 tuổi) viết tác phẩm "Chang hoang dã - gấu" được NXB Pan Macmillan của Anh mua bản quyền toàn cầu và sau đó họ đã bán bản quyền cuốn sách này sang Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ. Lại có những cây bút trẻ viết đều, viết khỏe như: Vũ Đức Anh mới 28 tuổi đã có 4 tiểu thuyết; Huỳnh Lê Triều Phú 25 tuổi đã xuất bản 9 đầu sách gồm thơ, truyện ngắn, tùy bút, khảo cứu; Phạm Minh Quân (28 tuổi) có 5 đầu sách dịch; Phát Dương (26 tuổi), có 3 tập truyện ngắn in riêng, 3 tập truyện ngắn in chung; Trác Diễm (33 tuổi), đã xuất bản 3 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn; Vũ Thị Huyền Trang (35 tuổi), đã xuất bản 11 tập truyện ngắn, tùy bút…
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận thể hiện sự trăn trở, nguyện vọng của người viết văn trẻ như: "Vì sao chúng ta viết? Chúng ta viết để làm gì?", "Người viết trẻ với văn hóa đồng bằng sông Cửu Long"… Bên cạnh đó, các nhà văn trẻ còn thẳng thắn bày tỏ băn khoăn trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước có chương trình đào tạo thế nào để các cây bút tự phát có cơ hội phát triển; đặt các câu hỏi về sự thay đổi trong giáo dục liên quan đến văn học, hướng mở nào mang tính đặc thù để phát triển văn học, chiến lược phát triển nền tảng tư liệu số cho văn học một cách bài bản và dài hạn.
Vì sao chúng ta viết?
Cũng tại hội nghị này, các nhà văn trẻ được nghe các nhà văn, nhà thơ "gạo cội" chia sẻ về quá trình cầm bút sáng tác, về trách nhiệm của người cầm bút, đặt niềm tin, hy vọng vào sự bứt phá của những người cầm bút trẻ.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, so với các thế hệ nhà văn trước đó, những nhà văn trẻ Việt Nam hiện nay có nhiều cơ hội, nhiều điều kiện cho sáng tạo và công bố tác phẩm của mình hơn. Tương lai của nền văn học Việt Nam phụ thuộc vào sự dấn thân của các nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo của mình. "Các nhà văn trẻ sẽ là chủ nhân của nền văn học Việt Nam trong tương lai gần. Đấy là dòng chảy không thể thay đổi của đời sống. Lịch sử phát triển văn học Việt Nam minh chứng rằng: Mỗi thế hệ nhà văn Việt Nam đã mang đến một giọng nói của thời đại mình, mang đến những giá trị mới cho văn học Việt Nam và góp phần tạo ra những địa tầng mới cho văn hóa dân tộc. Mỗi thế hệ nhà văn xuất hiện lại mang tới những vẻ đẹp mới của sáng tạo, nhưng bản chất của nền văn học ấy không hề đổi thay ở bất cứ hoàn cảnh nào của lịch sử. Đó là nền văn học vì cái đẹp, vì lẽ phải, vì con người, vì dân tộc. Và qua mỗi thế hệ nhà văn, di sản của nền văn học Việt Nam lại đầy thêm với sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật sáng tạo và làm ra những giá trị mỹ học mới…"- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, điều mang tính sống còn của mọi nhà văn và mọi nền văn học là lương tri. Nếu mỗi trang viết của nhà văn không chứa đựng lương tri của con người và của dân tộc mình thì những gì họ viết ra lại trở thành sự phản bội chính nghệ thuật mà họ theo đuổi. Lương tri của nhà văn chính là làm ra vẻ đẹp của ngôn từ, làm ra tư tưởng sâu sắc của đời sống và phải luôn luôn quả cảm đấu tranh cho lẽ phải.
"Vì sao chúng ta viết? Chúng ta viết bởi sự rung động trước cái đẹp của thiên nhiên, của văn hóa và của con người. Những vẻ đẹp ấy dù trong bất cứ thăng trầm nào của lịch sử vẫn ngập tràn trong đời sống và đợi chờ chúng ta. Chúng ta muốn dùng trái tim, sự thấu hiểu và nghệ thuật ngôn từ để mở ra những vẻ đẹp ấy và lan tỏa những vẻ đẹp ấy cho con người. Nếu văn chương không đưa con người tới vương quốc của cái đẹp thì nó sẽ đưa con người đến một nơi chốn ngược lại. Chúng ta viết bởi chúng ta nhận ra trong thời đại chúng ta đang sống vẫn ẩn chứa nhiều tội ác. Đó là những cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, đó là những cuộc chiến tranh tàn khốc, đó là sự áp đặt độc tài của một người này với một người khác, của một quốc gia này với một quốc gia khác. Và nhà văn khi cầm bút chính là bước vào cuộc chiến đấu chống lại tội ác đó. Chúng ta viết bởi chúng ta đã chấp nhận danh phận nhà văn với niềm kiêu hãnh và sứ mệnh nặng nề…"- nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
* "Sau hội nghị lần này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đồng hành cùng Hội Nhà văn để cùng trả lời câu hỏi "Vì sao chúng ta viết?"; khẩn trương hiện thực hóa đề án nâng cao năng lực sáng tác, lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó để có cách nhìn, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện nhằm tạo ra những tác phẩm văn học chất lượng và sống mãi với thời gian", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định. |
T.Danh