Lâm Đồng lập Tổ hỗ trợ bồi thường cho người nuôi bò sữa bị hại sau tiêm vaccine

Thứ tư, 21/08/2024 08:30

Ngày 20-8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1337/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác hỗ trợ bồi thường thiệt hại trên đàn bò sữa bị bệnh tiêu chảy do tiêm vaccine viêm da nổi cục. Theo Quyết định này, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng được cử làm Tổ trưởng.

Trước đó, báo chí liên tục thông tin về tình hình bệnh tiêu chảy sau khi tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò sữa ở vùng trọng điểm bò sữa của tỉnh Lâm Đồng. Vụ việc trên đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh. Bởi hầu hết các nông hộ này đều thế chấp nhà cửa, vay vốn ngân hàng để đầu tư cho đàn bò sữa với số vốn hàng tỷ đồng.

Ngày 14-8 vừa qua, căn cứ triệu chứng lâm sàng, mổ khám kiểm tra bệnh tích, kết quả xét nghiệm và giải trình tự gene, Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã có báo cáo về nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng. Cục Thú y bước đầu kết luận, nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa tại tỉnh Lâm Đồng là do bò bị nhiễm virus mang tên "Pestivirus tauri" sau khi tiêm vaccine phòng viêm da nổi cục của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương sản xuất.

Trước vấn đề này, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã phát đi Thông báo số 885-TB/TU, trong đó lãnh đạo Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị làm rõ quy trình đấu thầu; quá trình giao, nhận và bảo quản vaccine; các quy trình, hướng dẫn sử dụng và các vấn đề liên quan khác về việc lần đầu tiên sử dụng chủng loại vaccine viêm da nổi cục Navet-Lpvac để tiêm cho đàn bò trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Khẩn trương nghiên cứu các quy định, chính sách để xây dựng kế hoạch, phương án bồi thường hỗ trợ, cho người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng, trong 24 giờ từ ngày 18 đến 19-8, trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng thêm 380 con bị bệnh ở huyện Đơn Dương, 7 con bò bị chết thuộc 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng. Lũy kế đến 16 giờ ngày 19-8, toàn tỉnh có 6.439 con bệnh, 348 con bị chết; 718 con bò hồi phục.

QUỐC HÙNG