Lãnh đạo Đà Nẵng lắng nghe trẻ em nói
Các con mong muốn…
Được sự khuyến khích của lãnh đạo thành phố, tại buổi gặp mặt, nhiều em đã mạnh dạn bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền, thành phố cần có chính sách quan tâm đến trẻ em nghèo, trẻ em là đồng bào dân tộc như tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, thực hiện các giải pháp, hoạt động phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, tổ chức các lớp dạy bơi, trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng sống, tự bảo vệ trẻ em...
Đặc biệt, nhiều vấn đề nóng của xã hội được các em quan tâm, nêu ra như chất cấm, hậu COVID-19, ô nhiễm môi trường, tình trạng giao thông, vấn đề tắm biển phải có người giám sát theo dõi. Các em còn đề xuất đưa các chương trình liên quan đến bạo lực học đường, học bơi trở thành một bộ môn trong học đường. Theo em Cao Ánh Dương, trường THCS Lý Thường Kiệt (Q.Hải Châu), tình trạng xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, nhất là bạo lực học đường. Thực trạng này đã gây lo lắng, bất an cho trẻ em, gia đình, cộng đồng, gây bức xúc cho xã hội và để lại hậu quả xấu. Vì vậy, “liên quan đến những vụ xâm hại trẻ em, em mong muốn cần được xử lý nhanh, nghiêm những kẻ xâm hại trẻ em, đưa ra xét xử lưu động để tăng tính răn đe. Đặc biệt, những hành vi che giấu tội phạm xâm hại trẻ em của người thân cũng rất đáng lên án”- Ánh Dương mạnh dạn nêu ý kiến. Trong khi đó, em Nguyễn Thị Ly Na- HS trường tiểu học Trần Đại Nghĩa lại quan tâm đến các lớp học năng khiếu, ngoại ngữ miễn phí. “Em rất mong thành phố có nhiều hơn nữa các khóa học miễn phí liên quan đến ngoại ngữ, năng khiếu, kỹ năng sống để các em có điều kiện tham gia, hoàn thiện bản thân”- Ly Na nói lên nguyện vọng của mình…
Lắng nghe để cùng chung tay hành động vì hạnh phúc của trẻ em
Lắng nghe trẻ em trình bày suy nghĩ, nguyện vọng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đánh giá cao và biểu dương các em đã có tinh thần trách nhiệm trong quan sát, suy nghĩ, nhận thức để đưa ra nhiều ý kiến, cũng như phát hiện, đề xuất sát với tình hình thực tế. Theo bà Yến, những ý kiến bày tỏ của các em hôm nay chính là những phản ánh xác thực của cuộc sống thường nhật, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. “Thời gian đến, mong các em tiếp tục phát huy, tích cực tham gia, bày tỏ những vấn đề các em quan tâm; sáng tạo, tự tin đề xuất, đóng góp những ý kiến hay, xác đáng để góp phần cùng các đơn vị liên quan hoạch định, xây dựng các chương trình, chính sách thật sự thiết thực, nhân văn và tiến bộ vì trẻ em, hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng- thành phố thân thiện với trẻ em”- bà Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh. Cũng theo bà Kim Yến, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ trẻ em của thành phố thời gian qua vẫn còn những khó khăn. Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến học tập và tinh thần của các em. Hướng đến xây dựng một cộng đồng an toàn thân thiện trẻ em, thành phố rất mong các sở, ban ngành, các hội đoàn thể chung tay giải quyết hiệu quả các vấn đề nảy sinh tại địa phương...
Kết luận tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết bày tỏ niềm vui khi được lắng nghe ý kiến của các em. Tiếp tục cùng nhau hành động để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả của việc phát triển kinh tế- xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ em, ông Triết yêu cầu các cấp, ngành yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của Luật trẻ em, Nghị quyết 121/2020 của Quốc hội và các nội dung, nhiệm vụ về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Các cấp, ngành phải phát huy trách nhiệm của người đại biểu, nhất là trách nhiệm thường xuyên định kỳ tiếp xúc với trẻ em, hoặc đại diện trẻ em; tiếp nhận, chuyển và theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị của các cơ quan, tổ chức liên quan đến trẻ em. Cũng theo ông Triết, việc giải quyết và phản hồi cho trẻ em, kiến nghị của trẻ em phải được thực hiện nhanh chóng. Theo đó, đối với ý kiến của các em trình bày hôm nay, ông Triết đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành đơn vị địa phương tiếp tục quan tâm triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đối với những việc chưa làm được hoặc những đề xuất ý tưởng mới, các ngành chức năng cần nghiên cứu, báo cáo, đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian đến.
“Mục tiêu của thành phố trong giai đoạn 2021-2030 là phấn đấu 30% trẻ em từ 7 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp vào năm 2025, 35% vào năm 2030, phấn đấu 85% trẻ em được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ em vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Tỷ lệ trẻ em từ 11 tuổi trở lên được tham gia vào các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030”- ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Lê Anh Tuấn
Theo thống kê, Đà Nẵng hiện có 310.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có hơn 3.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 11.500 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những năm qua, thành phố đã có nhiều chính sách, quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em, giúp các em hòa nhập cộng đồng... Bằng nguồn ngân sách thành phố cũng như huy động các nguồn lực xã hội, bình quân mỗi năm, Đà Nẵng hỗ trợ khoảng 1.330 tỷ đồng cho công tác trẻ, liên quan đến các lĩnh vực như giáo dục, y tế... |