Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng họp khẩn ứng phó, khắc phục hậu quả do bão Noru (bão số 4/2022) gây ra.

Thứ hai, 26/09/2022 15:43
Thực hiện Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó khẩn cấp với bão Noru, đồng thời ra soát các công việc chuẩn bị ứng phó bão Noru, ngày 26-9-2022, UBND TPĐà Nẵng tổ chức cuộc họp trực tuyến với các cơ quan đơn vị, các đồng chí Ban Thường vụ Thành ủy, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố, các đồng chí là thành viên  Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố. Chủ trì cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Quảng-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng và đồng chí Lê Trung Chinh-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPĐà Nẵng. Tại điểm cầu trụ sở UBND các quận huyện, chủ trì đồng chí Bí thư quận,  huyện ủy Chủ tịch UBND các quận, huyện…

Cuộc họp đã nghe lãnh đạo các quận, huyện và các Sở, ban ngành báo cáo: Theo Trung tâm cảnh báo khí tượng thủy văn, bão Noru là cơn bão nguy hiểm, những ngày qua, sau khi đi vào Phi Líp Pin bão đã suy yếu, nhưng khi vào biển Đông, bão lại mạnh lên. Nhận định bão đổ bộ vào khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi sẽ có cường độ cấp 9 cấp 10, gió mạnh, hoàn lưu bão có mưa lớn, gây ngập lụt tại nhiều địa phương vào ngày 28-9-2022. Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT thành phố, hiện nay các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đều có mực nước bình thường. Đã có 769 tàu thuyền vào trú ẩn tại âu thuyền Thọ Quang, Bộ đội Biên phòng và ngành chức năng đang tiếp tục kêu gọi các tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Dự báo nguy cơ ngập lụt sẽ xảy ra tại huyện Hòa Vang, vì vậy phải có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng trên địa bàn. Vùng ven biển phải sẵn sàng sơ tán người dân đến nơi an toàn. Ngành giao thông, du lịch bố trí, sắp xếp các tàu du lịch, cảnh báo khách du lịch đến địa bàn Đà Nẵng. Dự báo tình trạng ngập úng trong đô thị sẽ phức tạp, ngành chức năng cần phải khẩn trương cắm biển báo, cấm đường, nhất là những khu vực có học sinh đi học tập trung…Nạo vét các kênh mương hở ở Cẩm Lệ, Sơn Trà…Sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”. Tạm dừng các cuộc họp không cần thiết vào thời điểm hiện nay để tập trung lực lượng đối phó với bão…

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo cuộc họp
UBND TPĐà Nẵng họp khẩn về công tác ứng phó và khắc phù hậu quả do bão Noru gây ra

Tại Hòa Vang, qua đánh giá, rà soát sẽ cần phải di dời 28.000 người dân theo phương thức di dời tập trung và di dời tại chỗ, tromg đó có 715 công nhân ở Hòa Sơn về nơi an toàn. Có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở, như ở khu vực đồi Núi Sọ, Hòa Sơn cần di dời 43 hộ dân 143 nhân khẩu, khu vực đồi Lệ Mỹ, Hòa Liên, 14 hộ dân, khu vực Phú Túc, Hòa Phú 80 hộ, 300 nhân khẩu về nơi an toàn. Khu vực Nam Mỹ, Hòa Bắc thường bị chia cắt do ngập lụt, 20 hộ dân ở thôn Trung Sơn, Hòa Liên có nguy cơ ngập lụt, khu nhà ở liền kề ở Hòa Châu có nguy cơ chịu thiệt hại do bão, cần có phương án đảm bảo an toàn cho người dân…Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý, tất cả các hồ đập tại Hòa Vang phải được kiểm tra chặt chẽ, có lực lượng ứng trực. Hòa Vang có nhiều dự án, công trình đang xây dựng dở dang, sẽ làm cản đường thoát lũ, cần chú ý lực lượng để ứng phó. Hòa Vang là địa bàn trọng yếu của thành phố, tại các điểm di dời dân đến phải kiểm tra cụ thể, có báo cáo với thành phố sớm nhất. Tại Sơn Trà, cần phải di dời 15.000 người dân, trong đó 13.000 người dân sơ tán tại chỗ, 600 ngư dân ở Thọ Quang, đến 9 giờ ngày 26-9-2022 đã di dời đến nơi an toàn. Quận Sơn Trà đã kiến nghị thành phố và ngành chức năng không cho khách du lịch lên bán đảo Sơn Trà…Bí thư Nguyễn Văn Quảng yêu cầu, công tác di dời dân phải khẩn trương, đúng ngày, đúng giờ; quận phải cho dỡ tất cả các biển quảng cáo, cắt tỉa, chằng, chống cây xanh các tuyến đường…Tại các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, bên cạnh công tác di dời dân, cần chú ý các điểm sạt lở, ngập úng như ở Hòa Cầm, Khe Cạn…đặc biệt hầm chui Điện Biên Phủ, các công trình đang thi công trên đường Nguyễn Tất Thành….Tại quận Liên Chiểu, đã chuẩn bị 7 vi trí di dời 26.000 người dân, trong đó có 16.000 người di dời tập trung. Các lực lượng đã hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, xử lý ngập úng tại 22 điểm, quận đã làm việc với các chủ đầu tư các dự án để triển khai. Quận cũng kiến nghị cho công nhân khu công nghiệp nghỉ việc sớm đến đảm bảo an toàn khi có bão. Thành phố đã thống nhất từ 12 giờ ngày 27-9-2022, ngừng họp tất cả các chợ trên địa bàn thành phố, cho công nhân, viên chức nghỉ làm việc.

Bộ Chỉ huy Biên phòng thành phố cho biết, hiện nay toàn thành phố có 1.600 tàu thuyền đã vào nơi neo đậu, yêu cầu về âu thuyền để trú tránh bão an toàn. Có 9 tầu thuyền đang hoạt động trên biển đã về trú ẩn. Việc tầu neo đậu nhiều ở âu thuyền, đã chuẩn bị công tác phòng cháy, chữa cháy, di dời thuyền viên lên bờ, đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ vấn đề này. Bí thư Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo, phải cưỡng chế nếu thuyền viên nào không chấp hành lên bờ tránh bão. Thiếu tướng Vũ Xuân Viên-Giám đốc Công an thành phố cũng cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo chặt chẽ công tác ứng phó với cơn bão tại các địa phương. Đúng 17 giờ ngày 26-9-2002, toàn lực lượng Công an thành phố trực chiến 100%. Lực lượng Cảnh sát cơ động, phòng cháy sẵn sàng công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng chống cháy nổ, phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Quân sự tuần tra, kiểm soát các vị trí trọng yếu ứng phó trước và sau bão…Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, ngành chức năng, cần khảo sát, xem xét kỹ các điểm di dời người dân, đảm bảo về nơi ăn ở, vệ sinh môi trường, lực lượng quân sự sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống xảy ra

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên-Giám đốc Công an thành phố phát biểu tại cuộc họp
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu chỉ đạo cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo: Công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão phải thực hiện, bám sát theo đúng các chỉ đạo của Trung ương. UBND thành phố lập Ban chỉ đạo tiền phương tại UBND thành phố, gồm các đồng chí Thường vụ, ban cán sự Đảng, UBND thành phố để theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống bão, chú ý các vị trí trọng yếu. Rà soát chi tiết các nội dung, nhiệm vụ, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời…các biện pháp phòng, chống bão lụt, phải được các cơ quan truyền thông thành phố thông tin kịp thời, đầy đủ, tuyên truyền cho người dân tự phòng chống nhà cửa, không ra khỏi nhà khi có bão. Từ 12 giờ trưa ngày 26-9-2022, cứ 6 giờ 1 lần, Ban chỉ huy phòng chống bão thông tin báo cáo tình hình các địa phương. Lực lượng Công an, Biên phòng, quân sự, cảng vụ ứng trực chặt chẽ, phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ trước và sau bão. Đồng chí Thiếu tướng Vũ Xuân Viên-Giám đốc Công an thành phố trực tiếp làm chỉ huy các lượng lượng ứng trực. Các địa phương trên địa bàn thành phố khẩn trương rà soát các hộ dân phải di dời, các điểm ngập úng, tổ chức di dời dân đúng thời gian trước 14 giờ ngày 27-9-2022. Cung ứng tốt lương thực, thực phẩm cho người dân tại các điểm di dời, nhất là các khu vực bị cô lập. Cung ứng điện đảm bảo, kiểm tra đảm bảo an toàn các công trình.

Hồng Thanh