"Tôi đã có một cuộc điện đàm kéo dài và đầy ý nghĩa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tôi tin rằng cuộc điện đàm này, cũng như việc bổ nhiệm đại sứ Ukraine tại Trung Quốc, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương của chúng ta", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo hôm 26-4. Sergiy Nykyforov, người phát ngôn của Tổng thống Zelensky, cho biết hai nhà lãnh đạo đã có "cuộc trao đổi qua điện thoại kéo dài gần một giờ".
Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Theo Xinhua, ông Tập nói với ông Zelensky rằng, "đối thoại và đàm phán là lối thoát khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine". Ông Tập cũng xác nhận, Trung Quốc sẽ cử một đại diện đặc biệt đến Ukraine và các nước khác để tiến hành trao đổi với tất cả các bên nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ tập trung thúc đẩy đàm phán hòa bình và nỗ lực để sớm ngừng bắn. Ông Tập Cận Bình cũng cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine trong khả năng của mình.
Cuộc điện đàm được mong chờ từ lâu
Chủ tịch Trung Quốc đã thực hiện cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Zelensky sau hơn 400 ngày nổ ra xung đột vũ trang Nga – Ukraine và ông gợi ý rằng Kiev nên theo đuổi “giải pháp chính trị” thông qua đối thoại – có lẽ là với Nga – để mang lại hòa bình cho châu Âu.
Trong nhiều tháng, phương Tây đã không ngừng gây áp lực lên Bắc Kinh và bản thân Tổng thống Zelensky cũng ngỏ ý muốn có cuộc nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo Trung Quốc. Các nhà phân tích và ngoại giao cho rằng, cuộc điện đàm hôm 26-4 có thể giúp làm dịu căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây về vị thế của Bắc Kinh trong cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay, nhưng họ cũng cảnh báo rằng cuộc điện đàm sẽ không thay đổi tầm nhìn cơ bản của ông Tập Cận Bình về mối quan hệ với Nga.
Theo cách nói của Tổng thống Ukraine Zelensky, cuộc điện đàm với ông Tập đóng vai trò là “động lực mạnh mẽ” cho mối quan hệ song phương giữa hai nước. Tôi đã có một cuộc điện đàm dài và đầy ý nghĩa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”, ông Zelensky viết trên Twitter. “Tôi tin rằng cuộc điện đàm này, cũng như việc bổ nhiệm đại sứ Ukraine tại Trung Quốc sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương của chúng ta”. Trong một tuyên bố đầy đủ hơn, ông Zelensky nói rằng cuộc điện đàm “đặc biệt chú ý đến các cách thức hợp tác khả thi để thiết lập một nền hòa bình công bằng và bền vững cho Ukraine”.
Châu Âu hoan nghênh
Châu Âu đã gây không ít áp lực, cho rằng Trung Quốc cần phải hành động có trách nhiệm với tư cách là một thành viên hàng đầu của Liên Hợp Quốc - và họ đã phản ứng với sự lạc quan thận trọng trước lời kêu gọi của ông Tập.
Ngày 26-4, Nhà Trắng ra tuyên bố hoan nghênh cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Ukraine, song cho rằng còn quá sớm để nhận định liệu sự kiện này có dẫn đến một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine hay không. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho rằng cuộc điện đàm này là một "điều tốt”. Theo ông Kirby, Mỹ sẽ hoan nghênh “bất kỳ nỗ lực nào để đạt được hòa bình miễn là hòa bình đó có thể... bền vững và đáng tin cậy".
Cùng ngày, Pháp cũng tuyên bố nước này ủng hộ mọi cuộc đối thoại nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điện đàm. Một quan chức Phủ Tổng thống Pháp yêu cầu giấu tên cho biết nước này "khuyến khích mọi cuộc đối thoại" có thể "góp phần giải quyết cuộc xung đột" phù hợp với với luật pháp quốc tế. Theo quan chức này, đây cũng là thông điệp mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng.
Nga nói gì?
Phản ứng trước câu hỏi về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Ukraine Zelensky và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ca ngợi Bắc Kinh vì những nỗ lực giúp khởi động lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa. Bà cho biết quan điểm của Nga và Trung Quốc về con đường dẫn đến hòa bình “rất đồng điệu” với nhau.
Bà Zakharova nhận định những yêu cầu “phi thực tế” của Ukraine đang cản trở các cuộc đàm phán hòa bình. Bà Zakharova cũng đổ lỗi cho Kiev về sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán vào mùa xuân năm ngoái khi phái đoàn Nga và Ukraine tổ chức nhiều vòng gặp mặt. Trong khi đó, Kiev nhiều lần nói rằng các cuộc đàm phán chỉ có thể nối lại sau khi Nga trao trả các vùng lãnh thổ đã sáp nhập nước này. Moscow gọi những yêu cầu như vậy là không thể chấp nhận được.
AN BÌNH
Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.