Lấy chồng ngoại, sướng hay khổ?

Thứ hai, 08/05/2017 10:48

(Cadn.com.vn) - Hiện nay không ít phụ nữ suy nghĩ rất “thoáng” trong việc lập gia đình, đặc biệt là kết hôn với người nước ngoài. Với họ, việc lấy chồng ngoại quốc đôi khi là sự tò mò, đôi khi theo trào lưu nhiều hơn là việc kết hôn vì tình yêu, vì sự hiểu biết và gắn kết. Chính vì vậy, nhiều cuộc hôn nhân có kết ngắn ngủi, chóng vánh đã để lại nhiều hệ lụy buồn...

Theo số liệu thống kê, trong năm 2015 và năm 2016, TAND TP Đà Nẵng giải quyết gần 100 vụ án ly hôn “một bên ở nước ngoài”. Điều đáng nói, tất cả các vụ án ly hôn trên đều “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn”. Và trên thực tế hiện nay ly hôn có yếu tố nước ngoài đang dần trở thành một vấn đề mang tính cấp thiết của toàn xã hội. Tại TP Đà Nẵng, trong số những vụ án ly hôn nói trên, phần lớn người chồng mang quốc tịch nước ngoài sang Việt Nam du lịch, làm kinh tế hay vận động viên thể thao. Trong số đó lại có không ít “cặp đôi” quen biết qua bạn bè, người thân đang sinh sống ở nước ngoài làm mai mối, quen qua mạng xã hội zalo, facebook..., thậm chí có không ít cặp cưới giả nhằm hợp thức hóa để được bảo lãnh qua nước ngoài. Tuy nhiên, cũng vì kiểu “quen nhanh, cưới vội” khi chưa thực sự hiểu nhau, chưa tìm hiểu nền văn hóa của nhau và trên cả là bất đồng ngôn ngữ nên thường các mối quan hệ, các cuộc hôn nhân nói trên cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.

Nói về nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn có không ít câu chuyện dở khóc dở cười. Chơi thân với nhau và cùng có mộng “sính” chồng ngoại nên chị L. và chị N. quyết tâm ở vậy chờ đến khi nào quen được mới thôi. Chẳng hiểu run rủi thế nào sau thời gian hai chị vào miền Nam làm công nhân lại phải lòng luôn 2 chàng cầu thủ ngoại và họ đã đến với nhau. Vậy nhưng, sau khi hai chàng cầu thủ hồi hương thì cũng “quên” luôn hai người vợ Việt Nam. Sau một thời gian chờ đợi ngóng trông, cuối cùng hai chị đành gửi đơn ra tòa để yêu cầu được ly hôn với anh chồng ngoại. Trường hợp khác, do quen biết trên mạng xã hội, chị C. quen anh Kim Yong Sil (Hàn Quốc) rồi đi đến hôn nhân. Hai người ở hai nơi, lúc đầu còn gọi điện hỏi thăm nhau, sau những cuộc điện thoại thưa dần, chị C. buồn bã đi “cặp” với người khác để giải sầu, anh Kim phát hiện nên cả hai đồng ý đường ai nấy đi.

Sự khác biệt về văn hóa, bất đồng ngôn ngữ là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn (Trong ảnh: tòa án giải quyết một vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài).

Cũng không ít trường hợp, vì không tìm hiểu rõ tính cách, phong tục của nhau nên không thể hòa hợp mà dẫn đến ly hôn. Đối với người Việt Nam, phần lớn người phụ nữ giữ vai trò “tay hòm chìa khóa” nhưng trên thực tế ở một số nước khác hai vợ chồng lại hoàn toàn độc lập về kinh tế. Chính vì vấn đề tiền bạc quá “phân minh” nên nhiều chị cho rằng sống như vậy chẳng khác nào “những người bạn” nên cuối cùng cuộc hôn nhân cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Chị H. (Q. Thanh Khê) một người trong cuộc chia sẻ: “Vợ chồng gì mà tiền ai nấy tiêu, cần làm gì thì góp vào... thấy mình bị coi thường quá. Với lại có muốn giải thích để ông ấy hiểu cũng không dễ vì ngôn ngữ của mình hạn chế. Bực bội tích tụ lâu ngày thành ra tình cảm nhạt nhẽo dần. Lúc đầu bực bội còn nói qua nói lại, sau không ai nói với ai lời nào nên quyết định đường ai nấy đi... Người ngoài nhìn vào cứ nghĩ lấy được chồng ngoại thì sướng lắm, tự hào lắm nhưng sự thật thì chỉ có những người trong cuộc mới thấu”.

Bên cạnh những mối tình chớp nhoáng, phong trào... có không ít những cuộc hôn nhân được xây dựng trên tinh thần có tìm hiểu “tâm đầu ý hợp” vậy nhưng vẫn có kết thúc buồn. Chị Tr. (Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) và anh Pil gặp nhau trong quá trình làm việc chung và sau gần 5 tháng hẹn hò thì đi đến kết hôn. Sau khi kết hôn, sống chung với nhau được một tháng thì anh Pil về nước vì không còn làm việc tại Việt Nam. Lúc đầu cả hai còn liên lạc với nhau và hằng năm anh Pil trở lại Việt Nam vào các dịp Tết hoặc đi du lịch để thăm chị Tr. Khoảng 2 năm trở lại đây, cả hai ít liên lạc với nhau và tình cảm vì thế cũng nhạt dần. Nhận thấy tình cảm không còn, vợ chồng sống xa nhau không có cơ hội đoàn tụ nên cả hai đi đến quyết định yêu cầu tòa giải quyết ly hôn. Hay như trường hợp chị N. (Thanh Khê, Đà Nẵng) kết hôn với ông Marcos (Brasil) năm 2010, sau 2 năm sống chung hạnh phúc thì bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn về lối sống, ngôn ngữ và phong tục tập quán nên quyết định sống ly thân với hy vọng có cơ hội để cải thiện, hàn gắn hôn nhân. Tuy nhiên, mọi nỗ lực không mang lại kết quả nên chị N. xác định cả hai không thể tiếp tục chung sống với nhau. Điều đáng nói ở đây, cuộc hôn nhân này kết thúc khi cả hai đã có 2 con chung nên hiện tại chị N. nuôi một cháu, cháu còn lại theo Marcos về Brasil. Việc kết thúc cuộc hôn nhân khi xác định không còn tình cảm và không còn cơ hội hàn gắn là cần thiết, nhưng ở một góc độ nào đó, những đứa trẻ phải sống trong cảnh thiếu tình cảm của cha hoặc mẹ và một môi trường sống xa lạ sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý sau này và đây cũng chính là điều những người trong cuộc cần quan tâm đến.

Có thể thấy rằng, những năm gần đây tỷ lệ ly hôn có yếu tố nước ngoài có chiều hướng gia tăng và dự báo con số này sẽ không dừng lại ở những năm tiếp theo. Thực tế hiện nay, bên cạnh cơ chế của một số nước “mở cửa” lại có không ít quốc gia đang “thắt chặt” vấn đề nhập cư. Vì vậy, đối với những trường hợp kết hôn để bảo lãnh qua các nước khác vì thế cũng gặp nhiều trở ngại đáng kể. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến con số ly hôn có yếu tố nước ngoài ngày một tăng lên. Hôn nhân là phải dựa trên tinh thần tự nguyện vì vậy để đi đến quyết định “về chung một nhà”, hơn ai hết những người trong cuộc cần phải cân nhắc, tìm hiểu tránh trường hợp chỉ vì “sính” chồng ngoại để rồi nhận kết buồn...

Trang Trần