Lê Minh Quốc - Nguồn cảm hứng diệu kỳ lần đầu tiên làm cha

Thứ ba, 20/12/2022 18:03
Từng ngày ba mẹ thở theo con" - Tùy bút của Lê Minh Quốc do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2022. Sách dày 168 trang, khổ: 20.5 x 14.5 cm, bìa và minh họa trình bày trang nhã. Phần mở đầu tập sách ghi rõ: "Tùy bút dành cho các thiên thần nhỏ và người lớn. Cảm hứng từ Coco Mì", cùng các chương mục mang tiêu đề dễ thương, hấp dẫn: Lắng nghe hơi thở đất đai nẩy mầm, Lời chào con gái, Hát đồng dao ru con, Xin cho em một chiếc áo dài...
Bìa sách "Từng ngày ba mẹ thở theo con" của Lê Minh Quốc.
Bìa sách "Từng ngày ba mẹ thở theo con" của Lê Minh Quốc.

"Từng ngày ba mẹ thở theo con" gồm những câu chuyện đời thực bắt nguồn từ đứa con huyết thống của Lê Minh Quốc: Bé Mì...Có thể nói, đây là một tác phẩm văn học hiếm hoi viết một câu chuyện quen thuộc, hầu như ai cũng đã và sẽ trải nghiệm, hoặc đương nhiên biết rõ, đó là: Cuộc sống mới của cha mẹ với đứa con đầu lòng. Nhưng nơi đây, tất cả mọi tình huống gần gũi mà đặc biệt ấy được nhà thơ Lê Minh Quốc ghi lại tỉ mỉ thành một tập hợp xinh xắn những câu chuyện đan xen các vần thơ hóm hỉnh, bất ngờ và tràn đầy cảm xúc...

Chuẩn bị chào đón cho sự ra đời của đứa con, Lê Minh Quốc đã ví cảm xúc này như là "Lắng nghe hơi thở đất đai nảy mầm". Anh đã giật mình tựa như khi xem tác phẩm nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, ngắm người mẹ đang sở hữu hình ảnh trái đất nhỏ nhoi trong bụng. Để rồi, đồng hành cùng vợ hướng đến mục tiêu tối thượng "mẹ tròn con vuông": Xòe tay, xoa trái đất tròn/ Lắng nghe hơi thở ru hồn nhịp thơ/ Lớn dần chồi biếc non tơ/ Lớn dần ngày tháng trẻ thơ lớn dần... Và tận hưởng niềm vui từ tiếng khóc của bé thơ: "Giọng ca tuyệt nhất trên đời/ Là bé diễn lúc nằm nôi khóc nhè". Tác giả viết: "Những ngày chăm con còn bé bỏng tựa chồi non mới nhú, tôi giật mình nhận ra niềm sung sướng nhất là lúc được thong thả đùa chơi với con. Sự cựa quậy, quậy khóc của bé, thậm chí đã ngủ say vẫn là những giây phút diệu kỳ nhất". Và anh quả quyết: "Trên đời này, tuyệt tác khiến ta ngắm nhìn mải mê không chán, chỉ có thể là lúc ngắm nhìn con. Đơn giản lúc ấy ta ngắm nhìn hình hài của chính mình được tái sinh. Cuộc tái sinh có thật, không chỉ một mà có thể đôi ba lần".

Vậy là, trong mái ấm gia đình vợ chồng Quốc, một hình hài từng ngày đang lớn dần... Có những đêm khuya khoắt, người cha giật mình tỉnh dậy, trước nhất anh sờ tay vào ngực bé để cảm nhận hơi thở của con rồi mới yên tâm ngủ tiếp. Còn người mẹ thì suốt ngày hoan hỉ cứ như sắp được du lịch lên sao Hỏa, bởi thời gian hạnh phúc qua từng ngày, mùa Xuân đến từng ngày vì con, vì sức khỏe của con... Tác giả nhận ra: "Ta có thể "trò chuyện hàng giờ vì cứ nghĩ bé đang nghe, đang chăm chú lắng nghe. Cứ mỗi lần nói xong, ta lại đóng vai của bé để trả lời. Từ chuyện nọ xọ sang chuyện kia, miễn cảm thấy mình vui, tâm trí hứng khởi". Cứ như thế, từng ngày, từng ngày một, từ chỗ mới phát âm một từ, nay đã là hai từ. Cái môi chúm chím chim non ấy bập bẹ mà nghe ra như tiếng chim đang hót. Tiếng suối đang reo. Tiếng đàn trỗi nhịp...

Vốn là một nhà thơ, nên ngay khi lần đầu làm cha, tác giả đã vận dụng trí nhớ tìm lại câu hát ru con, nhưng rồi chợt nhận ra trong xu thế thay đổi hiện nay về nếp sống, chất lượng cuộc sống, phong cách sống của mỗi nhà, bậc phụ huynh có thêm cách nhìn khác, nên có những lúc trong cảm giác tuyệt vời mới mẻ, anh đã bật ra những câu đồng dao mới: "Bế em ra sân/ Ngoài hiên nắng sớm/ Vòng tay mẹ ấm/ Em nhìn trời xanh/ Chim chóc hót vang: Ôi dào cô nàng/ Sắp đầy tháng nhé/ Khóc đòi mẹ bế/ Háu sữa măm măm/ Bống bống bang bang/ Bang bang bống bống". Hoặc : "Em nay bé nhỏ/Tươi tắn búp hoa/ Nu nống nu na/ Tre già măng mọc/ Chuyên cần học tập/ Ăn vóc học hay". Khi con đến tuổi đi học, dẫn con đến trường, lòng chan chứa yêu thương, nhưng cũng đầy lo âu. Tác giả kể lại: Khi con bước vào cổng, anh đứng nhìn theo bé đi một mình cho đến lúc khuất tầm mắt. Anh tự hỏi: "Bé nhà mình có biết đường vào lớp hay không? Nếu ai đó mà không phải cô giáo lại dẫn bé đi đâu đó thì sao?". Cứ nghĩ vẩn vơ mãi rồi đâm ra lo...".

Trong Lời bạt của tập sách "Từng ngày ba mẹ thở theo con", nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh chia sẻ: "Khi đọc tập tùy bút "Từng ngày ba mẹ thở theo con", tôi đồng cảm với tình cảm cao đẹp của những ai từng làm cha làm mẹ qua những câu chuyện long lanh cảm xúc luôn cầu mong cuộc đời con trẻ được suôn sẻ, bình yên...". Còn TS Tâm lý Lê Thị Linh Trang thì nhìn nhận: "Khi đọc "Từng ngày ba mẹ thở theo con", trong tay người đọc đang cầm một trong những bí kíp đó. Ai trong chúng ta cũng sẽ nở một nụ cười vô cùng hòa ái mà thừa nhận thông điệp: Tình yêu cha mẹ dành cho con là giá trị toàn cầu, phổ biến từ ngàn xưa đến nay và mãi mãi tồn tại. Một quyển sách mà người cha tranh thủ "chiếc bánh thời gian đã xé lẻ, chia năm xẻ bảy" để ghi nhận tỉ mỉ về năm tháng trao đổi bài học yêu thương với đứa trẻ.".

Lần đầu tiên làm cha ở tuổi 60, Lê Minh Quốc trong con mắt của bạn bè quen biết, cái anh chàng nhà thơ lãng tử mỗi năm vài lần với những chuyến đi vội vã ghé thăm quê nhà Đà Nẵng, rồi lại tất bật trở lại TP Hồ Chí Minh để tiếp tục bận rộn những công việc sách báo, chữ nghĩa, giờ đã đổi thay… Xin chúc mừng nhà thơ Lê Minh Quốc với tập sách "Từng ngày ba mẹ thở theo con". Mong anh lại tiếp tục có thêm những tác phẩm mới được hình thành từ cảm hứng bởi những hạt mầm mới trong mái ấm gia đình.

Trần Trung Sáng