Liên kết giữ rừng giáp ranh

Thứ tư, 07/12/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Hội nghị sơ kết 3 năm (2009-2011) về công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) vùng giáp ranh Quảng Ngãi – Quảng Nam – Kon Tum vừa diễn ra tại huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi). Từ thực trạng xâm hại rừng tại những khu vực giáp ranh rất “nóng”, vì thế cần một sự gắn kết trong cuộc chiến chống lâm tặc.

Khó kiểm soát

Các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Núi Thành giáp với 12 xã thuộc 4 huyện Bình Sơn, Trà Bồng, Tây Sơn, Sơn Tây (Quảng Ngãi) với chiều dài khoảng 100km; 10 xã thuộc 2 huyện Phước Sơn, Nam Trà My giáp với 9 xã của 4 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plong, Đắc Tô (Kon Tum) khoảng  160km. Hầu hết vùng giáp ranh 3 tỉnh được che chắn bởi những dãy rừng Trường Sơn hùng vĩ, có tính đa dạng về hệ sinh thái; chính vì vậy, các “điểm nóng” phá rừng thường tập trung ở vùng giáp ranh. Mặt khác, đường Hồ Chí Minh, Đông Trường Sơn... mở ra thông suốt tạo điều kiện cho nạn phá sơn lâm gia tăng. Đơn cử một số vụ xâm hại rừng xảy ra trong thời gian qua.

Cuối năm 2010, Trung tâm Giống nông – lâm nghiệp Quảng Nam phát hiện người dân ở Quảng Ngãi vào khai thác gỗ rừng trồng trái phép trên địa bàn xã Tam Nghĩa (Núi Thành). Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng chức năng 2 huyện Bình Sơn và Núi Thành nên đã bắt giữ dễ dàng ô-tô đang vận chuyển 2m3 gỗ keo ra khỏi địa bàn; đồng thời ra quyết định xử phạt Phan Thanh Thắng, trú H. Bình Sơn 10 triệu đồng. Cũng trong năm này, tại địa bàn Tam Nghĩa gần 1ha rừng đã bị chặt phá, xâm lấn. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã xác định đối tượng vi phạm là ông Đỗ Văn Trạch, quê ở Bình Sơn.

Số gỗ vận chuyển trái phép trên đường Hồ Chí Minh, giáp ranh giữa Quảng Nam – Kon Tum
đã đưa về xử lý tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh. 

Lợi dụng đường Hồ Chí Minh, vùng giáp ranh xã Phước Mỹ (Phước Sơn) với xã Đắc Man (Đắc Glei, Kon Tum), lâm tặc thường khai thác, vận chuyển gỗ lậu rất khó kiểm soát. Nóng bỏng nhất là tình trạng người dân vào rừng xâm canh, di dân tự do vào Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh. Đã từng xảy ra trường hợp 13 hộ dân thuộc thôn Mang Khênh (xã Đăk Man) sang thôn Long Viên - xã Phước Mỹ) canh tác gần 6ha. Tuyến đường Đông Trường Sơn đi qua tiểu khu 877, ở nóc ông Hùng, ông Thanh (thôn 3, xã Trà Vân, Nam Trà My) giáp ranh với xã Sơn Bua, H. Sơn Tây (Quảng Ngãi) luôn là địa điểm khai thác khoáng sản trái phép, xâm hại nghiêm trọng vào rừng tự nhiên... Theo nhận định của cơ quan kiểm lâm 3 tỉnh vùng giáp ranh là “điểm đến” lý tưởng của lâm tặc, bởi nơi đây còn nhiều loài gỗ quý hiếm. Số vụ phá rừng xảy ra tại đây không phải ít, nhưng khâu xử lý gặp khó khăn. Lâm tặc khai thác gỗ thuộc lâm phận Quảng Nam nếu bị truy đuổi thường di chuyển về hướng Quảng Ngãi, hoặc Kon Tum và ngược lại.

Tuần tra chung

Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm 3 tỉnh đã ban hành quy ước phối hợp, trao đổi thông tin liên tục về công tác QLBVR. Hình thức thông tin thể hiện bằng văn bản, điện thoại, trao đổi trực tiếp... Vào những thời điểm lâm tặc hoành hành, kiểm lâm cơ động các địa phương đã cùng nhau tuần tra, truy quét chung. Tháng 9 vừa qua, lực lượng kiểm lâm Quảng Nam và Quảng Ngãi phối hợp kiểm tra vùng giáp ranh khu vực rừng đầu nguồn sông Tranh, hồ chứa nước Sơn Tây (Quảng Ngãi). Qua đó, trục xuất 4 xe đào đãi vàng trái phép tại xã Trà Vân ra khỏi địa bàn. Ông Phạm Thanh Lâm – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều văn bản, quy ước phối hợp của đơn vị kiểm lâm các cấp giữa các địa phương đã được ký kết. Mục đích chính là tạo ra hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp chung của kiểm lâm vùng. “Việc tuần tra thường xuyên khu vực giáp ranh ngoài tăng thêm sức mạnh chống lâm tặc, còn giúp cho anh em có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm QLBVR tốt hơn” – ông Lâm nhấn mạnh.

 Việc tuần tra phối hợp giữa kiểm lâm 3 tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi – Kon Tum
đã kiểm soát tốt rừng khu vực giáp ranh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hân người đứng đầu Kiểm lâm Quảng Ngãi nhấn mạnh: Các Hạt kiểm lâm, Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng vùng giáp ranh nên thực hiện nghiêm túc chế độ giao ban định kỳ. Khi nhận thông tin quần chúng nhân dân báo, lực lượng này phải xứng đáng là “quả đấm thép”, khóa chặn các cửa ngõ mà lâm tặc ra vào.

Đâu là giải pháp?

Trong 3 năm (2009-2011), lực lượng kiểm lâm 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum đã tổ chức 783 đợt kiểm tra, truy quét đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép khu vực giáp ranh. Theo đó, xử lý 290 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu gần 500m3 gỗ các loại... Tổng số tiền xử phạt và bán lâm sản tịch thu gần 1 tỷ đồng.
Thực tế, phần lớn lâm tặc hoạt động ở vùng giáp ranh là đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo, với phương thức canh tác chủ yếu là phá nương làm rẫy, dựa vào rừng để tận thu lâm sản. Thêm vào đó, hiệu quả kinh tế đem lại cao từ các loại cây keo nguyên liệu, sắn... khiến bộ phận người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng tự nhiên để trồng rừng sản xuất. Tình trạng bán đất trái phép cho đối tượng khai thác khoáng sản ở vùng giáp ranh diễn biến phức tạp. Do vậy, ngành kiểm lâm của 3 địa phương đã thống nhất thời gian đến, cần tăng cường tần suất kiểm tra, tuần tra, truy quét, chế độ giao ban, thông tin thường xuyên và kịp thời. Ngoài ra, triển khai đồng bộ giữa chính quyền các cấp, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, kiểm lâm địa bàn trong công tác QLBVR. Theo ông Nguyễn Văn Trị - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Trà My (Quảng Nam), gốc rễ để giải quyết tình trạng phá rừng phải đi từ cơ sở. Giao quyền hạn và trách nhiệm hơn nữa cho kiểm lâm địa bàn, chủ rừng. Còn ông Nguyễn Hữu Nho – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum khẳng định: “Nhiệm vụ thời gian đến là tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật sâu rộng để người dân nắm rõ. Xây dựng mạng lưới QLBVR cơ sở vững mạnh, khoanh vùng từng vị trí, “điểm nóng” phá rừng để có phương án truy quét hiệu quả”.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, cần chủ động đặt các trạm kiểm soát lâm sản tại những vùng giáp ranh trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Khi tổ chức truy quét ở những khu vực xa dân cư, đòi hỏi nằm vùng dài ngày, cần có sự tăng cường hỗ trợ, cơ cấu lực lượng kiểm lâm của ba tỉnh vào.

Hữu Phúc