Lực lượng liên ngành 138 - TP Đà Nẵng: Từng bước khống chế tội phạm, tai tệ nạn xã hội

Thứ năm, 13/10/2022 17:07
Chiều 12-10, Đoàn công tác Ban chỉ đạo 138 Chính phủ do Thiếu tướng Cao Đăng Hưng - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TP Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan về tình hình thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn Đà Nẵng. Cùng dự có Đại tá Nguyễn Văn Tăng - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng và lãnh đạo CAQ, các phòng ban liên quan...
Các lực lượng phối hợp tuần tra kiểm soát trên tuyến đường ven biển Q. Sơn Trà.
Thiếu tướng Cao Đăng Hưng phát biểu kết luận tại buổi làm việc về tình hình thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn Đà Nẵng.

Kiểm soát tốt tình hình tội phạm

Trong 6 tháng đầu năm, tình trạng tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn TP Đà Nẵng đã được kiểm soát, kéo giảm với 197 vụ (giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2021), làm 1 người chết, 51 người bị thương, thiệt hại ước -+tính khoảng 3,38 tỷ đồng. Trong đó, tội phạm và tệ nạn ma túy hoạt động dưới nhiều phương thức, thủ đoạn, đa dạng về nguồn cung cấp, đáng chú ý đã phát hiện vụ vận chuyển ma túy từ nước ngoài về thông qua đường bưu điện, thu giữ lượng ma túy tổng hợp dạng viên nén (8.500 viên thuốc lắc, 50 viên hồng phiến, 50g ketamine, 10g ma túy đá, 1 khẩu súng bắn đạn cao su và 56 viên đạn). Đây được xem là vụ án liên quan đến ma túy lớn nhất từ trước đến nay được Công an TP Đà Nẵng khám phá. Riêng tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế đã được Công an TP Đà Nẵng điều tra, khám phá qua vụ mua sắm, sử dụng sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID- 19 để tham nhũng, trục lợi tại CDC Đà Nẵng. Bên cạnh đó, nổi lên một số tình trạng tội phạm về công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua internet với nhiều phương thức, thủ đoạn mới…

Đánh giá chung, tội phạm trên địa bàn Đà Nẵng trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới: vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ các nước Châu Âu về Việt Nam thông qua đường hàng không; bỏ ma túy bên trong các gói mỳ tôm, snack rồi dùng máy ép nhiệt dán kín miệng túi, thuê shipper công nghệ giao hàng; các dạng ma túy mới dưới dạng bột pha vào nước giải khát, có mùi thơm kích thích để sử dụng được gọi là "nước nho", “nước dâu"; hoạt động lừa đảo trên không gian mạng đã xuất hiện một số phương thức mới như giả danh nhân viên tổng đài của các nhà mạng gọi điện thoại để khắc phục sự cố, mở lại thuê bao, sử dụng các trang web cung cấp dịch vụ cho thuê sim trực tuyến để thuê số điện thoại, nhận mã xác thực tài khoản facebook… để chiếm quyền quản trị và sử dụng lừa đảo chuyển tiền; sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo) đăng tin tuyển dụng lao động sang làm việc tại các nước Đông Nam Á với mức lương cao nhưng thực tế làm việc trong các cty đánh bạc trực tuyến của người Trung Quốc tại Campuchia, có dấu hiệu mua bán người… Riêng tình trạng tội phạm tham nhũng tại các doanh nghiệp tư nhân, ngoài Nhà nước, có yếu tố nước ngoài, tham nhũng đang có dấu hiệu gia tăng. Các đối tượng này đã trục lợi, phạm pháp thông qua hoạt động cổ phần hóa, mua sắm trang thiết bị, vật tư từ nguồn ngân sách.

Các lực lượng phối hợp tuần tra kiểm soát trên tuyến đường ven biển Q. Sơn Trà.

Kiến nghị nhiều giải pháp

Tại buổi làm việc, Công an TP Đà Nẵng và đại diện các sở thuộc UBND TP Đà Nẵng nêu một số kiến nghị, đề xuất lên Bộ Công an như bổ sung, thay mới các trang thiết bị, phương tiện, máy móc kỹ thuật phục vụ công tác, nghiên cứu; đề xuất quy định cho phép sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra cán bộ là đảng viên, phục vụ công tác điều tra tội phạm tham nhũng; điều chỉnh một số điểm trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, ban hành quy định cấm sử dụng các loại chất shisha, thuốc lá điện tử, bóng cười… Đại biểu lãnh đạo Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cũng kiến nghị Bộ TT&TT chỉ đạo Sở TT&TT, các cty bưu chính, viễn thông, các trung tâm, cửa hàng của các nhà mạng di động... tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, quản lý chặt chẽ các thuê bao internet, thiết bị 3G, 4G, điện thoại thông minh, loại bỏ sim rác, không để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội…

Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Cao Đăng Hưng đánh giá cao kết quả đã đạt được của lực lượng Công an TP Đà Nẵng, các phòng ban liên quan của UBND TP Đà Nẵng trong công tác phòng chống tội phạm 6 tháng đầu năm, đặc biệt là các mô hình tuần tra 8394, tuần tra 911. Cho rằng cần phải xử lý tốt tình trạng tội phạm là các trẻ em, tổ chức tuyên truyền và kêu gọi sự tham gia của các tầng lớp xã hội trong công tác phòng chống tội phạm, Thiếu tướng Cao Đăng Hưng đề nghị Đà Nẵng tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Với những đề xuất, kiến nghị, Thiếu tướng Cao Đăng Hưng cho biết, Bộ Công an đã tranh thủ các nguồn lực để đầu tư trang, thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm, song các địa phương cũng cần huy động nguồn vốn tại chỗ để đầu tư cho lực lượng Công an địa phương. Nhấn mạnh về tội phạm về tài nguyên môi trường đang nổi lên gần đây, Trưởng đoàn công tác cho rằng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa lực lượng Công an với ngành Tài nguyên- Môi trường trong tổ chức tuần tra, khám phá việc xả thải trái phép, xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, mua bán trái phép các loại động vật hoang dã quý hiếm…

Với lực lượng Công an TP Đà Nẵng, Thiếu tướng Cao Đăng Hưng đề nghị lãnh đạo các cấp quan tâm hơn đến cán bộ chiến sĩ Công an phường, Công an xã, vì đây là lực lượng xung kích, gánh vác trong tuyến đầu phòng chống các loại tội phạm tại địa phương. Đặc biệt, Công an TP cần tăng cường các giải pháp phòng ngừa xã hội, làm giảm phát sinh, gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội, nắm vững tình hình, quản lý tốt địa bàn, đối tượng, tập trung kiểm danh kiểm diện, cảm hóa, răn đe các đối tượng hình sự, nhất là tội phạm ma túy không để hình thành các khu vực phức tạp…

Lê Anh Tuấn