Mặt trái của World Cup

Thứ năm, 22/12/2022 08:15
Khi sức hút của trái bóng Al Rhila dừng lại sau ngày 19-12, một mặt khác của World Cup 2022 lại bùng lên. Đặc biệt, những “thuyết âm mưu” trước đó bị lấn át bởi không khí sôi động trên sân cỏ bắt đầu hé lộ khiến thế giới bán tín bán nghi...
Quyết định của nhiều trọng tài ở World Cup 2022 gây nhiều tranh cãi.
Quyết định của nhiều trọng tài ở World Cup 2022 gây nhiều tranh cãi.

Bỏ qua chuyện các HLV Luis Enrique (Tây Ban Nha), Tata Martino (Mexico), Roberto Martinez (Bỉ), Paulo Bento (Hàn Quốc), Otto Addo (Ghana), Fernando Santos (Bồ Đào Nha), Tite (Brazil), Louis van Gaal (Hà Lan) mất việc vì World Cup dù tự nguyện hay bắt buộc, vì đấy là quy luật tất yếu của sự đào thải. Nhưng một quốc gia giàu có như Qatar, vừa tổ chức một World Cup được cho là hoành tráng nhất lịch sử, đã thấm đòn ngay sau khi trái bóng Al Rhila ngừng lăn, là một chấn địa. 12 năm, với xấp xỉ 300 tỷ USD được chi, hàng loạt cơ sở hạ tầng, gồm 7 sân vận động, hệ thống khách sạn, nhà ở cùng những phương tiện di chuyển hiện đại bậc nhất thế giới… đã trở nên thừa thải với số dân 3 triệu. Ở nơi chi phí thuộc loại đắt đỏ nhất hành tinh này, khó tin rằng các cơ sở vật chất hạng sang đang được trả một cái giá thấp đến không tưởng. Cạnh đó là nhiều dự án dang dở đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành do thiếu nhân lực, đặc biệt là lao động nhập cư, sau lùm xùm chuyện nước chủ nhà đối xử với đội ngũ này “như súc vật” và những chiếc băng đội trưởng “OneLove” xuất hiện trên sân đấu.

Không dừng lại, chuyện Quatar “bỏ tiền mua World Cup” lại bùng lên, chuyện “lợi ích nhóm” của những ông chủ thế giới Arabia thâu tóm hầu hết những CLB hàng đầu Pháp, Anh quyết tâm đưa World Cup về Trung Đông cũng được mổ xẻ… Và, cả vị chủ tịch FIFA Gianni Infantino người Thụy Sỹ gốc Ý cũng bị nghi ngờ đã “tiếp tay” cho Argentina vô địch để “trả thù” cho việc các đội bóng châu Âu đá bay Italia khỏi “vòng gửi xe” World Cup 2022, như ý định trước đó tước suất dự VCK để trao cho đội bóng áo thiên thanh (?).

“Thuyết âm mưu” còn hiển hiện hàng loạt bên cái tên Ronaldo bị đồng đội ở tuyển Bồ Đào Nha lẫn người hâm mộ bỏ rơi, thông tin liên tiếp về bất ổn ở nội bộ đội tuyển Bỉ, chuyện về lời hứa của Nasser Al-Khelaifi- chủ tịch PSG ra mặt thuyết phục siêu sao này gia nhập sân Công viên các hoàng tử bằng lời hứa sẽ giúp Messi vô địch thế giới…Nếu đó là sự thật, thì bóng kim tiền đã bao phủ World Cup 2022 bên cạnh tai tiếng công nghệ VAR “tắt hình” trong trận chung kết.

Bên cạnh sự hào nhoáng, World Cup 2022 sẽ không tránh khỏi những mặt trái. Những suy luận, đồn đoán rõ ràng đã đi quá giới hạn của bóng đá, thậm chí ảnh hưởng đến thể diện của một quốc gia. Sau khi bị Argentina biến Pháp thành cựu vương, liên tục xuất hiện những câu chuyện bí ẩn xung quanh phòng thay đồ bất ổn của gà trống, đặc biệt là liên quan tới Benzema. Đó là câu chuyện “bằng mặt không bằng lòng” của Deschamps với Benzema; là chiếc băng thủ quân của thủ môn Lloris và vai trò thủ lĩnh của Griezmann, là chuyện tiền đạo Real Madrid không đến Qatar nhưng vẫn có tên trong danh sách tuyển Pháp… Rộ tin đây là “thuyết âm mưu” được bày sẵn để tuyển Pháp “có bề nào” thì Benzema chính là… “vật tế thần”. Sau khi Argentina vô địch, lan truyền chuyện Argentina để thua trước Saudi Arabia ở lượt trận mở màn chỉ là trò cá cược vui của những ông chủ giàu nhất châu Á hay tin đồn về việc Qatar lãi ròng khi Argentina vô địch bởi trước đó đã cho quốc gia này vay khoảng 5 tỷ USD và mua hết trái phiếu của Chính phủ nước này với giá rẻ mạt…

Mọi thứ vẫn chỉ là đồn đại, trừ việc chủ nhà Qatar đối mặt với những tồn tại thời hậu World Cup đã được dự báo. Nhưng đã có thể khẳng định, mặt trái của truyền thông đang phát lộ, tận dụng triệt để tầm ảnh hưởng của World Cup để kéo dài thời gian “tạo sóng” dư luận, và lợi ích thuộc về chính họ chứ không thuộc về các đối tượng bị hay được phản ánh. Ngạc nhiên là, đến nay vẫn chưa thấy cái tên nào bị “vạ mồm”. Đặt câu hỏi ngược, phải chăng họ đã… nói đúng, viết trúng sự thật?

T.S