Miền nhớ tháng Mười hai...
Những ngày tháng Mười hai trong tôi hồi còn ở quê nhà là những tháng ngày tuy khổ cực nhưng hạnh phúc vô cùng. Tháng Mười hai quê tôi lạnh lắm! Cái lạnh buốt da, buốt thịt. Tôi nhớ có lần thức giấc, mới bước chân ra khỏi hiên nhà đã thấy bầu trời dày đặc sương mù trắng xóa. Mỗi lần có sương mù thời tiết lại càng lạnh, đôi chân tôi run lẩy bẩy còn đôi tay thì chỉ muốn thu gọn vào trong tấm áo bông dày sụ. Những ngày này, mẹ tôi thường có thói quen dậy thật sớm vào bếp đỏ lửa chuẩn bị buổi sáng cho cả nhà và hơn hết là sưởi ấm cho đàn con trước khi đến trường. Ngồi bên cạnh bếp lửa bập bùng cháy, giá rét cũng vơi bớt đi phần nào, thế nhưng khi nghĩ tới con đường đến trường xa tít tắp tôi lại rùng mình, khiếp đảm.
Ngôi trường làng tôi theo học nằm chênh vênh trên một ngọn đồi ngập tràn cây khuynh diệp và cây tràm. Tháng Mười hai lá cây rụng dày thành từng thảm, những bước chân học trò bước đi lạo xạo, hòa cùng âm thanh gió đông xào xạc, tiếng nói cười của học trò quê vui biết mấy! Biết học trò sẽ lạnh khi phải vượt bộ một quãng đường xa tới trường, thầy cô đã nhóm lên một bếp lửa bên góc sân trường cho học trò sưởi ấm trước khi vào lớp. Giờ ra chơi có lẽ là giây phút đáng nhớ nhất của học trò quê chúng tôi dạo ấy. Lác đác mới thấy bóng dáng vài cô cậu học trò nghịch ngợm đùa nhau nơi sân trường, còn lại đều quây quần bên bếp lửa hồng. Cả thầy cô cùng học trò nói chuyện rồi hát hò rôm rả. Cứ thế, ngày qua ngày, hết tháng Mười hai, lũ học trò chúng tôi vượt qua cái rét một cách ngoạn mục.
Chị em tôi vẫn thường trách mẹ hay tham công tiếc việc. Bất kể mưa nắng, gió lạnh mẹ đều đội nón ra đồng. Tháng Mười hai lạnh cóng nhưng mẹ vẫn không quản ngại khó khăn, ra đồng từ sáng sớm. Bắt đầu từ những luống rau rồi đến luống hoa và vụ cấy. Tháng Mười hai về, tôi có cảm tưởng một ngày với mẹ hai bốn giờ đồng hồ là chưa đủ. Mẹ sợ đám rau cải không kịp lớn bán vào dịp Tết nên sáng, chiều tưới tắm, bón phân cho chúng. Rồi hoa cúc, hoa thược dược, hoa lay ơn – ba loài hoa chủ đạo mà Tết ai cũng trồng. Có thể với mọi người trồng hoa thì rất dễ, nhưng với người nông dân trồng hoa bán dịp Tết khó khăn vô cùng. Mẹ xem dự báo thời tiết, xem nắng mưa thất thường, thắp đèn sưởi ấm cho hoa, tìm cách làm cho hoa nở đúng dịp Tết mới được giá. Còn vụ cấy thì bao đời nay, ai ai cũng muốn cấy xong trong tháng Mười hai để ăn Tết thoải mái. Tháng Mười hai, bờ vai mẹ vốn hao gầy lại càng gầy gò hơn. Chân mẹ dầm nước, dầm bùn ruộng rồi giá rét nên nứt nẻ trông thật xót biết bao nhiêu! Mỗi lần thấy hình ảnh đó, tôi lại mong tháng Mười hai nhanh chóng trôi qua, để mẹ được nghỉ ngơi.
Tháng Mười hai của những đứa trẻ quê thì lại luôn háo hức, vẻ mặt vẫn còn vẹn nguyên tinh khôi. Bởi đơn giản, mùa này ngô, khoai ở bãi bắt đầu thu hoạch. Cũng chẳng cần đi mót, chẳng cần lén lút trộm vặt, cứ đến bãi thấy người dân thu hoạch, ngỏ một lời xin là được cả một ôm khoai, ngô ú ụ. Khoai, ngô nướng mùa đông trở thành thứ “đặc sản” của những đứa trẻ quê mà bất kể đứa trẻ nào cũng thèm thuồng và nhung nhớ. Tôi nhớ khoảnh khắc cả lũ ngồi quây quần ăn khoai, ngô nướng, mặt đứa nào cũng dính nhọ than đen nhẻm. Đứa này ghẹo đứa kia, cười đùa ầm ĩ, cả cánh đồng dậy lên một âm thanh trong trẻo đáng nhớ. Hồi đó, vừa ăn đứa nào cũng bảo, sau này lớn lên nhất định vào tháng Mười hai cố gắng về lại cánh đồng năm xưa để ôn chuyện cũ. Vậy mà thoắt cái hơn hai chục năm trôi qua, lời hứa năm xưa vẫn còn bỏ ngỏ…
Tháng Mười hai của những năm cũ mãi là hồi ức tuyệt đẹp không dễ gì ai cũng có thể có được trong đời giống như lũ trẻ chúng tôi sinh ra, lớn lên từ làng. Bây giờ, trong đám bạn ngày xưa của chúng tôi, chỉ lác đác vài đứa gắn bó với ruộng đồng nhưng dường như ký ức năm xưa vẫn còn vẹn nguyên. Tháng Mười hai đã cùng tuổi thơ chúng tôi lớn lên với biết bao thăng trầm của cuộc đời, dẫu khó khăn nhưng đó là tháng ngày hạnh phúc vô ngần!
Tăng Hoàng Phi