Miễn phí tiếp nhận cai nghiện tự nguyện tại Đà Nẵng
Đây là một trong những chủ trương nhân văn, thể hiện sự quan tâm của chính quyền thành phố trong việc quản lý, giúp đỡ, chữa trị cho những đối tượng nghiện ma túy, giúp họ từ bỏ tật xấu, hướng thiện và tiến tới cụ thể hóa chủ trương “5 không”, trong đó không có người nghiện ma túy trong cộng đồng.
Ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng (thuộc Sở LĐTBXH) cho biết, năm 2023, đơn vị tiếp nhận cắt cơn điều trị cho 454 người nghiện, trong đó có 92 người cai nghiện tự nguyện. Các học viên vào Trung tâm được cai nghiện theo quy trình 5 giai đoạn gồm: Tiếp nhận phân loại, điều trị cắt cơn giải độc. Điều trị các căn bệnh nhiễm trùng cơ hội. Giáo dục tư vấn phục hồi hành vi nhân cách. Lao động trị liệu học nghề và phòng chống tái nghiện. Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Cũng theo ông Dũng, 100% học viên được cắt cơn, cai nghiện theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, được điều trị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy; được xét nghiệm sàng lọc HIV và tầm soát lao để đảm bảo không xảy ra trường hợp lây nhiễm chéo tại cơ sở. Ngoài ra, học viên còn được tham gia các hoạt động trị liệu tâm lý ít nhất 1 tháng/lần và tham gia học tập các chuyên đề giáo dục sức khỏe, đạo đức, pháp luật, đội hình đội ngũ, kỹ năng phòng tránh tái nghiện với chương trình phù hợp. Nếu học viên nào đủ điều kiện và có nhu cầu sẽ đào tạo nghề sơ cấp; nếu chưa biết chữ được tham gia các lớp học văn hóa xóa mũ chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ… Công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở Bầu Bàng ngày càng được nâng cao về chất lượng; môi trường cai nghiện thân thiện, an toàn; công tác quản lý, giáo dục, dạy văn hóa, dạy nghề ngày càng đổi mới, hiệu quả.
Đáng chú ý là năm 2023, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết số 104/2023/NQ-HĐND quy định nội dung, mức chi và chế độ hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai trên địa bàn TP Đà Nẵng với nhiều thay đổi tích cực. Nghị quyết này có những quy định mới, khác biệt, được áp dụng từ năm 2024, trong đó có cơ chế hỗ trợ 100% các khoản chi phí như: tiền ăn, thuốc, chăn màn, chiếu gối, vật dụng vệ sinh, điện nước, sinh hoạt, văn hóa văn nghệ… với mức chi bằng học viên cai nghiện bắt buộc cho người nghiện ma túy đăng ký thường trú hoặc tạm trú 1 năm trở lên trên địa bàn TP Đà Nẵng đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập. Cùng với đó là thay đổi hồ sơ, trình tự, thủ tục tiếp nhận đối với người cai nghiện tự nguyện theo hướng đơn giản, thuận tiện.
Theo lãnh đạo Cơ sở xã hội Bầu Bàng, trước đây cai nghiện tự nguyện phải theo quyết định của Giám đốc Sở LĐTBXH, bây giờ là quan hệ dân sự, được thực hiện thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện giữa người có nhu cầu và Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có nhu cầu cai nghiện phải thực hiện giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện thông qua cha mẹ hoặc người giám hộ. Thời gian cai nghiện từ 6 đến 12 tháng, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của người cai nghiện và khả năng cung cấp dịch vụ của cơ sở. Theo đó, Hợp đồng dịch vụ cai nghiện ma túy không chỉ là tài liệu pháp lý chặt chẽ mà còn thể hiện tâm điểm sự tự nguyện và cam kết của cả hai bên để đạt được mục tiêu chung. Bản thân người nghiện và gia đình được tư vấn kỹ về quyền lợi, nghĩa vụ, các chế độ hỗ trợ và có trách nhiệm hơn trong quá trình học viên cai nghiện.
Theo ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng, đến nay cơ sở được công bố là đơn vị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định của Luật phòng chống ma túy và Nghị định 116/2021/NĐ-CP. Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ sở đã tiếp nhận 6 học viên cai nghiện tự nguyện theo hợp đồng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của cơ sở là đang chờ cơ quan có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ đối với các dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng để triển khai thực hiện chủ trương của TP Đà Nẵng một cách hiệu quả hơn.
Đinh Nga