Mở "nút thắt" cho đấu giá quỹ đất công ở Đà Nẵng
Năm 2021 Đà Nẵng không đấu giá được khu đất lớn nào. Các năm 2019 và 2020 cũng chẳng khá hơn là bao khi mỗi năm chỉ đấu giá được 1 khu. Trong khi đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất Đà Nẵng đang quản lý hơn 300 khu đất lớn đã có mặt bằng, tổng diện tích hơn 2 triệu m2. Phần lớn trong đó chưa được khai thác thông qua các hình thức đấu giá, giao đất, cho thuê đất. Ngoài ra, Trung tâm này cũng đang quản lý 21.575 lô đất của 316 dự án.
Sau đại dịch, Đà Nẵng cần nguồn lực lớn để khôi phục phát triển kinh tế, phát huy vai trò đầu tư công. Do đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất sẽ mang lại nguồn lực nhất định. Mặt khác, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Đà Nẵng cần nguồn vốn hơn 59.000 tỷ đồng (53.800 tỷ đồng vốn ngân sách TP). Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện kế hoạch này, Đà Nẵng cần thu từ quỹ đất gần 29.000 tỷ đồng.
Đấu giá quyền sử dụng đất là phương thức thu hút hiệu quả nguồn lực từ đất đai để phục vụ đầu tư, phát triển. Để sở hữu được những "khu đất vàng", các doanh nghiệp chịu sự "cạnh tranh" lớn từ những doanh nghiệp khác, bởi nhu cầu thuê đất để triển khai đầu tư kinh doanh tại Đà Nẵng là rất lớn. Và cuộc "tranh đua" đó của doanh nghiệp đã mang lại nguồn thu cao cho ngân sách TP. Đơn cử, mới đây Đà Nẵng đã đấu giá cho thuê 3 khu đất lớn trên địa bàn Hòa Vang thu về tiền thuê cao gấp 10 lần giá khởi điểm.
Cụ thể, Khu đất nằm ven quốc lộ 1A (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) được quy hoạch làm siêu thị có diện tích 233 m2, giá khởi điểm 141.464 đồng/m2/năm, được Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Nguyên Minh trúng đấu giá là 2.717.464 đồng/m2/năm. Khu đất ven đường DT602 xã Hòa Ninh quy hoạch Khu bán sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch, có diện tích 1.877 m2, giá khởi điểm là 27.719 đồng/m2/năm, được Công ty TNHH Liên hợp vận tải và du lịch Vitraco trúng đấu giá lên thành 160.719 đồng/m2/năm.
Trong khi đó, Khu đất C2-7 có diện tích 3.940,1 m2, thuộc Vệt khai thác quỹ đất dọc quốc lộ 1A, xã Hòa Châu được Cty Thiên Kim trúng đấu giá mức 507.873 đồng/m2/năm (khi giá khởi điểm chỉ 51.873 đồng/m2/năm).
Từ kết quả này, thời gian tới Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh đấu giá nhiều khu đất mới. Trong tháng 10-2022, TP sẽ triển khai tổ chức đấu giá 4 khu đất lớn tại Cẩm Lệ và Hòa Vang. Ngoài ra, sẽ đấu giá quyền sử dụng đất đối với 17 khu đất lớn đã được phê duyệt đợt 1 năm 2022. Trình TP xem xét phê duyệt danh mục đấu giá đợt 2 năm 2022 gồm 14 khu đất lớn. Trong đó ưu tiên xử lý đối với các dự án động lực như dự án Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân; dự án Tổ hợp thể thao, giải trí và thương mại tại phường Hòa Xuân; dự án Chợ đầu mối Hòa Phước…
Rõ ràng hiệu quả của việc đấu giá quyền sử dụng đất mang lại lớn, nguồn thu từ quỹ đất có ý nghĩa quan trọng để tạo nguồn lực phát triển cho TP. Tuy nhiên việc tổ chức đấu giá các khu đất trên địa bàn Đà Nẵng vẫn chậm so với kế hoạch. Hiện rất nhiều khu đất lớn vẫn chưa được khai thác, sử dụng, để trống. Tại cuộc họp HĐND Đà Nẵng vừa qua, đại biểu Huỳnh Bá Thành cho biết TP còn hơn 300 khu đất lớn đã có mặt bằng, phần lớn chưa được đấu giá, khai thác; hơn 21,5 ngàn lô đất trong đó có 2.805 lô đất bị lấn chiếm, sử dụng trái phép để làm lều tạm, mái tôn tạm để xe, dịch vụ ăn uống. Việc quản lý, khai thác còn hạn chế.
Mới đây, Đà Nẵng đã ban hành đề án quản lý, khai thác quỹ đất công do Trung tâm Phát triển quĩ đất đang quản lý trên địa bàn TP. Đề án được xem là đã gỡ được nút thắt về đấu giá đất, đưa nguồn lực đất đai vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Theo đó, thời gian tới việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện nhiều hơn, thu hẹp quỹ đất trống. Theo đó, với các khu đất lớn đã có mặt bằng, đầy đủ hạ tầng và có chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất thì đưa vào kế hoạch triển khai đấu giá theo quy định. Đối với quỹ đất lớn đã có mặt bằng nhưng chưa có kế hoạch triển khai đấu giá QSDĐ thì xây dựng phương án cho thuê mặt bằng có thời hạn thông qua hình thức đấu giá cho thuê mặt bằng…
Như vậy, ngoài việc đẩy nhanh đấu giá quyền sử dụng đất đem về nguồn thu cho ngân sách thì với quỹ đất công TP đang quản lý sẽ được đấu giá cho thuê để đưa vào khai thác, giảm thiểu tình trạng để đất trống lãng phí, mất mỹ quan, bị chiếm dụng trái phép.
HẢI QUỲNH