Mối nguy hiểm khi đưa tin về đại dịch COVID-19

Thứ tư, 22/06/2022 23:13
Theo các báo cáo gần đây, ngày càng có nhiều nhà báo phải đối mặt với các cuộc tấn công nguy hiểm khi đưa tin về các vấn đề thời sự, đặc biệt là vấn đề phòng chống dịch COVID-19 ở các nước phương Tây. Dữ liệu về sự an toàn của các nhà báo của Hội đồng Châu Âu cho thấy, các cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2019 đến năm 2021 - với 33 cuộc tấn công được ghi nhận vào năm 2019 so với 51 cuộc vào năm 2020 và 76 cuộc vào năm 2021.
Một người biểu tình phản đối tiêm vaccine phòng COVID-19 (trái) tấn công nhà báo Tina Desiree Berg trước trụ sở Sở Cảnh sát Los Angeles, Mỹ hồi tháng 8-2021. Ảnh: Los Angeles Times
Những người phản đối tiêm vaccine phòng COVID-19 tấn công Đài Truyền hình RTV của Slovenia hồi tháng 9-2021. Ảnh: MMC RTV SLO

Thông tin chi tiết về việc các nhà báo bị tấn công khi đang đưa tin về các cuộc biểu tình phản đối tiêm vaccine phòng COVID-19 và chính sách phong tỏa của chính phủ các nước đã phát đi một tín hiệu đáng lo ngại về tự do truyền thông và sự an toàn của các nhà báo. Các nhà báo phải đối mặt với đủ loại mối đe dọa liên quan đến việc đưa tin về COVID-19.

Bị tấn công, sỉ nhục, đe dọa

Tại Italia, một số phóng viên đã bị đe dọa và hành hung khi đưa tin về các cuộc biểu tình phản đối quy định “Thẻ Xanh” mà chính phủ Italia đưa ra vào tháng 10-2021 nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Quy định này yêu cầu người lao động xuất trình bằng chứng cho thấy đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 tại nơi làm việc của họ, khi đi ăn trong nhà hàng và tham dự các sự kiện lớn.

Khi phóng viên người Italia Francesco Giovanetti nói với những người biểu tình rằng anh đang đưa tin cho nhật báo cánh tả La Repubblica, Giovanetti đã vấp phải sự phẫn nộ của người biểu tình. Sự việc xảy ra vào ngày 30-8-2021, bên ngoài Bộ Giáo dục Công cộng ở Rome, nơi những người biểu tình tập trung lên tiếng phản đối quy định “Thẻ Xanh”. Cuộc biểu tình nhanh chóng chuyển thành một cuộc bạo động, khi một người đàn ông, người đã từng đe dọa giết Giovanetti trước đây, bắt đầu hành hung nhà báo này. “Anh ta đã đánh vào mặt tôi. Tôi bị ngã lăn ra đất 4 đến 5 lần”, Giovanetti cho biết. Cảnh sát ngay lập tức can thiệp. Sau đó, Giovanetti liên tục nhận được những lời đe dọa sẽ bị giết chết.

Vụ tấn công xảy ra 2 ngày sau khi nhà báo người Italia Antonella Alba bị tấn công trong khi đưa tin về các cuộc biểu tình tương tự ở Rome. Vào tháng 10-2021, phóng viên ảnh Alessandro Serrano của tờ La Repubblica đã được đưa đến bệnh viện sau khi bị một người đàn ông tấn công dữ dội bằng một cái xẻng tại một cuộc biểu tình ở Rome. Ngày 28-8-2021, Alba, phóng viên của Đài Truyền hình công cộng Rai News 24 của Italia, khi đang đưa tin về cuộc biểu tình chống lại các biện pháp phòng chống COVID-19 của chính phủ ở Rome đã bị một số người biểu tình có liên kết với Forza Nuova (“Lực lượng mới”) - một đảng chính trị cực hữu dân túy ở Italia - bao vây cô, chế nhạo vì cô đeo khẩu trang, xúc phạm cô và gọi cô là kẻ khủng bố. Một người cố gắng giật lấy điện thoại của Alba, khiến cô bị thương.

Tại Pháp, một nhóm phóng viên của kênh truyền hình France 3 đã bị tấn công dữ dội vào ngày 27-3-2021 khi họ đưa tin về một cuộc biểu tình phản đối các biện pháp nhằm giảm thiểu số ca mắc COVID-19 của chính phủ. Ở Anh, BBC khuyên các nhà báo nên bảo mật danh tính của mình khi các cuộc tấn công nhằm vào họ tăng lên. Nick Watt, biên tập viên chuyên mục chính trị của BBC Newsnight, đã bị một đám đông truy đuổi và hét vang “kẻ phản bội” vào tháng 6-2021 bên ngoài Phố Downing.

Ngày 3-9-2021, những người phản đối tiêm vaccine phòng COVID-19 đã xông vào tòa soạn Đài Truyền hình RTV của Slovenia. Trước đó, vào đầu tháng 8, những người biểu tình đã cố gắng tấn công văn phòng của kênh truyền hình BBC của Anh. Nhưng rất may, tòa nhà này BBC đã bỏ trống từ năm 2013. Những người biểu tình chỉ trích các bản tin về đại dịch của BBC, coi chúng “như một loại virus”.

Theo Cơ quan Theo dõi Tự do Báo chí Mỹ, ít nhất 24 “sự cố” tự do báo chí liên quan đến đại dịch COVID-19 đã xảy ra trong 18 tháng. Ngày 14-8, hai nhà báo bị tấn công khi đang đưa tin về cuộc biểu tình chống tiêm vaccine ở Los Angeles. 4 ngày sau, tại Miami, phóng viên Danny Rivero của WLRN bị tấn công khi đang đeo khẩu trang. Rivero cho rằng, một số người biểu tình, bao gồm cả kẻ đã hành hung anh, là thành viên của Proud Boys, một nhóm cực hữu. Rivero cho biết, một số người biểu tình đã tung hô thuyết âm mưu rằng ai đó đã trả tiền để mọi người đeo khẩu trang.

Một người biểu tình phản đối tiêm vaccine phòng COVID-19 (trái) tấn công nhà báo Tina Desiree Berg trước trụ sở Sở Cảnh sát Los Angeles, Mỹ hồi tháng 8-2021. Ảnh: Los Angeles Times

“Tay sai của chính phủ”?

Rất nhiều nhà báo bị tấn công khi đưa tin về COVID-19, đặc biệt là khi đưa tin về các chiến dịch phản đối việc đeo khẩu trang, việc tiêm chủng và các biện pháp phòng chống COVID-19 khác. “Chúng tôi được coi là người tuyên truyền cho các biện pháp chống dịch của chính phủ. Vì vậy chúng tôi trở thành mục tiêu của người biểu tình”, Giovanetti nói.

Theo Attila Mong, phóng viên của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) tại Berlin, việc chống lại truyền thông đã xảy ra trước đại dịch, và điều này càng tăng lên trong thời gian xảy ra đại dịch, một phần do các nhiệm vụ y tế cộng đồng và áp lực từ các nhóm cực đoan và dân túy đang hoạt động phản đối việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Khi cố gắng đưa tin về vấn đề phòng chống dịch, các nhà báo bị một số người coi là kẻ thù. Attila Mong cho biết: “Hầu hết các cơ quan truyền thông đều đưa tin dựa theo các hướng dẫn và lời khuyên mang tính khoa học về sức khỏe cộng đồng, đồng thời họ phát đi các thông điệp về sức khỏe cộng đồng, về việc đeo khẩu trang, về tiêm chủng, về giãn cách xã hội... “Nhưng những người phản đối các biện pháp chống dịch coi các cơ quan truyền thông là tay sai của chính phủ”.

55 nhà báo bị giết hại năm 2021

Theo dữ liệu của UNESCO, 55 nhà báo và nhân viên truyền thông đã thiệt mạng trên khắp thế giới vào năm 2021, con số thiệt mạng hàng năm thấp nhất trong hơn một thập kỷ.

2/3 trong số vụ sát hại nhà báo năm 2021 diễn ra ở các quốc gia không xảy ra xung đột vũ trang, cho thấy những rủi ro liên tục mà các nhà báo phải đối mặt trong việc điều tra, phản ánh và phơi bày hành vi sai trái. Điều này đánh dấu sự đảo ngược hoàn toàn tình hình so với năm 2013, khi 2/3 số vụ giết người diễn ra ở các quốc gia có xung đột chính trị, vũ trang. Phần lớn các trường hợp bị sát hại trong năm 2021 diễn ra ở hai khu vực là Châu Á - Thái Bình Dương, với 23 vụ giết người, và Mỹ Latinh - Caribe, với 14 vụ.

AN BÌNH