Mòn mỏi chờ… an cư !
Đã 2 năm trôi qua kể từ ngày xảy ra trận lũ quét lịch sử (tháng 10-2022), nhiều hộ dân xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) rơi vào cảnh mất nhà, phải đi ở nhờ, ở tạm. Chính quyền đã bố trí 2 địa điểm xây dựng khu tái định cư nhằm ổn định cuộc sống cho người dân, tuy nhiên, đến nay do có nhiều vướng mắc khiến dự án không thể triển khai đúng tiến độ. Hàng trăm hộ dân vẫn chưa thể “an cư”, nỗi lo lắng luôn thường trực trong họ bởi thêm một mùa mưa bão nữa lại đang đến…
Kỳ 1: Hai năm sống nhờ, ở tạm
Cả bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ có hơn 240 hộ thì có tới 64 hộ nhà cửa bị trận lũ quét lịch sử năm 2022 tàn phá hư hỏng. Trong khi chờ tái định cư (TĐC), họ phải dựng tạm lều lán để ở, một số hộ xin ở nhờ, ở ghép với gia đình người thân. Đi không được, ở không xong, hai năm qua, họ phải sống trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, mùa hè thì nóng nực, mùa mưa ẩm thấp cùng nỗi lo sạt lở đất, nhất là khi mùa mưa bão về.
Ông Lô May Thanh, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ chia sẻ, trong trận lũ quét hồi tháng 10-2022, nhà bị ông bị cuốn trôi nên cả gia đình phải dựng lán ở tạm. Bình thường mùa hè thì phải chịu cảnh nóng nực, chật chội, còn mùa mưa sống trong bất an, lo lắng. “Mỗi lần có mưa lớn, tôi lo không tài nào ngủ được…Những ám ảnh của trận lũ quét năm ấy cứ hiện lên trong đầu. Chỉ mong Nhà nước tạo điều kiện để người dân sớm được chuyển đến khu tái định cư, yên tâm sinh sống” – ông Thanh buồn bã thổ lộ.
Cùng cảnh ngộ, nhà anh Lô Thanh Tâm (bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ) nằm ngay cạnh suối Huồi Giảng, xã Tà Cạ. Trận lũ quét năm ấy đã cuốn phăng ngôi nhà anh theo dòng nước dữ. Sau trận lũ quét, gia đình anh Tâm được sự giúp đỡ của bà con lối xóm, chính quyền địa phương và các mạnh thường quân hỗ trợ, dựng tạm căn nhà nhỏ gần vị trí cũ để ở tạm. “Sau trận lũ quét, người dân chúng tôi vui mừng khi có chủ trương xây dựng TĐC. Nhưng đã 2 năm trôi qua, người dân chúng tôi vẫn chưa được về nơi ở mới. Mùa mưa bão đến rồi, gia đình tôi sống trong bất an, lo lắng bởi nhà thì đang tạm bợ. Gió, bão, nước lũ, sạt lở có thể tốc, vùi lấp bất cứ lúc nào. Mong muốn chính quyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu TĐC để người dân được di dời sang đó ở, ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất”- anh Lô Thanh Tâm bày tỏ hy vọng.
So với nhiều nhà trong bản, nhà bà Ngân Thị Tâm (73 tuổi, trú bản Hoa Sơn, xã Tà Cạ) được xem là khá may mắn khi còn giữ được bộ khung gỗ để dựng nhà tạm. “Trận lũ ập về, tôi may mắn được các con sống cạnh đó cõng chạy lên ngọn núi sau nhà, thoát chết. Lũ rút, nhà chỉ còn lại mấy cái cột trơ trọi. Gia đình tôi phải đi ở nhờ nhà người thân 1 tháng, sau đó chính quyền địa phương cùng bà con, hàng xóm giúp sửa sang lại nhà. Gia đình người con gái tôi sống gần đó cũng bị lũ cuốn trôi mất nhà. Nhà 2 khẩu, thêm gia đình con gái nữa là 6 khẩu phải sống trong ngôi nhà tạm chật chội này đã 2 năm qua…” - bà Tâm kể.
Cũng theo bà Tâm, ngôi nhà gỗ của gia đình trước khi bị lũ quét được làm từ năm 2000 vốn đã cũ kỹ, xuống cấp; sau lũ dựng tạm để ở nên càng thê thảm hơn. Do không biết khi nào được chuyển lên khu TĐC nên gia đình bà Tâm cũng không dám sửa lại nhà. “Năm ngoái, đến mùa mưa, tôi vô cùng lo lắng. Nhiều đêm mưa lớn, lo lũ về không sao chợp mắt được. Năm nay, một mùa mưa nữa lại đến nhưng khu TĐC vẫn chưa xong, những ngày tới không biết sẽ thế nào"- bà Tâm lo lắng.
Ông Vi Văn Mằn - Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, cho biết, xã có 4 dân tộc Mông, Kinh, Thái, Khơ Mú sinh sống, trong đó người Khơ Mú và người Thái chiếm đa số. Cả xã có 1.157 hộ và 4.590 khẩu. Trận lũ năm 2022 quét qua bản Sơn Hà và Hòa Sơn, nơi chủ yếu là đồng bào người Thái và Mông. Cả 2 bản này đều ở vị trí rất cao, hàng trăm năm nay chưa từng xảy ra lũ ống, lũ quét. Đây cũng là 2 bản phát triển nhất xã Tà Cạ, đặc biệt là bản Sơn Hà. Hai bản này đều đạt hết các tiêu chí và đang chuẩn bị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì trận lũ xảy ra nên hạ tầng đã bị phá hết, chính quyền và người dân vô cùng tiếc nuối. Trận lũ quét năm 2022 đã khiến 54 căn nhà trên địa bàn xã sập, trôi hoàn toàn. Ngoài ra có hàng trăm hộ khác cũng bị ảnh hưởng, trong đó 27 hộ bị thiệt hại lớn, hư hỏng nặng nhà cửa. Hiện trên địa bàn xã có một số hộ dân đang phải đi ở nhờ, ở trọ tạm chờ khu TĐC hoàn thiện để chuyển vào ở.
Hai năm luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm, âu lo, nhất là vào mùa mưa bão, nên mong muốn lớn nhất của bà con nơi đây là Nhà nước sớm hoàn thành việc xây dựng khu TĐC, để những hộ trong vùng ảnh hưởng lũ quét được chuyển đến nơi ở mới...
(còn nữa)
An Khuê