"Một ngày là trăm năm" và Lê Anh Dũng

Thứ sáu, 16/07/2021 17:17

Thời gian là căn nguyên của mọi sự dịch đổi. Do đó, chiếm lĩnh thời gian hoặc ghi vệt cá nhân vào dòng dịch đổi đó cũng đều là cách thức để thoát khỏi sự níu vướng của thời gian. Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng chiếm lĩnh và lưu vết thời gian theo một cách rất riêng: nhặt, gói và gửi kỷ niệm đời mình vào những trang thơ. Tập thơ Một ngày là trăm năm của anh lộ sáng cái nhìn về không - thời - gian kỷ niệm. 

Bìa tập thơ "Một ngày là trăm năm".

Tất nhiên, cái không - thời - gian kia chưa hẳn trở thành sự day trở thường trực trong con người và thơ Lê Anh Dũng. Dẫu rằng tần số không- thời- gian ấy hiện diện ở hầu hết trong các bài thơ của tập thơ Một ngày là trăm năm. Kia ta bắt gặp không gian của Cổng trời Quản Bạ, của Một chiều Vũng Rô. Nọ ta lại gặp không gian của Pù Luông thực ảo, của Một ngày Di Linh. Thời gian trong tập thơ này cũng là một khoảng dài ngút bóng, dài suốt đời người: "Sông phù sa đời phù hoa/ Chuông chùa Vạn Hạnh la đà sắc không".

Tôi tin rằng cái vô vi, tinh diệu giữa sắc và không, giữa đời và mộng, giữa thực và ảo trong hai câu thơ đã dẫn ở trên ít nhiều bị ám ảnh bởi "sự như xuân mộng liễu vô ngân" (chuyện đời ngắn ngủi như giấc mộng đêm xuân trôi qua mất mà chẳng để lại dấu vết nào) của thơ Tô Đông Pha. Nỗi ám ảnh ấy không chỉ được đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng thấu triệt trong những chuyến ruổi rong ngược xuôi mà đôi khi còn bừng ngộ cả trong tâm tư tự lắng nặng tính u hoài: "Đêm nay trời mưa ai ạ/ Mà ai xứ hạn bỏ cày/ Bỗng thèm nức mùi rơm rạ/ Đồng chiều mắt khói cay cay". 

Nói đến phôi pha cũng là cách để nghĩ về trường tồn? Chẳng phải Tô Đông Pha từng bật thốt "Nhân tự thu hồng lai hữu tín" (con người như chim hồng mùa thu bay đến mang theo tin tức) đó sao? Nắm níu, trân quý những kỷ niệm ta có dù chỉ một lần trong đời, một ngày trong năm, một cái chớp mắt trong cái thường hằng..., để rồi hồn nhiên khẽ bảo Một ngày là trăm năm như cách Lê Anh Dũng đã nhìn về kiếp người và cuộc đời thực chất không lạ và càng không trượt thoát quy luật tất yếu đó. Nghĩa là anh muốn giũ tung nỗi ám ảnh thời gian. Bởi, ta càng thức nhận về thời gian, càng thấy thân phận con người quá ư mong manh. Thế nên, thật dễ hiểu khi thời gian trong tập thơ Một ngày là trăm năm được anh giăng mắc, đan chiếu, thức rọi nhiều chiều. Tình yêu, trong ý niệm về thời gian, lại càng có lý do để thao thức sở đắc: "Nửa đời mình chờ nhau/ Tiền kiếp xưa ngoái lại/ Một ngày là mãi mãi/ Tình đại ngàn xưa sau", và hẳn nhiên cũng run rẩy, đủ đầy mọi sắc thái: niềm vui đan xen nỗi buồn, hạnh phúc xen lẫn đau khổ, mong đợi giăng níu giận hờn.

Phẩm chất thi sĩ gần như cùng một căn tính với bản thể văn chương. Phẩm chất ấy mang nặng tính u hoài, hồi niệm và cũng là tiếng vọng của ký ức. Mà tiếng vọng tự bản thể thơ là cơn cớ để nhìn ngược sáng về kỷ niệm và có lý do để mang theo ánh sáng của tương lai tỉnh thức. Nhưng đọc thơ Lê Anh Dũng tôi gặp chất lính trận trước, sau đó mới bắt gặp con người thơ. Có lẽ, hơn ai hết, anh hiểu rất rõ con người mình- một lính chiến- đó là lý do vì sao trên hành trình dọc dài đất nước Lê Anh Dũng luôn chú tâm đến dấu chân người lính của các thế hệ cha ông đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh vì sự trường tồn dân tộc. Trước thành Cửa Bắc xa xưa, nơi Tổng đốc Hoàng Diệu cùng binh lính sống chết theo thành, anh bật lên những cảm xúc và nhận định bùi ngùi về một thời đã ngút chìm trong lịch sử: "Hai viên đạn đại bác giặc Tây/ Bắn vào thành Cửa Bắc/ Bắn vào u mê, hèn yếu triều đình/ Bắn vào khiếp nhược kẻ mũ mão cân đai/ Xoáy vào lòng dân ta yêu nước thương nòi/ Xoáy vào ngực Tổng đốc Hoàng Diệu/ Dải lụa giữ thành ngời khí tiết nghĩa trung".

Vũng Rô, nơi đoàn tàu không số bí mật vào ra của một thời khói lửa, khi đến đấy, Lê Anh Dũng trải lòng trong trạng thái thanh thản tận hiểu thế nào là non nước thanh bình: "Trong bao chiều thương nhớ/ Có một chiều Vũng Rô/ Nghe mặn mòi khơi mở/ Những bóng thuyền nhấp nhô". Từ đó, khơi mở ý thức bảo vệ, xây dựng và gìn giữ non sông Việt. 

Nói Một ngày là trăm năm hé mở trách nhiệm công dân- nghệ sĩ là vì vậy! 

Thú thực, tôi thích đọc những ai dám và chịu đẩy sự chiêm nghiệm đi xa hơn thực tế tri nhận. Ở Lê Anh Dũng chất lính trận quá tỉnh táo và rạch ròi đã không cho phép anh mộng mị ngay cả trong không gian oi nồng kỷ niệm mùi đồng đất rạ rơm. Bởi vậy, sự sẻ chia, ru rín của Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng qua thơ với độc giả thơ khó tính cũng theo đó mà ít nhiều bị sụt giảm. Thơ anh gần với ký sự: trải dài theo không - thời - gian và sự kiện, thiếu đọng lắng, tự ngân.

TRỊNH CHU