Mua bán, sử dụng pháo trái phép không chỉ “đốt tiền” mà còn vi phạm pháp luật
Theo quy luật, cứ vào thời điểm cuối năm, nhất là vào dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, tình hình vận chuyển, mua bán, sử dụng pháo nổ trái phép diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, đây là thời điểm các đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ pháo nổ bắt đầu quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, nhóm chợ online...
Chỉ cần vào Facebook gõ cụm từ "mua, bán pháo nổ, pháo hoa nổ", "pháo hoa Z121" hàng loạt tài khoản đăng thông tin bán mặt hàng này đã được hiển thị. Toàn bộ giao dịch về việc mua, bán pháo hoa đăng tải một cách công khai và diễn ra vô cùng sôi động; mỗi ngày có đến hàng chục bài viết quảng cáo mua bán pháo nổ, pháo hoa nổ.
Ngoài ra, để câu dẫn người mua, bên cạnh những hình ảnh được cho là ảnh chụp sản phẩm thì một số người bán còn quay video cảnh đốt pháo để tăng sự hấp dẫn cho bài quảng cáo bán hàng. Đáng chú ý, đa số các loại pháo hoa được rao bán trên mạng là những loại pháo hoa có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, thậm chí, nhiều loại còn không có nhãn mác. Tuy nhiên, những mặt hàng pháo tết đang được “chào hàng” một cách công khai trên mạng xã hội đều không có sẵn, người mua cần liên hệ đặt trước và phải đặt cọc một phần giá trị sản phẩm. Các loại pháo này sẽ được giao về tận nhà trong 2 - 3 ngày từ khi đặt hàng thành công, giá cả cũng không có sự đồng nhất, dao động từ 400.000 - 900.000 đồng/sản phẩm, tùy vào chủng loại, số lượng, kích thước cũng như người bán.
Với giá cả thấp hơn, các loại pháo, pháo nổ nhập lậu còn đa dạng về chủng loại như: pháo hoa, pháo dù, pháo bi… Các loại pháo này không chỉ gây nguy hiểm cho người dùng mà còn là mối đe dọa lớn đến an ninh cộng đồng. Từ lợi nhuận thu về cao, các đối tượng đã bất chấp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; nhiều đối tượng ma mãnh thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
Theo quy định của pháp luật, hành vi tự ý quảng cáo, giới thiệu, rao bán pháo nổ, pháo hoa nổ hoặc rao bán pháo hoa mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm pháp luật; còn đối với người mua, sử dụng những sản phẩm pháo hoa, pháo nổ không có nguồn gốc hợp pháp cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, hậu quả để lại mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường.Người dân được mua và sử dụng pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất nhưng không được tự ý kinh doanh pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất. Còn theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP, cá nhân có hành vi rao bán pháo hoa của Bộ Quốc phòng trên mạng xã hội và các sàn giao dịch điện tử sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm. Ngoài ra còn phải nộp lại số tiền lợi nhuận bất hợp pháp có được từ hành vi bán pháo hoa trái phép.
Đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo hoa, thuốc pháo hoa có thể bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng; trường hợp vận chuyển trái phép các loại pháo hoa có thể bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng (Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Đối với hành vi sử dụng pháo nổ, pháo hoa trái phép mà chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 - 2 triệu đồng (Điều 10, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP).
Pháo nổ là loại hàng hóa bị pháp luật cấm vận chuyển mua bán, sử dụng, nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân; do đó công tác đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm liên quan tới pháo nổ là một trong những nội dung công tác trọng tâm được lực lượng chức năng nói chung và Công an nói riêng thực hiện quyết liệt trong dịp trước, trong và sau Tết. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặntội phạm,vi phạmpháp luật trong hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ, nhất là trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, góp phần ổn định tình hình ANTT tại địa phương, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng thì ý thức chấp hành pháp luật, tố giác tội phạm của nhân dân cũng góp phần ngăn ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này. Do đó, người dân cần nhận thức được mức độ nguy hiểm trong việc sử dụng pháo nổ và chủ động tố giác tội phạm, không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán pháo nổ.
T.H