Mưa Đà Lạt
Mưa từng cơn, mưa từng cơn, rỉ rắc, u trầm. Mưa làm xanh thêm những gốc liễu, mưa làm trong hơn gương mặt hồ, mưa làm ấm lại một góc quán, mưa làm dậy lên mùi thơm của ly đậu nành. Mưa như một hoài niệm trong tranh Đinh Cường, mưa như một âm vang rất xa nơi nhạc Trịnh Công Sơn, mưa như một niềm nỗi trong ảnh MPK, mưa xanh mơ và mưa ảo diệu.
Phải nghe mưa vọng từ phía rừng thông, phải ngắm mưa dưới tán rừng thông, phải nhìn mưa tí tách rơi trên mặt hồ Xuân Hương, mới thấy hết vẻ diễm ảo của mưa Đà Lạt. Mưa làm đẹp thêm từng cánh ô thấp thoáng trên phố, mưa gợi nhắc những cặp tình nhân không quên trao gửi cái siết nhẹ tay đầy tình ý, mưa gọi cánh chim bằng an tìm nơi trú ẩn.
Thật chậm, thật chậm, xanh và tĩnh, miên ru.
Mưa Đà Lạt lắc thắc và thong dong, mưa Đà Lạt lắng tĩnh và nhẩn nha, mưa Đà Lạt vang vang một âm điệu mềm. Trong màn mưa mỏng, ngồi ở một góc quán quen đủ tầm nhìn những chiếc thuyền thiên nga đang thong thả bơi trên mặt hồ Xuân Hương, tách trà nóng như thêm phần có lý, khi để ủ ấm đôi bàn tay, gọi thêm một cốc rượu vang nữa để làm chất dẫn cho sự thăng hoa cảm xúc. Cả những người tản bộ quanh hồ Xuân Hương cũng để lại một tiết điệu rất đẹp, cạnh đấy là tiếng vó ngựa lóc cóc rất gợi. Trong khi đó, những người câu cá vẫn thản nhiên ngồi hàng giờ chờ cá cắn câu, cứ như thể mưa chưa hề có mặt, bình thản, nhẹ trôi, êm mơ. Trong màn mưa mỏng, rủ thêm ít đứa bạn, ngồi dưới tán ô rộng của một quán cóc bất kỳ, vừa nghe mưa, vừa nhẩn nha ăn khoai lang nướng. Mưa khiến cho góc ngồi co ro cũng trở nên thú vị: mỏng mảnh đủ để không bị ướt, ấm kín đủ để mùi khoai lang nướng tỏa dậy thơm lừng… Một không gian như thế, ai dám bảo mưa Đà Lạt bất tiện, gây khó chịu cho du khách khi đi du lịch trong mưa? Thực tế, Đà Lạt từng tổ chức cả một lễ hội trải nghiệm mưa. Sự kiện đã cho thấy sự bén nhạy của nhà tổ chức khi nhìn ra lợi thế của mưa Đà Lạt: ảo, xa, xanh và trong. Thật vậy, du khách xứ nóng không hề cảm thấy sự bất tiện khi tham gia các tour trải nghiệm dưới trời mưa Đà Lạt. Nhiều người lộ rõ niềm thích thú và bày tỏ thêm rằng, nếu như Đà Lạt tổ chức được những tour khám phá ẩm thực mùa mưa: ăn bánh xèo, bánh căn, lẩu rau và uống rượu hâm nóng, kết hợp với tham quan bảo tàng, các phòng tranh nghệ thuật, cả tranh thêu tay..., chắc chắn sẽ rất hút khách. Vấn đề đặt ra là cách làm, hình thức tổ chức sao cho phù hợp để huy động được nhiều đối tượng tham gia, từ các đơn vị lữ hành, chủ quán ăn, phòng tranh đến bảo tàng và du khách. Bên cạnh đó, một yếu tố cũng cần phải tính, là người dẫn dắt tour. Bởi cung cách phục vụ của người dẫn dắt tour là yếu tố hàng đầu quyết định đến chất lượng của tour và sự hài lòng hoặc không hài lòng của du khách. Ngoài ra, Đà Lạt còn có thể mở các tour trải nghiệm nghe nhìn, như thưởng thức âm nhạc trong không gian mưa, tọa đàm những ý niệm về mưa, hay mạn đàm về các tín niệm trong những lễ hội cầu mưa của các sắc tộc anh em trên đất Việt... Mua sắm mùa mưa cũng rất dễ lôi cuốn du khách, nếu có sự kết nối tốt với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Đà Lạt: siêu thị, chợ, showroom đặc sản... trong việc minh bạch giá cả, chất lượng sản phẩm, cung cách phục vụ chuyên nghiệp. Mùa mưa, việc tổ chức các hoạt động team building ở những điểm du lịch, bonus tour khám phá các di sản văn hóa - thiên nhiên chắc chắn sẽ tạo ra một trải nghiệm khó quên đối với du khách. Thêm nữa, mùa mưa Đà Lạt cũng là điều kiện lý tưởng để tổ chức các tour Thiền tập, đọc sách, học chế biến món ăn, đánh cờ, chơi thể thao trong nhà, chăm sóc cây cảnh, tham gia những buổi diễn thuyết...
Mưa Đà Lạt tự thân nó đã là đặc sản của Đà Lạt. Tất cả những lợi thế hay hạn định của nó phụ thuộc hoàn toàn vào tư duy và cách làm của chính nhà tổ chức - những người hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, quyết biến mưa Đà Lạt thành sản phẩm du lịch.
Trịnh Chu