Mưa lớn gây ngập cục bộ một số địa phương ở Hà Tĩnh và Quảng Bình
Mưa lớn kéo dài cùng với nước ở thượng nguồn đổ về đã gây ngập cục bộ, giao thông bị chia cắt tại một số địa phương ở Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên khu vực Hà Tĩnh có mưa to đến rất to. Riêng ở khu vực huyện Kỳ Anh, lượng mưa đo được trong sáng 5- 11 khoảng từ 130-230 mm; cùng với việc nước ở thượng nguồn đổ về nhiều đã gây ngập cục bộ một số vùng. Cụ thể, cầu tràn Mỹ Thuận (xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh) bị ngập sâu, nước chảy xiết, giao thông chia cắt hoàn toàn ảnh hưởng đến việc đi lại của hơn 500 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu của 2 thôn Mỹ Lợi và Mỹ Thuận. Chính quyền địa phương xã Kỳ Sơn đã làm rào chắn, biển cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm, đồng thời cắt cử các lực lượng trực tại các điểm tràn trên địa bàn không cho người và phương tiện qua lại. Tại "rốn lũ" Hương Khê, mưa lớn gây ngập cục bộ đường qua tràn đập Làng, cầu Lim, cầu Ông Ý, tràn Khe Á (thuộc xã Hương Bình); cầu tràn thôn 9 (xã Hương Đô); cầu tràn ông Bằng, cầu tràn Hương Yên (xã Lộc Yên); đoạn KM 434+600 Quốc lộ 15 (xã Phúc Trạch); tuyến đường liên thôn tại thôn Phú Lễ (xã Hương Trạch). Hạt Giao thông số 4 cũng kịp thời chỉ đạo cán bộ công nhân viên phối hợp chính quyền địa phương lắp đặt biển cảnh báo, cấm người và phương tiện qua lại khu vực bị ngập nước.
Trước diên biến mưa lũ phức tạp, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện về chủ động ứng phó mưa lớn. Theo đó, đề nghị các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, chủ động sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ cao về ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Các huyện, thị xã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Tại Quảng Bình, huyện Tuyên Hoá xuất hiện các đợt mưa lớn, gây ngập lụt nhiều khu vực. Lượng mưa lớn khiến nước sông, suối và khe dâng cao, gây ngập cục bộ và chia cắt nhiều tuyến đường, cầu và ngầm. Cụ thể, tại xã Lâm Hóa, hai cầu tràn trên đường vào bản Chuối bị ngập sâu từ 0,5 - 1m, chia cắt 19 hộ dân với 96 nhân khẩu. Cầu tràn bản Kè cũng bị ngập khoảng 0,6m, ảnh hưởng đến 62 hộ dân với 256 nhân khẩu. Tại xã Thanh Hóa, cầu Bà Túng trên đường vào trụ sở xã ngập 0,5m, cùng với đó cầu tràn bản Hà cũng ngập sâu ở mức tương tự. Đặc biệt, tuyến đường từ xã Mai Hóa đến xã Ngư Hóa bị ngập sâu đến 1m. Tại xóm 1, thôn Tân Lâm, nước sông Rào Trổ dâng cao, cô lập 8 hộ dân với 21 nhân khẩu. Tại xã Đồng Hóa còn nghiêm trọng hơn khi nhiều cầu bị ngập sâu, chia cắt giao thông. Ngoài ra, tại các địa phương khác, như: xã Sơn Hóa, Lê Hóa, Hương Hóa, Thuận Hóa và thị trấn Đồng Lê, nhiều cầu và ngầm cũng bị ngập sâu, gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân. Trước nguy cơ sạt lở từ mưa lớn, UBND huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo xã Đức Hóa và Thuận Hóa di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu đến khu vực an toàn.
X.S
Dòng sự kiện:Phòng chống thiên tai
Công an, Biên phòng giúp dân dọn rác sau lũ
Một ngày, hơn 100 công nhân "bở hơi tai" thu gom 500 tấn rác thượng nguồn đổ về các bãi biển Đà Nẵng
Hàng trăm mét bờ biển Hội An bị xé toạc
Ứng phó sạt lở đất, ngập lụt trên từng cây số
Quảng Trị: Mưa lớn liên tục, cảnh báo đợt lũ mới vùng thấp trũng hạ lưu các sông, đặc biệt sông Ô Lâu