Mưa lớn gây thiệt hại nặng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi

Thứ tư, 12/10/2022 08:33
Chiều 11-10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, đợt mưa lớn bắt đầu từ chiều ngày 9-10 đã gây ra nhiều thiệt hại đối với đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đã có 3 người chết và mất tích do mưa lũ gây ra hàng trăm ngôi nhà bị ngập nước.
Chị Lương Thị Mỹ Linh mất đi để lại 3 cháu nhỏ bơ vơ.
Trận mưa lớn gây ngập lụt nhiều nơi ở Quảng Nam.

Trước đó, chiều 10-10, một học sinh lớp 9 trên đường đi học về bị nước lũ cuốn trôi. Thấy vậy ông Đoàn Văn Hương (1968, trú phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ) nhảy xuống ứng cứu thì bị lũ cuốn trôi tử vong, riêng học sinh sau đó được người dân cứu sống. Trường hợp thứ hai là nạn nhân Lương Thị Mỹ Linh (1985, trú xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam). Trước đó, 18 giờ 30 phút ngày 10-10, chị Lương Thị Mỹ Linh - giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Hồng trên đường từ nhà ở thôn Thạnh Mỹ chở theo con gái là Bùi Như Bảo Sương về nhà mẹ ở thôn Trung Lương (cùng xã), do đường bị ngập nước, chảy xiết nên cô Linh và xe bị trôi xuống chỗ sâu. Cô Linh không may bị nước lũ cuốn trôi và tử vong sau đó, còn cháu Bảo Sương được người dân cứu kịp.

Hiện trường sạt lở núi tại khu vực thủy điện Kà Tinh.

Cô Hồ Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Hồng cho biết, hoàn cảnh gia đình cô Linh rất khó khăn. Cách đây 5 tháng, chồng cô bị tai biến, nghề nghiệp không ổn định. Gia đình có ba con gái, con đầu là Bùi Như Bảo Sương (lớp 9) mắc bệnh thận điều trị hằng năm, em Bùi Như Bảo Châu (lớp 6) và cháu Bùi Như Bảo Trân (4 tháng tuổi). Trước hoàn cảnh thương tâm trên, sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đã kêu gọi quyên góp, hỗ trợ cho gia đình cô Linh vượt qua mất mát này. Qua đó, sáng 11-10, Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Nam đến thăm chia buồn, ủng hộ cho gia đình 20 triệu đồng và nhận đỡ đầu các cháu nhỏ ăn học với mức hỗ trợ 12 triệu đồng/1 năm cho đến khi học xong lớp 12. Phòng GD-ĐT huyện Núi Thành cũng phát thư kêu gọi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành hỗ trợ gia đình cô giáo Lương Thị Mỹ Linh vượt qua nỗi đau này. Đặc biệt, qua sự kêu gọi của trang facebook “Lão hạt Núi Thành”, đến 15 giờ ngày 11-10 trang này đã nhận được số tiền do mạnh thường quân ủng hộ hơn 124 triệu đồng. Theo quản lý trang cho biết, dự kiến sẽ phối hợp với ngân hàng mở sổ tiết kiệm cho gia đình chị Linh và các cháu.

Ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có mặt tại hiện trường vụ sạt lở thủy điện Kà Tinh để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.

Ngoài 2 trường hợp tử vong trên, chị Hồ Thị Dâu (1994, trú xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) cũng bị nước cuốn trôi khi đi qua sông nước Na (địa phận giáp ranh xã Trà Cang với xã Trà Nam) vào ngày 9-10 đến nay chưa được tìm thấy. Mưa lớn cũng khiến rất nhiều nhà dân, trụ sở các cơ quan bị ngập nước. Theo số liệu tổng hợp được từ báo cáo nhanh của một số địa phương cho thấy, có 721 nhà dân bị ngập (Nông Sơn ngập 264 nhà, Quế Sơn ngập 57 nhà, Điện Bàn ngập 450 nhà) có nơi ngập đến 1,2m. Nhiều địa phương khác như Đại Lộc, Thăng Bình, Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ... vẫn có nhiều nhà dân bị nước lũ tràn vào nhà cửa gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt. Đợt mưa này cũng gây ra tình trạng sạt lở nhiều trục đường giao thông ở địa bàn miền núi và ngập sâu tại vùng trũng thấp.

Lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục sạt lở để tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, dự báo từ 13 đến 15-10 miền Trung sẽ có một đợt mưa lớn, trong đó Quảng Nam là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp. “Theo tôi 2 đợt mưa lớn gần nhau như thế này thì vấn đề quan trọng là điều tiết xả nước hồ thủy điện, thủy lợi sẽ giải quyết ngập lụt cho khu vực hạ du. Như trong đợt mưa vừa qua, nhờ lường trước được lượng mưa nên các hồ thủy điện, thủy lợi thực hiện tốt việc cắt lũ ở thượng lưu xuống hạ lưu”- ông Bửu nói.

Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cũng yêu cầu các địa phương cần tập trung công tác tuyên truyền để người dân nhận biết được tình hình thời tiết nguy hiểm trong mùa này, gần nhất là đợt mưa sắp tới. Cạnh đó, thực hiện tối đa phương châm “4 tại chỗ”, tập trung chốt chặn các tuyến đường thường xảy ra ngập lụt để chốt chặn kịp thời, cảnh báo người dân, tránh xảy ra trường hợp chết người thương tâm như đợt mưa lũ trong những ngày qua.

Tại Quảng Ngãi, liên quan đến vụ sạt lở núi tại nhà máy thủy điện Kà Tinh (xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng) xảy ra chiều tối 10-10, sáng ngày 11-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu nạn cứu hộ. Ngay khi tiếp cận, đánh giá hiện trường, ông Đặng Văn Minh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương lập phương án đưa các lực lượng, thiết bị chuyên dụng vào sâu trong hiện trường, có giải pháp tìm kiếm, cứu nạn người bên trong lớp đất đá vùi lấp nếu có.

Trao đổi với P.V tại hiện trường, ông Đặng Văn Minh cho hay, công tác cứu hộ cứu nạn được tiến hành khẩn trương, tuy nhiên phải tuyệt đối đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu nạn: “Đến thời điểm này phải nói rằng việc tiếp cận hiện trường còn đang rất khó khăn. Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là không vì khắc phục hậu quả mà chúng ta để xảy ra hậu quả lớn hơn. Cho nên việc chỉ đạo tìm kiếm và xử lý việc sạt lở núi vừa đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng cứu hộ cứu nạn cũng như tìm kiếm nạn nhân mất tích”- ông Minh nói.

Chị Lương Thị Mỹ Linh mất đi để lại 3 cháu nhỏ bơ vơ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại hiện trường, do mưa lớn kéo dài nên một phần của quả núi đã đổ ập xuống khu vực Tổ máy phát điện của Nhà máy thủy điện Kà Tinh. Một lượng đất đá lớn kèm theo bùn đất nhão nhoẹt đã bao phủ toàn bộ mặt đường tuyến DT 622B, kéo dài từ chân núi đến cầu Kà Tinh, đoạn Km37+559. Hiện tại, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã huy động 5 xe cẩu, hàng chục cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang di chuyển đất đá khơi thông tuyến đường để tiếp cận khu vực Tổ máy phát điện bị sạt lở núi vùi lấp. Tuy nhiên, do mưa lớn, lượng bùn đất, đá quá lớn tràn trên mặt đường kèm theo nhiều cây cối nên đến chiều cùng ngày, lực lượng chức năng vẫn chưa thể tiếp cận được khu vực Tổ máy bị vùi lấp. Việc sạt lở tại khu vực trên đã gây ách tắc giao thông nên từ đêm 10-10, huyện Trà Bồng đã giăng dây cấm phương tiện qua lại khu vực sạt lở. Do đó 6 xã phía Tây huyện Trà Bồng với khoảng 20.000 nhân khẩu bị cô lập do tắc đường.

Về thông tin có một công nhân nghi bị vùi lấp do sạt lở núi, ông Đặng Vỹ Thuyên - Giám đốc Công ty CP Thủy điện Trà Bồng (đơn vị quản lý Nhà máy Thủy điện Kà Tinh) cho biết, hiện vẫn chưa liên lạc được với công nhân trên. “Để ứng phó với mưa bão, công ty đã cử kỹ sư Nguyễn Văn Nam đến kiểm tra lần cuối Tổ máy phát điện. Tuy nhiên do mưa to, sạt lở núi bất ngờ vùi lấp khiến anh Nam mất tích. 5 người khác cùng tổ trực ở trụ sở văn phòng, cách điểm lở núi 100 mét nên may mắn thoát nạn”- ông Thuyên thông tin.

LÊ HẢI