Mưa rào đầu hạ

Thứ hai, 03/04/2023 07:43
Những cơn mưa đầu mùa bắt đầu ùa về, hối hả từng cơn, vội vàng từng đợt, ào ào đến làm ướt nhòa hết cả, rồi lại ào ào đi để lại những vệt loang ướt mèm cành lá. Mưa lại về, cứ thế mưa lại đi, trên mái nhà, ngoài hiên cửa, giữa những con đường lầy lội bùn đất, trắng xóa cánh đồng, ồn ào giữa phố đông.
Tắm mưa (Ảnh: minh họa)
Tắm mưa (Ảnh: minh họa)

Ngày còn bé, khi những cơn mưa rào đầu tiên xối xả trút nước trắng đồng, cũng là lúc dân quê tôi hối hả vác cuốc, cày ra đồng đắp bờ giữ nước, cày vỡ ruộng chuẩn bị cho vụ mùa. Tôi còn nhớ khi những cơn mưa đổ xuống, cha tôi cùng mấy chú trong nhà vội vã nón lá, áo tơi vác cuốc ra đồng đắp lại các đoạn ruộng, be những chỗ bờ vỡ để giữ nước chuẩn bị cho một mùa mới trên cánh đồng quê hương.

Ngồi trong nhà bên ô cửa nhỏ, nhìn ra cánh đồng trước cửa mưa giăng trắng xóa, nước chảy tràn trề, bà nội quay qua nói với mấy mẹ con tôi: "Năm nay chắc mưa gió thuận hoà, mùa màng sẽ tốt tươi!". Mặc cho mưa vẫn ào ào đổ xuống, từ trong các ngõ xóm mọi người đã vác cày, rong trâu ra đồng, tiếng quát trâu vang lên trên các ngả đồng, át cả tiếng mưa.

Những thửa ruộng được cày vỡ đất bở tung từng mảng, các đường cày thẳng đều nhau chạy dài dọc theo bờ ruộng. Sau buổi cày đầu tiên, người và trâu đều thấm mệt, ướt sũng nước, mặt mũi lấm lem bùn đất. Đàn trâu được các thợ cày thả ra cho chúng tự do ăn cỏ để chuẩn bị cho buổi cày tiếp. Bọn trẻ con chúng tôi thích nhất là được giao nhiệm vụ dẫn trâu để chăn, thả sức chạy nhảy khắp đồng, vùng vẫy trong các vũng nước mưa đến nỗi đứa nào, đứa nấy ướt như chuột lột. Cánh đồng sau cơn mưa như bừng tỉnh bởi sự đánh thức của con người, sau những tháng nghỉ ngơi chờ thời vụ.

Khi màn đêm buông xuống, cánh đồng bỗng trở nên náo động bởi tiếng kêu của hàng nghìn con ếch, càng về khuya càng náo nhiệt. Dân quê từ chiều đã chuẩn bị những bó đuốc bằng tre rơm đủ to, đủ dài để đêm đi săn "vũ nữ chân dài". Khoảng tầm 9, 10 giờ đêm là lúc lũ ếch đã ra khỏi hang đón nước mưa và gọi bạn tình, chúng say sưa bên nhau quên mọi hiểm nguy, đây là lúc bắt dễ nhất. Cả cánh đồng làng sáng rực như sao sa bởi ánh sáng của hàng chục bó đuốc đang di động trên đồng. Vào những dịp đó, bữa ăn của dân quê tôi không thể thiếu món ngon từ ếch, cá, những món ăn mang đậm vị đồng quê khiến nhiều người nhớ mãi.

Tuổi thơ tôi khao khát mùa hè hơn bất cứ mùa nào. Khi cơn mưa đầu tiên trút xuống, dường như cả bầu trời và làng mạc được gội sạch bụi suốt mấy tháng khô hanh. Cây cối phơi phới lá non, lộc biếc, trái cây mọng, chín nhất là dũ dẻ mập ú, vàng ươm, mọng căng tỏa hương phưng phức một góc rào vườn. Trải qua mấy tháng trời keo kiệt nước, nay hào sảng ban phát. Đám cá không biết lâu nay trốn ở đâu nay lại tung tăng dưới làn nước trong xanh, mát lạnh. Trời thôi gắt gỏng. Cơn gió mát dịu đưa hương sự sống sinh sôi. Cây cối ở vườn quê cát trắng phau phau không đợi đến mùa xuân thi nhau bung lộc biếc. Ngóng những cơn mưa ngọt ngào cuối hạ đâm chồi.

Năm tháng qua đi, làng quê đã đổi khác nhiều. Các gò, ụ hoang hoá giữa đồng khi xưa nay không còn nữa. Nó đã được san lấp thành ruộng. Trước kia ruộng chỉ cấy đa số trông chờ vào nước trời, giờ nhờ có bơm điện và mương máng dẫn nước từ suối lên đủ nước làm cả vụ đông. Đồng làng quanh năm tươi mát lúa gột vụ, chen nhau che kín mọi nơi, đem lại sự ấm no cho người dân quê mình.

Khi nắng cháy hanh khô làm người ta nóng, người ta mệt, người ta thèm một cơn mưa thì chiều nay, lúc vạt nắng còn chưa khô hẳn trời đã vội đổ mưa về. Cơn mưa rào đầu mùa với những giọt nước tựa như những hạt thủy tinh to bằng ngón út xối xả ập xuống rửa trôi bụi đường ngày cũ. Mưa rào đầu mùa là thế, làm cho người ta mừng vui, rộn ràng rồi làm người tiếc nuối, chờ trông!

Tôi trở về nhà đúng vào ngày có cơn mưa rào đầu hạ. Vẫn cảnh tấp nập cày bừa như xưa nhưng khắp đồng làng là tiếng nổ của những máy cày phăm phăm lật đất. Đêm xuống làng bừng lên ánh điện, tôi không còn nghe thấy một tiếng ếch kêu trên đồng! Đồng trở nên lặng giữa mênh mông, vẳng đâu có tiếng nhạc xập xình! Lòng tôi chợt nao nao một nỗi nhớ! Đâu rồi những tháng năm xưa!

Phạm Thị Mỹ Liên