Muốn Đảng mạnh, phải giữ gìn và phát huy “vốn liếng” của Đảng

Thứ hai, 31/10/2022 21:53
Nói đến vốn, người ta hay nghĩ đến tiền, đến tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, nội hàm của vốn rất rộng. Theo nghĩa chung nhất, vốn được hiểu là cái có sẵn hoặc có được qua tích luỹ về kinh tế, văn hoá, xã hội... Và khi nói đến vốn liếng, đó được hiểu là những yếu tố cần thiết nhất để hoạt động hiệu quả. Vậy, vốn liếng của Đảng là gì? Làm thế nào để giữ gìn và phát huy vốn liếng của Đảng?
Phải làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ họ chính là chiếc cầu nối giữa Đảng với Nhân dân (Ảnh minh họa)
Phải làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ họ chính là chiếc cầu nối giữa Đảng với Nhân dân (Ảnh minh họa)

1. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “vốn liếng” của Đảng

Trong suốt sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác xây dựng Đảng. Người khẳng định: “Đảng có vững, cách mạng mới thành công” bởi “người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”[1]. Để Đảng vững mạnh, Người chỉ điểm:

“Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[2]. Đây chính là vốn liếng đầu tiên của Đảng. Và chủ nghĩa ấy không gì khác là Chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa Mác - Lênin là hiện thân của quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người với sức sống mãnh liệt. Và những đúc kết, vận dụng trong điều kiện thực tế của Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tài sản quý báu của cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, trong Điều lệ Đảng và Điều 4 Hiến pháp 2013 đều khẳng định Đảng “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Chỉ có đi theo ngọn đuốc sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với sự dẫn dắt của Đảng trên trên con đường mà Bác và dân tộc Việt Nam đã chọn thì sự nghiệp chủ nghĩa xã hội sẽ nhất định thắng lợi.

Vốn liếng thứ 2 được người đề cập rất rõ: "Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt"[3]. Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, dù vệ quốc hay dựng xây đất nước trong thời kỳ mới, cán bộ, đảng viên là tài sản đặc biệt, là vốn liếng quan trọng nhất, là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”[4]. Như vậy, cán bộ, đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định; triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đối với nguồn vốn đặc biệt này, cần có phương thức phát triển phù hợp để phát huy hết vai trò và làm tròn sứ mệnh là 1 trong 3 bước đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Vốn liếng thứ ba không gì khác đó chính là sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ Đảng, giữa Đảng với Nhân dân. Đây chính là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Người căn dặn: “Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí”; “sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết”; “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”. Trong “Hồ Chí Minh toàn tập” do Nhà xuất bản chính trị Quốc gia phát hành đã thống kê được 839 trên tổng số 1921 bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề đại đoàn kết, chiếm tới hơn 40%. Nghiên cứu toàn bộ di sản của Người, có thể thấy từ “đoàn kết” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc trên 2000 lần. Điều đó chứng minh sự quan tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc và cũng cho chúng ta thấy rõ tầm chiến lược tư tưởng đoàn kết của Người. Để Đảng lớn mạnh, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là yếu tố quan trọng. Đoàn kết, thống nhất ở đây không chỉ là đoàn kết, thống nhất trong Đảng mà còn đoàn kết trong quần chúng nhân dân.

Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu rõ vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân: “Dân như nước. Chở thuyền hay lật thuyền cũng là dân”; “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”[5]. Theo Người, Đảng và dân đồng sinh tử, thuận theo dân thì lớn mạnh, nghịch dân thì suy vong. Chính nương vào sức dân mà Đảng ta đã phát triển từ nhỏ thành lớn, từ yếu thành mạnh, giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp vệ quốc, sự nghiệp đổi mới. Chính vì vậy, Bác luôn căn dặn phải gắn bó máu thịt với Nhân dân. Đảng ta coi sựủng hộ, đồng thuận của Nhân dân mấu chốt quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Đây cũng là thước đo chuẩn xác nhất về sự thành công của Đảng cầm quyền.Đó cũng chính là lý do Văn kiện Đại hội XIII bổ sung:“tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[6]vào mục tiêu tổng quát. Đây là vốn liếng thứ tư của Đảng ta cần gìn giữ và phát huy.

2. Nhìn thẳng vào nguy cơ gây tổn hại đến “vốn liếng” của Đảng

- Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm cốt nhưng đừng để “chủ nghĩa ấy” rơi vào tình trạng “thiếu can-xi”

Chủ nghĩa Mác - Lênin là khu vườn “lý tưởng” để “cây chế độ” đơm hoa, kết trái. Khu vườn đó rất cần chăm bón, cải tạo để bổ sung vi chất thời đại. Bởi chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là học thuyết khép kín mà là học thuyết khoa học. Đã là học thuyết khoa học phải theo kịp thời đại. Vậy nên, ngoài việc nhất mực tuân theo những nguyên tắc cơ bản, “chủ nghĩa ấy” cần được nghiên cứu, phát triển để bắt nhịp được với xu hướng mới, với vận hội, thách thức mới mà Việt Nam đối diện. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay còn chưa thấu đáo, chưa hiệu quả. Điều này được ghi nhận tại Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030: “Kết quả nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn dàn trải, tính hệ thống chưa cao, chưa gắn kết chặt chẽ với những vấn đề thực tiễn đang đặt ra…Kết quả thực hiện nhiệm vụ cung cấp luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, quan điểm của Đảng còn hạn chế, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được làm rõ”.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, vận dụng, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin có có hai xu hướng đáng lên án: Một là tuyệt đối hoá chủ nghĩa Mác - Lênin, rào chặt, chắn kỹ, không tiếp thu thành tựu văn minh của nhân loại; hai là quá rộng mở, xem nhẹ dễ bỏ lọt những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học. Xu hướng đầu tiên sẽ khiến cho “chủ nghĩa ấy” dễ bị “còi xương”, và tự đặt mình vào bên lề sự phát triển của nhân loại. Xu hướng thứ hai là con đường ngắn nhất để Đảng ta, cách mạng ta đánh mất chính mình.

Hiện nay, Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đang là tiêu điểm chống phá của các thế lực thù địch. “Chủ nghĩa ấy” bị cho là lạc hậu, lỗi thời. Nếu không có lời phản biện đanh thép với luận cứ chắc chắn; chỉ rõ những sai trái về mặt tư tưởng chính trị sẽ tạo nên khoảng trống, về lâu về dài sẽ dẫn đến xói mòn nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là điều hết sức nguy hiểm.

- “Tính đảng” nhạt nhoà

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”.Tính đảng của đảng viên được đo bằng mức độ trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật và chuẩn mực trong lời nói, hành vi. Và hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mắc phải những căn bệnh trầm kha đã được Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII của Đảng vạch ra như: "Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu". Đó chính là biểu hiện đánh rơi lời thề trung thành với Đảng, một lời thề danh dự mà người đảng viên phải son sắt suốt đời.

Không trung thành với Đảng là loại virus huỷ hoại hệ miễn dịch của đảng viên đối với thói hư, tật xấu, dẫn đến những căn bệnh nghiêm trọng khác như: thiếu tinh thần trách nhiệm, tham ô, tham nhũng, … Đây là nguyên nhân chính làm cho một số đảng viên, cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp đã sa vào vực thẳm, rơi thẳng vào “lò lửa” bùng cháy trong chiến dịch đốt lò của Đảng với quyết tâm tiêu trừ những con sâu mọt của chế độ.

- “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”

Tinh thần trách nhiệm là phẩm chất quan trọng của người cán bộ, đảng viên. Thế nhưng hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm. Điều này thể hiện ở việc họ không chủ động, sáng tạo trong công việc, chỉ ngồi bàn tán chứ không xông xáo làm việc. Một số cán bộ, đảng viên thì thiếu liêm khiết, thiếu siêng năng; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Họ muốn “ăn cỗ” thay vì “lội nước” và không có tinh thần “đảng viên đi trước”. Đảng viên khác với quần chúng ở chỗ họ là những người tiên phong, chứ không phải là “cái đuôi” của quần chúng. Họ phải có dũng khí đấu tranh với cái sai, dám đột phá, dám tiên phong, đứng mũi chịu sào. Có như thế, cán bộ, đảng viên mới thực sự là cánh tay đắc lực của Đảng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới.

- Các thế lực thù địch luôn muốn tháo nút buộc "sợi dây” đoàn kết

Sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ Đảng có tầm quan trọng đặc biệt đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung và sự nghiệp đổi mới nói riêng. Chính vì thế đây là tiêu điểm các thế lực thù địch nhắm đến để làm tổn hại sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ Đảng. Chúng điên cuồng chống phá Đảng từ bên ngoài và bên trong bằng cách cài cắm người vào Đảng kích động, gây chia rẽ. Đảng ta ngày càng có vị thế, uy tín, vì thế ngày càng nhiều các thế lực càng muốn đầu cơ vào Đảng, gây xáo trộn, mất đoàn kết trong Đảng, lôi kéo, làm “đổi màu” đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thêm vào đó, các cán bộ, đảng viên vẫn nặng tư duy “làm quan cách mạng” chứ không quen làm công bộc của dân. Điều này làm tổn hại đến mối quan hệ “răng hở môi lạnh” liên kết bền chặt giữa Đảng với dân.

Công tác giáo dục thường xuyên về truyền thống đoàn kết cũng là khâu yếu. Việc thiếu quan tâm, đầu tư thích đáng; không có hình thức phù hợp, chưa đi vào thực chất trong công tác này là điều rất đáng quan ngại. Một số nơi buông lỏng, không thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, buông lỏng việc tổ chức sinh hoạt đảng là cội nguồn phát sinh mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ tổ chức đảng.

3. Giữ gìn và phát huy “vốn liếng” của Đảng

Thứ nhất, hãy xây dựng “chủ nghĩa” cho thật vững

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn chính trị và là trụ cột tinh thần để cán bộ, đảng viên có ý chí phấn đấu, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Đảng lấy chủ nghĩa làm “làm cốt” thì chủ nghĩa phải vững; chủ nghĩa có vững thì hành động và quyết tâm cao. Để chủ nghĩa ấy không rơi vào tình trạng “thiếu can – xi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Thế giới ngày ngày đổi mới, xã hội ngày một phát triển, nhân dân ngày càng tiến bộ, do vậy, cán bộ, đảng viên không thể “giữ cái kẹp giấy cũ không thay đổi”, “tư tưởng, hành động cũng phải phát triển”[7]. Chính vì vậy Đảng phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, căn cứ thực tiễn của Việt Nam và thế giới để bổ sung những tư liệu, vấn đề mà các nhà kinh điển ở thời mình không thể có được, để đề ra và thực hiện đường lối, chủ trương đúng đắn.

Thứ hai, nâng cao “tính Đảng” của đội ngũ cán bộ, đảng viên

“Tính đảng” của đảng viên được hiểu là sự thừa nhận một cách tự nguyện và tuyệt đối trung thành với nền tảng tư tưởng, lý tưởng cách mạng mà Đảng lựa chọn: đó là sự tuân thủ tính tổ chức và tính kỷ luật; là những chuẩn mực trong mọi hành vi, lời nói trong các hoạt động xã hội.

Đảng muốn mạnh, sức chiến đấu cao thì đảng viên phải tăng cường “tính đảng”. Làm thế nào đó, bộ phận cán bộ, đảng viên phải là lực lượng “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”. Việc khơi gợi, phát huy, tăng cường “tính đảng” lòng nhiệt thành cách mạng là trách nhiệm đó thuộc về các cấp uỷ đảng và chính bản thân mỗi đảng viên.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cũng đóng vai trò quan trọng. Trong giáo dục chính trị, tư tưởng cần lan toả những tấm gương sáng về sự hi sinh, cống hiến trong thời kỳ đổi mới để nhân rộng những điển hình tiên tiến, tạo động lực để đội ngũ cán bộ, đảng viên phấn đấu.

Và trong giai đoạn hiện nay, để công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tại các địa phương, đơn vị đạt kết quả tốt bám sát những nội dung trong Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới để quán triệt cho học viên. Phải làm cho đội ngũ này nhận thức được rằng, cán bộ, đảng viên phải có tinh thần trách nhiệm trong chia sẻ nỗi lo của Đảng, làm tròn trách nhiệm với địa phương, đất nước với Nhân dân. Việc gì ích nước, lợi dân thì ra sức làm, việc gì gây nguy hại cho Đảng, đe doạ đến chế độ xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhân dân thì tuyệt đối tránh.

Thứ ba, giữ vững chiếc cầu nối giữa Đảng với Nhân dân

Một trong những điểm nổi bật, đáng chú ý trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng liên quan đến nội dung của công tác tư tưởng là nhấn mạnh đến “xây dựng niềm tin của Nhân dân và tạo sự đồng thuận xã hội”[8]. Bám sát nhiệm vụ này, những người cán bộ, đảng viên ghi nhớ mình là công bộc của Nhân dân, được Nhân dân trao quyền để phục vụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đày tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính”[9].

Phải làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ họ chính là chiếc cầu nối giữa Đảng với Nhân dân. Để chiếc cầu nối này càng vững chắc, cán bộ, đảng viên trước hết phải giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân, không quan liêu, xa rời quần chúng, nhất là quần chúng nhân dân nơi cư trú. Phải thật sự gần gũi, gắn bó với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của Nhân dân để kịp thời giải quyết hay phản ánh lại cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đề giải quyết. Có như vậy mới nhận được tin yêu của dân và biến Nhân dân trở thành “hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai của cán bộ”, của Đảng và lôi kéo Nhân dân tạo nên thành trì vững chắc cho công cuộc bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, không còn khoảng trống cho các thế lực thù địch, phản động chống phá.

Như vậy, trên cơ sở những chỉ vẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhìn thẳng vào những nguy cơ để tìm ra giải pháp gìn giữ và phát huy “vốn liếng” của Đảng. Nhiệm vụ này không chỉ của Đảng, Nhà nước mà của mỗi cán bộ, đảng viên, của toàn thể Nhân dân.

TRƯƠNG THỊ ĐIỆP

(Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật, Trường chính trị TP Đà Nẵng)

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.1, tr.192.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr. 267.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.15, tr. 113.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.7, tr.235.

5. Nguyễn Trãi: Toàn tập, Nxb Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2001, tr.84.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.28.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr. 55.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 41.

9.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr.513.