Mỹ, Âu vẫn khốn đốn

Thứ bảy, 04/04/2020 14:17

Những ca tử vong vì Covid-19 đang gia tăng với tốc độ đáng báo động ở Tây Ban Nha, Italia và New York, điểm nóng nguy hiểm nhất ở Mỹ, trong khi dịch bệnh khiến hơn 1 triệu người mắc bệnh và hơn 10 triệu người Mỹ mất việc chỉ 2 tuần qua.

Các chuyên gia y tế Đức chăm sóc một trong hai bệnh nhân người Pháp mắc Covid-19 khi đến một sân bay nhỏ gần Nordhausen.  Ảnh: AFP

Hơn 10 triệu người mắc Covid-19?

Trên toàn thế giới, số ca nhiễm được báo cáo ở mốc thật ảm đạm - hơn 1 triệu người, với hơn 53.000 ca tử vong. Nhưng theo các chuyên gia, con số thực sự được cho là cao hơn nhiều do thiếu hụt các vụ xét nghiệm, nhiều trường hợp nhẹ không được báo cáo và những nghi ngờ về một số quốc gia đang che đậy mức độ bùng phát dịch bệnh.

Một quan chức y tế cấp cao của Australia, ông Brendan Murphy, nhận định 10 triệu người trên toàn cầu có thể bị mắc Covid-19 mà chưa được báo cáo do không được xét nghiệm bệnh hô hấp có nguy cơ lây nhiễm cao tại một số quốc gia. Phát biểu với báo giới, ông Murphy nhấn mạnh: “Chúng ta vượt qua 1 triệu ca trên thế giới nhưng chúng tôi cho rằng con số thực sự phải gấp 5 hay 10 như vậy”. Theo chuyên gia này, tỷ lệ tử vong cũng biến động rất nhiều trên thế giới vì ông cho rằng nhiều ca nhiễm vẫn chưa được phát hiện. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước tăng cường mạnh hoạt động xét nghiệm, trong khi một số người chỉ trích nhấn mạnh những khác biệt trong cách tính số ca nhiễm của một số nước.

Australia đã ghi nhận gần 5.300 ca mắc Covid-19 và 28 ca tử vong. Tây Ban Nha hôm 3-4 báo cáo con số tử vong kỷ lục trong một ngày, 950, đưa tổng số người mắc bệnh lên khoảng 10.000, mặc dù có dấu hiệu cho thấy tốc độ lây nhiễm đang chậm lại. Italia ghi nhận thêm 760 người chết, với tổng số 13.900 người, tệ nhất trong số các quốc gia, nhưng số ca nhiễm mới có dấu hiệu chững lại. Pháp ghi nhận hơn 4.500 ca tử vong tại các bệnh viện. Nhưng các quan chức cho rằng, số ca tử vong còn tăng đáng kể vì họ mới chỉ bắt đầu đếm số người chết trong viện dưỡng lão và các cơ sở khác dành cho người già.

“Điểm nóng”  New York 

Với hơn 245.000 người bị nhiễm bệnh ở Mỹ và số người chết lên đến 6.000, các quyết định kiểm soát chưa từng có đang được tiến hành. Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang đã yêu cầu Lầu Năm Góc cho 100.000 túi đựng xác vì khả năng nhà tang lễ sẽ bị quá tải, quân đội cho biết.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ngày càng sâu sắc ở New York, trong đó một nhà tang lễ trong một khu phố bị ảnh hưởng nặng nề khi có hàng trăm thi thể xếp chồng lên nhau. Thành phố chứng kiến ít nhất 1.500 ca tử vong do virus cho đến nay. Chủ sở hữu nhà tang lễ, ông Pat Marmo cho biết thêm rằng ông đã cầu xin các gia đình yêu cầu các bệnh viện giữ thi thể càng lâu càng tốt. “Chúng tôi cần sự giúp đỡ”, ông nói với AP.  Điều phối viên dịch bệnh của Nhà Trắng, Tiến sĩ Deborah Birx cho biết, dữ liệu lây nhiễm của Mỹ cho thấy, người Mỹ cần thực hiện theo các quốc gia Châu Âu trong việc kiểm soát cách ly, vốn đã bắt đầu thấy làm chậm sự lây lan.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chính thức hướng dẫn mới để khuyến nghị người Mỹ đeo khẩu trang. Nhưng vấn đề đáng lo ngại là thiếu các thiết bị y tế quan trọng, bao gồm mặt nạ. Trong cuộc họp báo ngày 3-4, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và tiếp xúc gần với người khác. Ông De Blasio nhấn mạnh, việc làm trên không có nghĩa là người dân New York nhất thiết phải đeo khẩu trang khi ra ngoài, mà “có thể sử dụng một chiếc khăn quàng cổ. Nó có thể là thứ bạn tạo ra ở nhà như một chiếc khăn rằn” để che mặt. Họ nên để dành khẩu trang cho các nhân viên y tế.

Trong dấu hiệu cho thấy sự ảnh hưởng lớn của đại dịch đến quân đội Mỹ, Brett Crozier, chỉ huy tàu sân bay USS Theodore Roosevelt - người đã tìm kiếm các biện pháp mạnh tay hơn để kiểm soát sự bùng phát dịch trên con tàu này – đã bị sa thải. Nguyên nhân đưa ra là do vị chỉ huy này tạo ra sự hoảng loạn bằng cách gửi đi quá nhiều thư cầu xin giúp đỡ. Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly cho biết, chỉ huy tàu đã chứng minh sự phán xét cực kỳ tồi tệ giữa lúc khủng hoảng. Tuy nhiên, ứng viên Tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích chính quyền Trump về vụ miễn nhiệm này. Theo ông, chính quyền của Tổng thống Trump bộc lộ "sự đánh giá yếu kém" trong việc miễn nhiệm ông Brett Crozier.

Vụ sụp đổ nhanh nhất, đáng sợ nhất ở thị trường việc làm

Khi số người chết tăng lên, kinh tế đi xuống. Đại dịch sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới tới 4.100 tỷ USD, tương đương gần 5% tất cả các hoạt động kinh tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có trụ sở tại Philippines, cho biết.

 Ít nhất 1 triệu người ở Châu Âu mất việc trong vài tuần qua. Chỉ riêng Tây Ban Nha đã thêm hơn 300.000 vào danh sách thất nghiệp vào tháng 3. Nhưng tổn thất việc làm ở Châu Âu dường như nhỏ hơn nhiều so với ở Mỹ vì các quốc gia “lục địa già” có mạng lưới an toàn xã hội lớn hơn.  Con số thất nghiệp mới cho thấy sự bùng phát khiến 10 triệu người Mỹ mất việc chỉ sau 2 tuần, đánh dấu vụ sụp đổ nhanh nhất, đáng sợ nhất mà thị trường việc làm ở Mỹ từng chứng kiến.

Khoảng 90% dân số Mỹ đang đặt hàng ở nhà, và nhiều nhà máy, nhà hàng, cửa hàng và các doanh nghiệp khác đã đóng cửa hoặc đã thấy sự sụt giảm doanh số mạnh. Các nhà kinh tế cảnh báo thất nghiệp gần như chắc chắn sẽ đứng đầu cuộc suy thoái kinh tế lớn nhất và có thể đạt đến mức chưa từng thấy kể từ cuộc Đại khủng hoảng vào những năm 1930. “Ngay bây giờ, nỗi lo lắng của tôi là ở trong nhà, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, cô Laura Wieder, đã nghỉ việc quản lý tại quán bar thể thao ở Bellefontaine, Ohio cho biết.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, những người đã mất việc hoặc đang thiếu việc làm lên tới 200 triệu. Chính phủ nước này hôm 3-4 cho biết sẽ cung cấp thêm 1.000 tỷ NDT (tương đương 142 tỷ USD) cho các ngân hàng địa phương để cho vay với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

KHẢ ANH