Mỹ - Iran bên bờ vực chiến tranh

Thứ bảy, 04/01/2020 12:47

Mối quan hệ căng thẳng truyền kiếp giữa Mỹ và Iran lại leo lên nấc thang mới, đầy nguy hiểm sau khi Lầu Năm Góc mở cuộc không kích nhằm vào đoàn hộ tống tại Sân bay quốc tế Baghdad vào ngày 3-1, khiến Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qasem Soleimani thiệt mạng.

Một chiếc xe bốc cháy ở Sân bay Quốc tế Baghdad sau cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad, Iraq hôm 3-1.   Ảnh: AP

Cuộc không kích lúc rạng sáng

Truyền hình nhà nước Iraq đưa tin: tướng Soleimani thiệt mạng trong vụ tấn công nhằm vào đoàn hộ tống tại Sân bay Quốc tế Baghdad vào lúc rạng sáng 3-1 (giờ địa phương). Tư lệnh lực lượng dân quân mang tên Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) ở Iraq, ông Abu Mahdi al-Muhandis cũng thiệt mạng trong vụ không kích này.

New York Times dẫn lời một vị tướng giấu tên trong quân đội Iraq cho biết, lúc vụ tấn công xảy ra, cả hai ông Suleimani và al-Muhandis vừa từ Syria đến sân bay Baghdad. Hai chiếc xe dừng ở cầu thang xuống của máy bay để đón họ và ngay sau đó bị tấn công khi rời sân bay. Theo thông báo của giới chức trách Iraq, 7 quả rocket  được phóng vào khu vực quanh Sân bay Quốc tế Baghdad. Nhưng chỉ huy dân quân địa phương Abu Muntathar al-Hussaini tiết lộ Mỹ còn sử dụng thêm tên lửa dẫn đường trong vụ không kích này. “Xe chở tướng Soleimani và al-Muhandis đang rời sân bay Baghdad đã trúng liên tiếp hai tên lửa dẫn đường từ trực thăng Mỹ. Kẻ thù đã nắm được thông tin chi tiết về lộ trình của đoàn xe”, ông al-Hussaini nói.

Lầu Năm Góc cũng xác nhận tướng Soleimani thiệt mạng trong cuộc không kích rạng sáng cùng ngày do Mỹ đứng đầu; và nhấn mạnh, cuộc không kích nhằm ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai và bảo vệ cho người Mỹ ở nước ngoài.

Lệnh của Tổng thống Trump

Các vụ không kích diễn ra sau khi ông chủ Lầu Năm Góc Mark Esper ngày 2-1 cảnh báo Washington sẽ tấn công phủ đầu lực lượng do Iran ủng hộ ở Iraq và Syria nếu các nhóm này lên kế hoạch tấn công các căn cứ hay nhân sự của Mỹ ở khu vực.

Ngay sau vụ không kích, Lầu Năm Góc xác nhận, chính Tổng thống Donald Trump đã ra chỉ thị về vụ tấn công này, nhằm đáp trả những hành động khiêu khích của Iran. Theo thông báo của Lầu Năm Góc, ông Soleimani đang phát triển những kế hoạch sắp đặt các cuộc tấn công nhằm vào các nhà ngoại giao và nhân viên Mỹ tại Iraq và Trung Đông. Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Ông ấy đã dàn xếp các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở liên minh ở Iraq trong một vài tháng qua - bao gồm cuộc tấn công hôm 27-12. Tướng Soleimani cũng phê chuẩn các cuộc tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad đã diễn ra trong tuần này. Vụ tấn công này nhằm chặn đứng các kế hoạch tấn công trong tương lai của Iran. Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra mọi hành động cần thiết để bảo vệ nhân dân và những lợi ích của mình khi họ ở bất cứ đâu trên thế giới”.

Iran ngay lập tức buộc tội Mỹ và Israel chịu trách nhiệm cho vụ việc này. Người phát ngôn chính phủ Iran nhấn mạnh: “Kẻ thù Mỹ và Israel chịu trách nhiệm cho việc giết hại lực lượng du kích Hồi giáo Abu Mahdi al-Muhandis và tướng Qassem Soleimani”. Quốc gia Hồi giáo này đã gửi công hàm phản đối đến một phái viên Thụy Sĩ, đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Tehran liên quan vụ việc này. Truyền hình nêu rõ: “Bộ Ngoại giao Iran đã triệu nhà ngoại giao Thụy Sĩ ở Tehran và trao công hàm phản đối”.

Lo ngại chiến tranh

Căng thẳng bùng nổ khi cuối tuần qua, các lực lượng Mỹ mở hàng loạt cuộc không kích nhằm vào lực lượng dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn, lực lượng mà Washington cáo buộc đã mở cuộc tấn công bằng tên lửa giết chết một nhà thầu quốc phòng Mỹ tại tổ hợp quân sự ở miền bắc Iraq. Ngay sau đó, Đại sứ quán Mỹ tại Iraq bị bao vây bởi dòng người biểu tình ủng hộ Iran. Họ xông vào khu vực tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad đập phá. Vụ việc khiến Tổng thống Trump triển khai thêm khoảng 750 binh sĩ Mỹ đến khu vực trên và khẳng định quốc gia Hồi giáo “sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm”.

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại, vụ không kích mới nhất của ông Trump là động thái leo thang nguy hiểm, có khả năng đẩy Mỹ-Iran đến bờ vực chiến tranh. Ngay chính ở trong nước Mỹ, thông báo của Lầu Năm Góc về việc ám sát vị tướng hàng đầu của Iran gây ra tranh cãi dữ dội tại Quốc hội. Các đồng minh của Tổng thống Trump tại Quốc hội nhanh chóng ca ngợi chiến dịch, nói vụ ám sát gửi thông điệp mạnh mẽ tới Iran và có thể là sự răn đe với các lực lượng do Tehran hậu thuẫn ở Iraq. Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng, việc tiêu diệt vị tướng hàng đầu của Iran có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh cao hơn và khiến lợi ích của Mỹ ở Trung Đông gặp rất nhiều rủi ro. “Soleimani là kẻ thù của Mỹ, đó là điều không cần bàn cãi. Nhưng câu hỏi là có phải quân đội Mỹ vừa ám sát người quyền lực thứ hai tại Iran mà không được Quốc hội phê chuẩn, dù biết điều này có thể khơi mào một cuộc chiến khốc liệt trong khu vực?”, thượng nghị sĩ Mỹ Chris Murphy viết trên Twitter.

Trong khi đó, cựu tư lệnh lực lượng quân sự Mỹ Wes Clark nhận định: “Không thể xem vụ việc lần này giống như chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Hành động tấn công lãnh đạo quân sự của một quốc gia có chủ quyền đã vượt xa mức độ phản ứng phù hợp với đe dọa nhằm vào đại sứ quán Mỹ, gây thêm khó khăn cho đồng minh Iraq”.

Sau vụ tấn công, giá dầu đã tăng vọt, trong đó, Brent tăng 4,4% lên 69,16 USD và WTI tăng 4,3% lên 63,84 USD. Vụ tấn công còn có nguy cơ gây bất ổn cho Iraq, nơi có mối quan hệ chính trị và quân sự chặt chẽ với cả Tehran và Washington. Mỹ đã lãnh đạo cuộc xâm lược năm 2003 chống lại cựu Tổng thống Saddam Hussein và đã làm việc chặt chẽ với các quan chức Iraq kể từ đó. Nhưng ảnh hưởng của Washington đã suy yếu so với Tehran, vốn đã xây dựng cẩn thận các mối quan hệ cá nhân với các chính trị gia và phe phái vũ trang ở Iraq, ngay cả dưới triều đại của ông Saddam. Các quan chức Iraq đã cảnh báo trong những tháng gần đây rằng, quốc gia của họ có thể được sử dụng như một đấu trường để giải quyết cuộc đối đầu giữa Iran và Mỹ.

Và điều lo sợ hơn nữa là việc Tehran, tất nhiên, cũng không thể ngồi im trước vụ tấn công này của Washington. Trong một tuyên bố gây chú ý, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ AliKhamenei đã thề sẽ “trả thù khốc liệt”. Trên mạng xã hội Twitter, đề cập đến tướng Soleimani, Đại giáo chủ Khamenei viết rõ: “Với sự ra đi của ông ấy, Chúa phù hộ, công việc và con đường của ông ấy sẽ không dừng lại, nhưng sự trả thù khốc liệt chờ đợi những kẻ tội phạm đã kích động những bàn tay dơ bẩn bằng máu của ông ấy và những người tử vì đạo khác trong vụ việc đêm qua”.

KHẢ ANH

TƯỚNG QASEM SOLEIMANI LÀ AI?

Tướng Qassem Soleimani (giữa) tham dự một cuộc họp tại Tehran, Iran.   Ảnh: ap

Việc tướng Soleimani thiệt mạng được cho là tổn thất lớn cho chính quyền Tehran. Vì sao nhân vật này quan trọng như vậy?

Tướng Soleimani là nhân vật rất thân cận với Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, và thường xuyên xuất hiện bên cạnh nhà lãnh đạo này trong những năm gần đây. Theo các nguồn tin, ông được coi là người quyền lực thứ 2 ở Iran, chỉ sau Lãnh đạo tối cao Khamanei. Đối với các chuyên gia quân sự phương Tây, tướng Soleimani lâu nay là “vị tướng quyền lực nhất ở Trung Đông” vì được cho là “kiến trúc sư” của hầu hết chính sách của Iran tại Trung Đông, trong đó có việc tạo ảnh hưởng ở Syria, tấn công Israel. Ở Syria, tướng Soleimani đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố quyền lực của chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đẩy lùi tổ chức cực đoan IS. Ông là người thành lập Lực lượng Phòng vệ quốc gia Syria, một lực lượng dân quân hiện hữu bên cạnh quân đội Syria, bao gồm hàng chục ngàn tay súng do Iran huấn luyện.

Với vai trò chỉ huy lữ đoàn đặc nhiệm al-Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), từ năm 1998, tướng Soleimani lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ al-Quds - đơn vị đặc nhiệm cực kỳ tinh nhuệ của IRGC, chuyên trách các chiến dịch lớn hoặc hoạt động bí mật ở nước ngoài, được cho là đang có khoảng 15.000 binh sĩ. Lực lượng al-Quds của ông chỉ báo cáo trực tiếp với Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Vì vị trí quan trọng này, tướng Soleimani từng nhiều lần dính tin đồn đã thiệt mạng: đó là vào năm 2006, khi một máy bay rơi khiến nhiều quan chức quân sự Iran thiệt mạng ở tây bắc Iran và năm 2012 trong vụ đánh bom ở thủ đô Damacus, Syria. Gần đây nhất, vào năm 2016, tin đồn tướng Soleimani thiệt mạng lại xuất hiện trong một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở thành phố Aleppo, Syria.

THANH VĂN