Mỹ: Nhân viên y tế đình công quy mô lớn

Thứ sáu, 06/10/2023 09:33
Hàng chục nghìn nhân viên y tế ở Mỹ đã đình công ngày 4-10, bắt đầu một trong những cuộc đình công lớn nhất trong ngành này trong những năm gần đây để phản đối tình trạng thiếu nhân sự.
Các nhân viên tập trung trước Trung tâm Y tế Los Angeles của Kaiser Permanente hôm 4-10. Ảnh: WSJ
Các nhân viên tập trung trước Trung tâm Y tế Los Angeles của Kaiser Permanente hôm 4-10. Ảnh: WSJ

Theo AFP, cuộc đình công của hơn 75.000 nhân viên y tế tại Kaiser Permanente, tổ chức chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận lớn nhất nước Mỹ, diễn ra trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Những nhân viên y tế tham gia cuộc đình công ở thành phố Los Angeles, bang California ngày 4-10 cho biết họ bị trả lương thấp và phải làm việc quá sức. "Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi đã mất đi nhiều đồng nghiệp và không bao giờ tìm lại được họ. Và bây giờ chúng tôi đang bên vực thẳm" - kỹ thuật viên X-quang Armando Velasco chia sẻ với AFP.

Trong khi đó, nữ y tá Kathy Lozoya tâm sự chi phí sinh hoạt tăng vọt ở nam California khiến cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn. "Kaiser Permanente báo cáo đã đạt lợi nhuận hàng tỷ USD, do đó tất cả những gì chúng tôi yêu cầu từ các lãnh đạo của Kaiser là chia sẻ lợi nhuận đó với những nhân viên y tế ở tuyến đầu" - cô Kathy Lozoya nói. Nữ y tá nhấn mạnh: "Tất cả những gì chúng tôi yêu cầu là một hợp đồng công bằng để chúng tôi có thể sống được".

Y tá Jessica Cruz, người làm việc tại Trung tâm Y tế Kaiser ở thành phố Los Angeles, phàn nàn: "Các giám đốc điều hành của Kaiser đang từ chối lắng nghe chúng tôi và đang mặc cả một cách thiếu thiện chí về các giải pháp mà chúng tôi cần để chấm dứt cuộc khủng hoảng thiếu nhân sự của Kaiser. Tôi thấy bệnh nhân của mình thất vọng khi tôi phải vội vàng bỏ mặc họ để phục vụ bệnh nhân tiếp theo. Đó không phải là sự chăm sóc mà tôi muốn thực hiện. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình khi cố gắng làm công việc của 2 hoặc 3 người và bệnh nhân của chúng tôi phải chịu đựng khi họ không thể nhận được sự chăm sóc cần thiết do nhân sự thiếu hụt".

Các cơ sở của Kaiser Permanente ở thủ đô Washington, Virginia, California, Colorado, Oregon và bang Washington dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công kéo dài ba ngày. Đại diện của Kaiser Permanente cho biết các trung tâm của họ sẽ vẫn mở cửa, nhưng lưu ý thời gian chờ đợi sẽ "dài hơn bình thường".

Để giảm thiểu tác động tới bệnh nhân, Kaiser cho biết họ đã thuê hàng nghìn nhân viên tạm thời. Và nếu cần thiết, công ty sẽ hoãn một số buổi hẹn và giới thiệu bệnh nhân sang các hiệu thuốc bán lẻ hoặc các bệnh viện không thuộc hệ thống Kaiser. Công ty khẳng định: "Nhu cầu cấp thiết của thành viên hệ thống và bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi".

Ngày 4-10, người phát ngôn của Kaiser Permanente thông tin các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục. Người phát ngôn của Kaiser cho biết "đã đạt được một số thỏa thuận về các điều khoản cụ thể" với Liên minh các công đoàn, đồng thời cho hay các nhà đàm phán đã sẵn sàng gặp nhau suốt ngày đêm "cho đến khi chúng tôi đạt được thỏa thuận công bằng".

Kaiser, có trụ sở tại thành phố Oakland, bang California, là cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực y tế. Kaiser tiên phong trong việc kết hợp giữa các công ty bảo hiểm y tế, bệnh viện và văn phòng bác sĩ nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao với chi phí phải chăng. Hệ thống này phục vụ 12,7 triệu thành viên tại 40 bệnh viện và hơn 620 văn phòng y tế, chủ yếu ở khu vực Bờ Tây. Kaiser đã đề xuất tăng lương từ 12,5% đến 16% trong tổng cộng 4 năm, tùy thuộc vào địa điểm. Phía công đoàn nói rằng mức tăng này không đủ để bù đắp lạm phát. Họ yêu cầu mức tăng lương 24,5%, tờ WSJ cho hay. Tình hình tài chính của Kaiser đã phục hồi sau khi sụt giảm vào năm 2022 do lạm phát và sức nóng của thị trường lao động. Kaiser báo cáo lợi nhuận ròng 3,3 tỷ USD và doanh thu 50,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023.

Cuộc đình công lần này diễn ra trong một năm mà mức độ đình công cao bất thường ở Mỹ. Trước đó, Mỹ đã chứng kiến các cuộc đình công lớn của lao động ngành ô-tô và đội ngũ nhà biên kịch Hollywood. Chỉ trong 8 tháng đầu năm, Mỹ đã mất nhiều ngày làm việc vì xung đột lao động hơn bất kỳ năm nào khác kể từ năm 2000. Người lao động phải vật lộn với mức lạm phát chưa từng thấy trong một thế hệ. Giá cao hơn đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng trên khắp đất nước, trong khi việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng nhiều đã dẫn đến mối lo ngại về sự tự động hóa ngày càng tăng.

AN BÌNH