Mỹ ra "tối hậu thư" với Israel

Thứ bảy, 06/04/2024 16:20
Ngày 4-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đe dọa sẽ đặt điều kiện cho việc ủng hộ cuộc tấn công của Israel ở Gaza để nước này thực hiện các bước cụ thể để bảo vệ nhân viên cứu trợ và dân thường. Động thái đánh dấu lần đầu tiên Washington tìm cách tận dụng viện trợ của Mỹ để tác động đến hành vi quân sự của Israel.
Chiếc xe của tổ chức viện trợ lương thực World Central Kitchen (Mỹ) bị phá hủy sau khi trúng không kích của Israel tại Dải Gaza hôm 2-4. Ảnh: Getty
Chiếc xe của tổ chức viện trợ lương thực World Central Kitchen (Mỹ) bị phá hủy sau khi trúng không kích của Israel tại Dải Gaza hôm 2-4. Ảnh: Getty

Dùng viện trợ để gây sức ép

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4-4 đã có cuộc điện đàm khá căng thẳng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Tóm tắt nội dung cuộc điện đàm kéo dài 30 phút này, Nhà Trắng cho biết: "Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên cứu trợ và dân thường là không thể chấp nhận được". Thông cáo nêu thêm: "Tổng thống nói rõ rằng Israel cần phải công bố và thực hiện một loạt các bước cụ thể để giải quyết tổn hại dân sự, sự an toàn của nhân viên cứu trợ. Tổng thống tuyên bố, sự hỗ trợ của Mỹ sẽ dựa trên đánh giá về hành động ngay lập tức của Israel đối với các bước đi này".

Bằng cách ngụ ý rằng Mỹ có thể thay đổi chính sách đối với Gaza nếu Israel không giải quyết vấn đề nhân đạo ở vùng đất Palestine, Tổng thống Biden đã thể hiện sự thất vọng của bản thân cùng với áp lực ngày càng tăng từ phe cánh tả trong đảng Dân chủ Mỹ nhằm ngăn chặn số người thương vong và giải quyết nạn đói tại Dải Gaza. Đây được cho là lần đầu tiên ông Biden dùng viện trợ để gây sức ép đối với chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza. Đó cũng là cảnh báo cứng rắn nhất của Nhà Trắng kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra cách đây 6 tháng. Mike Singh, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phụ trách vấn đề Trung Đông, nhận định nếu Israel không đáp ứng được yêu cầu, Mỹ nhiều khả năng sẽ đề xuất một nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tương tự nghị quyết đã chấm dứt xung đột Israel - Hezbollah năm 2006.

Israel cho phép chuyển hàng viện trợ qua biên giới

Ngay sau cảnh báo này của Washington, ngày 5-4, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này sẽ cho phép tạm thời chuyển hàng viện trợ qua biên giới với phía Bắc Dải Gaza, đánh dấu lần đầu tiên Israel mở lại cửa khẩu Erez kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 10-2023. Theo tuyên bố, Israel sẽ cho phép tạm thời chuyển hàng viện trợ nhân đạo qua cảng Ashdod và cửa khẩu Erez, cách Gaza khoảng 40 km về phía Bắc, để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ngoài ra, chính quyền cũng sẽ cho phép tăng viện trợ của Jordan thông qua Kerem Shalom, một cửa khẩu biên giới ở miền Nam Israel.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh áp lực quốc tế ngày càng gia tăng đối với Israel sau khi nước này nhận trách nhiệm về vụ không kích khiến 7 nhân viên cứu trợ thiệt mạng.

600 luật sư kêu gọi Anh ngừng bán vũ khí cho Israel

Theo trang middleeastmonitor.com ngày 4-4, 600 chuyên gia pháp lý của Anh đã ký thư ngỏ gửi Thủ tướng Rishi Sunak, cho rằng chính phủ Anh có nguy cơ vi phạm luật pháp quốc tế nếu tiếp tục xuất khẩu vũ khí sang Israel. Các luật sư cảnh báo rằng Anh có nghĩa vụ pháp lý phải hành động để ngăn chặn nạn diệt chủng, nhất là sau khi Tòa án Công lý Quốc tế nhận thấy rằng hành động của Israel có thể được coi là có ý định tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một quốc gia, sắc tộc, chủng tộc hoặc nhóm tôn giáo.

Thông điệp cốt lõi của bức thư dài 17 trang nhấn mạnh rằng, Anh cần phải cấp bách giải quyết tình hình bi thảm ở Gaza. Bức thư cũng chỉ trích các bộ trưởng trong chính phủ Anh không đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan đến việc bán vũ khí cho Israel và ngừng viện trợ cho Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA). Bức thư nêu rõ: "Mặc dù chúng tôi hoan nghênh chính phủ Anh kêu gọi ngày càng mạnh mẽ Israel ngừng cuộc chiến và đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza, nhưng khi tiếp tục bán vũ khí cho Israel và cảnh báo ngừng viện trợ cho UNWRA, thì chính phủ Anh đang không tuân thủ nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế". Bức thư nói thêm rằng thông qua các biện pháp hợp pháp, Anh phải thực hiện các động thái ngay lập tức để chấm dứt các nguy cơ nghiêm trọng ở Gaza. Theo các luật sư, nếu không tuân thủ các nghĩa vụ theo công ước về diệt chủng thì nhà nước Anh phải chịu trách nhiệm về việc phạm phải sai lầm quốc tế.

AN BÌNH