Mỹ thuật đề tài chiến tranh cách mạng: Cần có cách tiếp cận mới...

Thứ hai, 05/06/2023 15:26
Họa sĩ Trịnh Bá Quát - Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đặc công, khẳng định mỹ thuật đề tài chiến tranh cách mạng vẫn rất hấp dẫn. Tuy nhiên, nó cần một cách tiếp cận mới.
Biển thức. Tranh: Lương Nguyên Minh
Người đẹp thời chiến. Tranh: Nguyễn Hải Nghiêm.

Thực tế chỉ ra rằng, việc những tác phẩm mỹ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng ít xuất hiện trong đời sống mỹ thuật đương đại (sáng tác, cửa hàng bán tranh, triển lãm...) không phải vì đề tài này chẳng còn gì để vẽ. Họa sĩ Nguyễn Việt Anh, giảng viên Mỹ thuật Trường Đại học Hải Phòng, nhìn nhận: "Có rất nhiều lý do khiến họa sĩ trẻ - những người sinh sau năm 1975 - ngại chạm tới đề tài chiến tranh cách mạng. Thứ nhất, họa sĩ trẻ thiếu thực tế (chưa trải qua chiến tranh), thiếu tư liệu (về các loại súng, quân trang, quân bị và các tình huống của chiến tranh), thiếu hiểu biết (về đời sống, kinh nghiệm sống của người lính). Thêm nữa, cuộc sống cơm áo gạo tiền hiện nay buộc họa sĩ trẻ phải đưa ra lựa chọn vẽ những đề tài mà tranh dễ bán hơn tranh về đề tài chiến tranh cách mạng để mưu sinh. Bởi thiếu hụt thực tế chiến tranh nên họa sĩ trẻ phải tự tiếp cận, xử lý đề tài chiến tranh cách mạng qua các tác phẩm văn học và qua lịch sử. Cách tiếp cận gián tiếp đó, ít mang lại cảm xúc và rất khó để họa sĩ trẻ tải hết những hiện thực bề bộn của cuộc chiến, cùng sự cam go, quyết liệt, chất bi tráng trong mỗi trận đánh lên tranh".

Họa sĩ Nguyễn Việt Anh nói thêm: "Tuy nhiên, vượt lên tất cả, họa sĩ trẻ phải xuất phát từ tình yêu và ý thức trách nhiệm nghề nghiệp thì mới có những tác phẩm vẽ đề tài chiến tranh cách mạng tốt về nội dung, đẹp về hình thức". Một gương mặt kỳ cựu trong giới mỹ thuật quân đội - họa sĩ Nguyễn Hải Nghiêm cũng khẳng định, mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng đề tài chiến tranh cách mạng không bao giờ cũ. Nó vẫn là một cái gì đấy luôn canh cánh trong lòng những người từng là lính trận như ông. "Bây giờ, khi đã có một khoảng thời gian lùi để nhìn lại cuộc chiến tranh vệ quốc vừa qua, cũng như số phận của những con người tham gia cuộc chiến đó, chúng tôi dường như thấy rõ hơn những niềm thương, nỗi nhớ và cả nỗi đau. Nó là những giá trị rất thật để người họa sĩ tiếp tục tâm tưởng, nghĩ ngợi, thẩm thấu, rồi đẩy vào tranh hình tượng người lính không chỉ mang đậm dấu ấn của quá khứ, còn hướng tới vẻ đẹp của tương lai" - họa sĩ Nguyễn Hải Nghiêm tâm sự.

Biển thức. Tranh: Lương Nguyên Minh

Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa - Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đặc công, họa sĩ Trịnh Bá Quát cũng cho rằng, mỹ thuật về người lính vệ quốc vẫn rất hấp dẫn. Vấn đề của họa sĩ là khai thác nó như thế nào để đẻ ra những tác phẩm mỹ thuật mang tầm vóc lớn, đủ rộng (so về không gian) và đủ dài (so về thời gian), thậm chí bao quát cả một cuộc chiến. Muốn làm được điều đó, họa sĩ phải thay đổi cách tiếp cận đề tài, từ chính sự nhập thể của mình, bên cạnh sự trợ sức của xã hội trong nhìn nhận và đánh giá.

"Nhà nước nên nghiên cứu, giao đề tài cho các họa sĩ chuyên đề tài chiến tranh cách mạng. Tập trung vào những dấu ấn nổi tiếng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như Chiến thắng Bạch Đằng, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chiến thắng Cửa Việt, Mùa hè Quảng Trị năm 1972, Đường Hồ Chí Minh trên biển, Trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Ngày thành lập Đảng, Ngày thành lập Quân đội... Sau đó, hình ảnh người lính trong thời đại 4.0, người lính làm nhiệm vụ quốc tế, người lính sau cuộc chiến quay trở về đời thường..." - họa sĩ Trịnh Bá Quát đề xuất. "Họa sĩ trẻ phải coi đề tài chiến tranh cách mạng là một sự tri ân của mình với những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Phải tạo được niềm đam mê, sự hứng khởi từ trong tư tưởng thì mới sáng tác được những tác phẩm mỹ thuật xứng tầm lịch sử, mới thực sự lay động người xem. Ngoài ra, kích cầu bằng hình thức mua tranh cũng là cách giúp họa sĩ tái tạo sự sáng tạo"- họa sĩ Nguyễn Việt Anh bổ sung thêm.

Trí Tâm