Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình
Nghĩa tình sâu nặng
Thượng tướng Lê Thế Tiệm - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an trong mỗi dịp ôn lại truyền thống của lực lượng An ninh QuảngĐà, đều nhắc rằng: Quảng- Đà là vùng đất quân địch đã thực hiện nhiều đánh phá, càn quét ác liệt. Đồn bót dày đặc, chúng chà đi sát lại từ đồng bằng đến miền núi. Tình hình lúc bấy giờ khó khăn, nhưng cùng với người con Quảng- Đà, biết bao cán bộ CA ưu tú, kiên trung nơi đất cảng Hải Phòng, quê hương Thanh Hóa anh hùng kết nghĩa chi viện cho lực lượng an ninh Quảng- Đà vẫn kiên trung đấu tranh, góp sức làm nên những chiến công vang dội.
Thứ trưởng Bộ CA Nguyễn Văn Sơn cùng đoàn công tác thăm, tri ân các gia đình, cán bộ ANQĐ tại Thanh Hóa. |
Thượng tướng Lê Thế Tiệm kể rằng, quân Mỹ thời đó án ngữ vùng căn cứ, quân ngụy dùng trực thăng dưới chân núi lùng sục; máy bay B52 rải thảm bom giữa núi rừng trùng điệp, nhất là vùng giải phóng Điện Bàn, Gò Nổi. Sự ác liệt ở miền Nam lúc bấy giờ, ai không biết đến câu: “Nhất Củ Chi, nhì Gò Nổi”. Nhưng vượt qua muôn vàn gian khổ, lực lượng an ninh Quảng- Đà đã lập nhiều chiến công lẫy lừng.
Gần 10 lần tôi theo đoàn lãnh đạo Đà Nẵng, Quảng Nam và CA 2 địa phương ngược ra Thanh Hóa, Hải Phòng tri ân các gia đình liệt sĩ an ninh Quảng- Đà năm xưa. Chuyến đi nào cũng đong đầy cảm xúc. Có những chặng đường đồi dốc, núi non cả vài trăm cây số đến vùng đất Thạch Thành, Thiệu Hóa (Thanh Hóa); Tiên Lãng (Hải Phòng)..., nhưng đoàn công tác vẫn quyết đến tận nơi, thắp cho đồng đội nén nhang thành kính, động viên người thân liệt sĩ trong vòng tay ôm chặt. Tại gia đình liệt sĩ Lưu Văn Sở, Nguyễn Khắc Tưởng (Thanh Hóa); Vũ Đức, Hoàng Văn Nghỉ, Phạm Đình Sau... (Hải Phòng), những người đồng đội cũ đứng lặng bên di ảnh người đồng chí đồng đội như đang ôn lại một thời vào sinh ra tử, cùng chung nhau củ sắn, rau rừng.
Và cũng nhớ như nằm lòng hoàn cảnh gia đình nhiều liệt sĩ đã anh dũng nằm lại trên chiến trường, liệt sĩ Nguyễn Khắc Tưởng nhận sự điều động của cấp trên năm 1968, chia tay vợ và 4 con nhỏ lên đường vào chiến trường. Một đêm đi tổ chức họp dân tại địa bàn Quế Kỳ (Quế Sơn) năm 1972, ông hy sinh. Bà Nguyễn Thị Đáng (1936) - vợ liệt sĩ bảo rằng, từ khi chồng lên đường, bà không một lần được gặp lại nữa. Sau 3 lần vào Đà Nẵng thăm mộ chồng, năm 1996 với sự giúp đỡ tận tình của đồng đội cũ, bà đã đưa được hài cốt của ông về quê tiện việc hương khói. Hay sự hy sinh của liệt sĩ Bùi Văn Dừa, đến nay gia đình vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Bà Nguyễn Thị San (vợ liệt sĩ) cho hay, có lần vào Hội An (Quảng Nam) được nghe chồng mình hy sinh cùng những đồng đội khác trong cùng một trận đánh, và có gia đình đồng đội với liệt sĩ đã bao năm hương khói cho chồng, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được gia đình này. Bà vẫn mong CA TP Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ giúp bà cùng gia đình tìm thấy hài cốt chồng, để vơi bớt sự mong mỏi.
Những lần thăm thân nhân các liệt sĩ, có chuyến đi dù đã 8, 9 giờ tối, nhưng khi nghe cán bộ chính sách CA tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng kể có một cán bộ tăng cường vừa qua đời, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn- Thứ trưởng Bộ CA và Trung tướng Lê Ngọc Nam (đã nghỉ hưu) vẫn tìm ngay đến nhà bằng xe máy.
Thứ trưởng Bộ CA Nguyễn Văn Sơn cùng đoàn công tác trong một chuyến thăm, tri ân các gia đình liệt sĩ tại Hải Phòng. |
Hạnh phúc thời bình
Chuyến thăm nào cũng vậy, đoàn công tác luôn thấy hạnh phúc khi biết trên quê hương Thanh Hóa, Hải Phòng, thế hệ con cháu của các anh hùng liệt sĩ, cán bộ an ninh Quảng- Đà năm xưa đã và đang tiếp bước truyền thống cha anh, viết tiếp những chiến công. Bác Lê Huỳnh Quyên (74 tuổi, ở đường Lê Thánh Tông, Hải Phòng), trở về thời bình tham gia các buổi sinh hoạt tổ dân phố hay họp gia đình, luôn lấy tấm gương anh dũng của những đồng chí, đồng đội của mình nhắc nhớ con cháu, phải lấy đó làm tấm gương, phấn đấu rèn luyện, trở thành người có ích cho xã hội. Hôm nay, 2 người con của bác đang công tác tại CATP Hải Phòng cũng liên tiếp lập chiến công, nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua.
Cách đây 3 năm, khi đến thăm gia đình liệt sĩ Vũ Đức (H. Tiên Lãng, Hải Phòng), Trung tướng Nguyễn Văn Sơn vui mừng khôn xiết bởi cả 4 người con của liệt sĩ đều đã trưởng thành, cống hiến tài trí cho sự phát triển của ngành CA và đều là những chiến sĩ ưu tú.
Còn nhiều lắm những người con, người cháu của các liệt sĩ, an ninh Quảng- Đà năm xưa nay đang còn sống cũng đã rất trưởng thành. Minh chứng cho điều ấy, trong chuyến thăm hơn 10 gia đình liệt sĩ tại Thanh Hóa và Hải Phòng mới đây, chúng tôi biết có tới gần 40 người con của liệt sĩ đã tốt nghiệp đại học các ngành CA, y khoa, bách khoa, ngoại giao... hiện đang phục vụ công tác tại quê hương và trên cả nước. Thế hệ cháu liệt sĩ cũng có tới trên 100 em hiện là sinh viên đại học, trong đó nhiều em thi đỗ và theo học đại học an ninh, cảnh sát, nguyện ra trường viết tiếp những chiến công như cha ông mình. “Những chuyến thăm, tri ân các liệt sĩ chỉ là nghĩa cử nhỏ, không thể so sánh với công lao và sự hy sinh của các bậc cha, anh vì sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước để chúng ta được hưởng độc lập. Vì vậy, mỗi CBCS CATP Đà Nẵng, CA tỉnh Quảng Nam phải tiếp tục phát huy truyền thống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ an ninh chính trị mà Đảng, nhân dân và ngành giao phó; quan tâm chăm lo, hỗ trợ tốt hơn cho thân nhân các liệt sĩ và các con, các cháu liệt sĩ học hành nên người, tiếp tục noi gương truyền thống cha ông, viết tiếp trang sử hào hùng” - Trung tướng Nguyễn Văn Sơn luôn dặn dò CBCS trong những chuyến thăm, lễ gặp mặt cán bộ ANQĐ.
CÔNG HẠNH