"Ngậm đắng nuốt cay" vì mua phải nhà xây dựng trái phép
Khóc ròng vì bỏ gần tỷ bạc mua nhà xây chui
Trao đổi với phóng viên, các hộ dân cho biết, từ năm 2021 qua thông tin giới thiệu của một số người, trong tổ 130 có 8 hộ mua nhà đã xây dựng hoàn chỉnh và chuyển về ở. Đầu tháng 8-2022, UBND P. Hòa Minh ra thông báo về việc xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, các trường hợp nói trên tá hỏa vì có tên trong danh sách, tìm hiểu thì mới biết mình mua phải nhà xây dựng trái phép. Trước nguy cơ trắng tay, số hộ này gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng thành phố xin cứu xét.
Nhà ông Trần Văn Cây (72 tuổi) có 6 nhân khẩu cùng sống đang đối diện với nguy cơ không có nơi ở nếu ngôi nhà ông vừa mua ở gần một năm qua bị tháo dỡ theo thông báo của chính quyền địa phương. Ông Cây kể lại, đang bí bách về chỗ ở thì có thông tin rao bán ngôi nhà cấp 4 đã xây dựng hoàn chỉnh có diện tích 90m2 (tại thửa đất số 317, tờ bản đồ số 12 tại P. Hòa Minh) của ông Nguyễn Sanh (trú trên địa bàn phường). Trước khi mua bán, ông Sanh cung cấp cho gia đình ông các giấy tờ liên quan như: đơn xin xác nhận có nhà ở do UBND P. Hòa Minh xác nhận ngày 7-8-2017, đơn xin giao đất xây nhà ở cũng do UBND P. Hòa Minh xác nhận ngày 6-4-2000, cùng hợp đồng điện, nước đầy đủ. Thấy căn nhà hợp với khả năng tài chính của gia đình, ông tin tưởng mua với giá 950 triệu đồng.
Đến ngày 3-8 vừa qua, ông Cây và các hộ dân xung quanh tá hỏa khi nhận được thông báo của UBND P. Hòa Minh về việc xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, buộc phải tháo dỡ. Chạy đôn chạy đáo để hỏi thì ông Cây mới biết ngôi nhà mà mình đang ở là ông Sanh tự ý chiếm dụng đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý để xây lên và bán lại. "Thấy nhà xây kiên cố, kèm giấy tờ có dấu đỏ xác nhận của chính quyền địa phương nên chúng tôi tin tưởng. Nếu biết nhà trái phép, gia đình đã không bỏ số tiền lớn như vậy để mua. Giờ mà đập nhà, gia đình không biết sẽ sống ra sao. Chúng tôi đã bị lừa mua nhà trái phép, chỉ mong cơ quan chức năng có cách nào giúp người dân", ông Cây trình bày.
Gần nhà ông Cây, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền (44 tuổi) cũng mua nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố, khang trang tại thửa đất 317, tờ bản đồ số 12 từ ông Nguyễn Tấn Hùng (trú P. Hòa Minh) vào tháng 2-2021. Ngôi nhà có diện tích 90m2 được ông Hùng bán với giá 760 triệu đồng. Thời điểm mua bán, ông Hùng cũng giao cho chị Tuyền đơn xin giao đất, đơn đề nghị xác nhận có nhà như ông Cây… Từ tháng 8-2021 gia đình bà Tuyền trả đủ tiền, nhận nhà và chuyển về đây ở. "Họ chiếm dụng đất nông nghiệp xây nhà nhưng từ đầu chính quyền không có biện pháp xử lý, cưỡng chế. Chúng tôi đang bí bách về chỗ ở thì mừng vì mua được nơi an cư, không ngờ mình đã bị lừa. Tiền thì đưa cho người ta rồi, giờ mà mất nhà nữa thì không biết phải làm sao", bà Tuyền nói như khóc.
Qua tìm hiểu của phóng viên, các căn nhà đều xây dựng trên cùng một khu đất nhưng do nhiều người đứng tên khi giao dịch. Khi nhận được quyết định về việc cưỡng chế công trình vi phạm trật tự đô thị, họ chạy khắp nơi để tìm gặp người bán bàn cách giải quyết thì bị từ chối, né tránh.
Vướng dịch, địa bàn rộng nên không phát hiện được!
Ông Đinh Hữu Phúc - Chủ tịch UBND P. Hòa Minh cho biết, khu vực tổ 130 nằm trong quy hoạch giải tỏa để làm đường vành đai số 2 đã được đo đạc, kiểm kê. Qua kiểm tra, rà soát, vừa qua cơ quan chức năng phường phát hiện có 8 ngôi nhà được xây dựng trái phép. Theo lý giải của ông Phúc, lợi dụng thời điểm chính quyền lo tập trung lực lượng phòng chống dịch COVID-19 nên một số người đã tiến hành xây dựng nhà trái phép và bán lại cho người dân. Địa bàn phường rộng, vụ việc xảy ra tại khu vực khá xa khu dân cư nên không phát hiện và xử lý từ đầu. Mãi đến sau dịch COVID-19, UBND phường đi kiểm tra thì mới phát hiện, và theo quy định thì việc xây dựng trái phép buộc phải tháo dỡ. Nếu người dân không thực hiện thì cơ quan chức năng phải cưỡng chế.
Cũng theo Chủ tịch UBND P. Hòa Minh, các trường hợp mua bán nhà xây trái phép tại tổ 130 đều không hề thông tin với chính quyền cũng như khu dân cư. Khi cơ quan chức năng đến làm việc thì các hộ dân không đồng ý tháo dỡ vì họ nói là không trực tiếp xây mà chỉ mua rồi dọn về ở. Việc xử lý nhà đã qua mua bán rất khó nên phường chỉ tổ chức tháo dỡ 3 nhà bị phát hiện khi đang trong quá trình giao dịch, hiện không có người ở. Sau khi ra thông báo đề nghị tháo dỡ, thực hiện các bước cưỡng chế, nhận thấy sự việc phức tạp nên đang dừng và báo cáo quận hướng xử lý phù hợp. Hiện tại chính quyền địa phương đang phối hợp người dân tìm người xây nhà trái phép để 2 bên thỏa thuận với nhau, sau đó mới xử lý công trình xây trái phép. "Chính quyền sẽ mời làm việc với người mua và người bán để tìm phương án thỏa thuận. Nếu 2 bên không thỏa thuận được, phường sẽ cưỡng chế tháo dỡ công trình, sau đó chuyển cơ quan Công an xử lý các hành vi phạm pháp luật, buôn bán nhà trái phép, có dấu hiệu lừa đảo. Trường hợp 2 bên đạt được thỏa thuận, hoàn trả tiền, chính quyền sẽ hướng dẫn và hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống. Nếu không được sẽ hướng dẫn, hỗ trợ người dân khởi kiện ra tòa", ông Phúc cho hay.
Với các giấy tờ xác nhận mà người dân đang giữ khi mua nhà, ông Phúc cho rằng rất vô lý vì nhà mới xây nhưng giấy tờ xác nhận ký từ từ năm 2000 và 2017. Hiện phường đang tiến hành kiểm tra xác minh và sẽ gửi cơ quan Công an điều tra xem giấy tờ có hợp pháp hay không. Chính quyền địa phương sẽ vào cuộc quyết liệt để bảo vệ quyền lợi cho người dân vì khu vực này đã kiểm kê đo đạc xong. Khi dự án triển khai sẽ không được đền bù bất cứ khoản nào.
Công Khanh