Ngẩn ngơ nhớ… xương rồng…
Nơi ấy, cát níu lấy chân người, cát cháy như rang những đôi chân trần gầy guộc, đen thui thủi. Những nổng cát chạy dài tít tắp xóm thôn quanh năm nắng gió bời bời. Tôi lớn lên đã thấy những đám cây xương rồng mọc nhiều vô kể, từng đám xương rồng trên nổng cát nghĩa địa phía sau nhà, xương rồng mọc lô nhô quanh những cái ao cát nhỏ, trên những con đường cát nhỏ ngoằn ngoèo, bên bờ những đám thổ cư, rau màu quanh làng quanh xóm.
Ở vùng cát Hà My quê tôi, cây xương rồng có 2 loại phổ biến và thường gọi bằng nhiều tên. Dân gian thường gọi tên là gai long, lưỡi long hoặc là xương rồng. Có lẽ, đây là cách gọi theo lối tượng hình, vì thân hình nó giống như thân con rồng, vây con rồng, lưỡi con rồng, mình con rồng. Là tôi nghĩ vậy, chớ thật ra đó chẳng qua cũng là sự mô phỏng đơn giản vậy thôi, chứ từ khi khai thiên lập địa đến giờ có ai đã thực sự thấy được bóng dáng con rồng bằng xương bằng thịt trên đời này đâu. Cây được gọi là lưỡi long thân dẹp như chiếc lá, mọc lệch và nối chồng lên như từng chiếc lá xếp nối tiếp. Cây gọi xương rồng hình vuông, góc cạnh, có 4 hoặc 5 cạnh đầy gai lởm chởm, mọc thẳng đứng, cây nọ nối cây kia như mắt của mỗi đốt cây tre.
Xương rồng là loại cây không cần gieo trồng, chăm sóc, tưới tắm nhưng vẫn tự nhiên mọc giữa đất trời. Qua bao năm tháng mưa gió bão bùng, lũ lụt, hạn hán… vẫn trải một màu xanh bất tận, thân cây lúc nào cũng căng mọng nước an nhiên tồn tại, bền bỉ dẻo dai, tràn đầy sức sống cùng năm tháng mùa màng.
Chuyện kể rằng, những năm tháng chiến tranh giặc giã tứ bề, ở vùng cát quê tôi, cùng với cây chông tre vót đào chôn thành từng hầm, những hàng rào tự nhiên bằng cây xương rồng cũng đã góp phần làm chướng ngại vật ngăn cản bước lùng sục của những đoàn lính bộ binh địch đi càn giày xéo xóm làng. Sau ngày đất nước thống nhất, một thời chưa xa, cây xương rồng giúp người dân quê tôi làm hàng rào che chắn nhà cửa, ruộng vườn. Và khi mà nguyên vật liệu xây dựng còn khan hiếm, thân cây xương rồng cùng với các loại vôi vữa làm chất phụ gia cho nguyên liệu để làm nhà cửa, khá bền.
Cây xương rồng đã đi qua tuổi thơ tôi không phải bằng sự yêu thương, trân quý như những loài cây gần gũi, thân quen khác mà là một nỗi sợ hãi kinh hoàng khi vô tình dẫm đạp phải gai của nó vào chân, đâm vào tay đau điếng, sưng vù đến mấy ngày sau. Có lẽ, với nhiều đứa trẻ lớn lên từ vùng quê cát cằn cỗi như tôi, xương rồng cũng chỉ là loại cây thoáng qua trong tâm trí như bao loài cây hoang dại khác, không để lại nhiều kỷ niệm trong ngăn ký ức tuổi thơ. Có chăng là những kỷ niệm thoáng qua về một loài cây có hoa tỏa một mùi thơm nồng nồng đến nao lòng, là trái lưỡi long mọng nước, chín đỏ tươi một màu như máu, ăn vào ngọt lịm đầu lưỡi của đám con nít không chịu ngủ trưa đi hái các loại trái cây dại quanh xóm hay đi bắt chim, bắt cá phơi nắng ngoài đồng mà thôi…
Thế rồi một hôm, ghé đại lý hoa cây cảnh trên một con phố nhỏ gần nhà mua vài chậu cây về để ngoài sân vườn cho vui, tôi chợt ngẩn ngơ khi thấy những chậu xương rồng bonsai xếp ngay ngắn trên kệ gỗ, chậu trên chậu dưới, hàng hàng lớp lớp ngay thẳng trông rất đẹp mắt. Những cây xương rồng được trồng trong chậu kiểng như vậy giá không hề rẻ, cả trăm nghìn đồng mới sở hữu được một chậu xương rồng nhỏ xíu. Và một buổi sáng thức dậy, tôi thoáng thấy trên ban công nhà hàng xóm những chậu xương rồng nhỏ xíu phơi mình trong nắng sớm ban mai. Không hiểu sao, tôi bỗng nhớ đến những nhành lưỡi long gai góc nhọn hoắt mọc um tùm như thách thức cả trời đất, những cánh hoa xương rồng phẳng phiu nơi miền gió cát bời bời quê nhà yêu dấu…
Chợt nghĩ về đời sống diệu kỳ của loài cây xương rồng. Sự chịu đựng dẻo dai, sức sống mãnh liệt và ý chí vươn lên bền bỉ qua bao nắng mưa, giông bão mà vẫn thầm lặng dâng cho đời vẻ đẹp thô mộc, bình dị, như người nông dân quê tôi một đời tảo tần với ruộng nương đồng bãi trong nắng gió, bão giông… Hình như tôi đã đọc đâu đó, một triết lý giản đơn trong đời sống của cỏ cây hoa lá trên trần gian này, rằng, loài cây nào cũng có vẻ đẹp riêng của nó và đều hữu ích khi được con người nuôi dưỡng, nâng niu chăm sóc, gần gũi để dâng cho đời những khoảnh khoắc tỏa ngát những yêu thương…
Đinh Văn Dũng