Nghệ An: 7 người tử vong và mất tích,hơn 13.000 ngôi nhà bị ngập

Thứ bảy, 01/10/2022 23:24
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 (bão Noru), từ ngày 28 đến ngày 30-9, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa lớn, tổng lượng mưa phổ biến từ 200-470 mm. Mưa lụt đã làm 6 người tử vong, 1 người mất tích, hơn 8 nghìn nhà dân bị ngập...
Lực lượng chức năng và người dân trắng đêm gia cố sự cố vỡ đê.
Nhiều nhà dân ở huyện Quỳnh Lưu bị ngập sâu.

Bất lực nhìn tài sản trôi theo nước

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, mưa lũ đã làm 6 người tử vong, 1 người mất tích (trong đó, huyện Nghi Lộc 3 người, Thanh Chương 2 người, Diễn Châu 1 người, Nam Đàn Vinh 1 người); toàn tỉnh có 13.576 ngôi nhà bị ngập (trong đó Quỳnh Lưu 6.810 nhà; Hưng Nguyên 2.794 nhà; Thanh Chương 1.319 nhà; Yên Thành 1.962 nhà; Anh Sơn 226 nhà, Thị xã Hoàng Mai 34 nhà; Nam Đàn 173 nhà; Nghĩa Đàn 32 nhà, Tân Kỳ 213 nhà, Nghi Lộc 13 nhà), hiện tại nước đang rút chậm. Toàn tỉnh có 764 hộ phải di dời, 11 nhà thiệt hại trên 70%; 94 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 38 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; có 3 xã (huyện Con Cuông); 40 xóm, bản (huyện Con Cuông và Thanh Chương) bị cô lập. Mưa lũ gây thiệt hại hơn 1.153ha lúa; hơn 7.403ha hoa màu, 400 con gia súc bị chết và cuốn trôi; hơn 65 nghìn con gia cầm bị chết và cuốn trôi. Mưa lũ cũng làm 33 điểm trường bị thiệt hại, trong đó, 1 phòng học bị tốc mái; 150m tường rào trường học bị sập; nhiều đoạn đường bị ngập, sạt lở, đê, đập, mương bị vỡ, cầu cống bị hư hỏng, cuốn trôi. Mưa lụt cũng khiến cho nhiều quốc lộ, tỉnh lộ bị chia cắt, sạt lở. Trong đó QL48, QL16 và QL1A qua địa phận Thị xã Hoàng Mai cũng bị ngập nặng.

Xã Quỳnh Hồng là một trong những xã bị ngập sâu nhất của huyện Quỳnh Lưu, nhiều nhà dân nước ngập hơn 1m, hoàn toàn cô lập với bên ngoài, người dân phải di chuyển bằng thuyền, mọi sinh hoạt bị đảo lộn.

Ông Vũ Hùng (74 tuổi, trú tại xã Quỳnh Hồng) cho biết, đây là trận lụt lớn nhất từ trước nay xảy ra trên địa bàn xã mà tôi từng thấy, từ đêm 28, ngày 29-9, nước lũ bắt đầu tràn vào và sau đó ngập 1/3 nhà, ngập hết giường. Tôi được mọi người dùng thuyền chở đến nơi cao hơn. Nhà có xưởng gỗ nhưng nước vào ngập hết, gây thiệt hại lớn cho gia đình. Toàn bộ máy móc cắt gỗ cũng chìm trong biển nước nhưng gia đình đành bất lực vì không thể di chuyển được máy móc ra ngoài. Giờ chỉ mong nước nhanh rút.

Là hộ dân chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt, mấy ngày qua, bà Trần Thị Phượng, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu như "ngồi trên đống lửa" khi nhìn thấy toàn bộ rau màu của gia đình bị chìm trong nước. "Nước ngập sâu khiến hơn 2 sào rau của gia đình sắp đến kỳ thu hoạch bị ngập trắng. Chúng tôi đành bất lực nhìn công sức của gia đình trôi theo nước. Mưa lụt cũng khiến cuộc sống gia đình bị đảo lộn, nước ngập sâu nên gia đình phải di dời gia súc đến nơi cao hơn để đảm bảo an toàn" - bà Phượng cho hay.

Tại huyện Thanh Chương dù số nhà dân bị ngập ít hơn so với huyện Quỳnh Lưu nhưng trong đó có một số vùng như Thanh Nho, Thanh Mỹ bị ngập sâu. Hiện toàn huyện có 23 xóm bị cô lập (trong đó có 2 xóm xã Phong Thịnh; 1 xóm ở Thanh Nho; 4 xóm ở Hạnh Lâm; 3 xóm ở Thanh Mỹ; 1 xóm ở Thanh Long; 5 xóm ở Thanh Hà; 2 xóm ở Thanh Tùng; 1 xóm ở Thanh Mai; 3 xóm ở Thanh Lâm; 1 xóm ở Thanh Phong). Ngoài ra, đê phòng lũ đoạn qua nhà máy may, xã Thanh Liên cũng đã bị tràn. Toàn huyện có 776 nhà bị ngập, 3 điểm trường ở các xã Thanh Ngọc và Thanh Nho ngập sâu, 8 nhà dân phải sạt lở, 1 nhà bị đổ sập, gần 2.114m bờ rào của nhà dân và cơ quan, đơn vị bị sập, nhiều mét đường bê tông và 8 kênh mương bị ngập, sạt lở; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi...

Lực lượng chức năng và người dân trắng đêm gia cố sự cố vỡ đê.

Trắng đêm gia cố đoạn đê bị vỡ

Khoảng 20 giờ ngày 29-9, mưa lũ lớn khiến một đoạn của tuyến đê Kênh thấp thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên bị vỡ gần 10m. Sau khi phát hiện sự cố, huyện Hưng Nguyên đã huy động khoảng 400 người bao gồm các lực lượng công an, bộ đội và nhân dân vận chuyển vật liệu, đắp hàng trăm bì cát để vá đê. Phó Bí thư Tỉnh ủy, ông Hoàng Nghĩa Hiếu đã có mặt để chỉ đạo công tác khắc phục. Tuy nhiên do thời tiết mưa lớn, đường vào khu vực hiện trường hạn chế nên công tác hộ đê gặp nhiều khó khăn. Đến 6 giờ ngày 30-9, đoạn đê bị vỡ mới được khắc phục.

Ông Lê Huy Khoa - Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo cho biết, đê Kênh thấp là tuyến đê xung yếu, bảo vệ cho gần 1.700 hộ dân với khoảng 6.000 nhân khẩu, cùng 400ha cây trồng trên địa bàn và các xã lân cận. Đến mùa mưa bão hàng năm, đê kênh thấp này bị tràn nước liên tục, gây ngập úng, năm nay nước dâng lên nhanh, chảy xiết nên bị vỡ. Mặc dù đã khắc phục xong sự cố, tuy nhiên do thời tiết vẫn còn diễn biến thất thường, nước từ thượng nguồn đổ về liên tục, nguy cơ tái vỡ đê vẫn còn hiện hữu.

Hiện UBND huyện Hưng Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị và địa phương cắt cử lực lượng túc trực 24/24h tại tuyến đê, báo cáo và xử lý kịp thời nếu xảy ra sự cố.

Dương Hóa