Nghệ An - Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp

Thứ hai, 27/11/2023 11:31
Thời gian gần đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan ra diện rộng tại nhiều địa phương ở Nghệ An. Hiện trên địa bàn tỉnh có 77 ổ dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của 12 huyện, thành phố chưa qua 21 ngày.
Lực lượng chức năng phối hợp với người dân tiêu hủy lợn bị bệnh.
Lực lượng chức năng phối hợp với người dân tiêu hủy lợn bị bệnh.

Nguyên nhân dịch xảy ra là do nhiều địa phương chủ quan, lơ là, thiếu các biện pháp quyết liệt; không bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch; không chủ động mua vôi bột, hóa chất để khử trùng; tiêu hủy lợn mắc bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; một số nơi không có chốt kiểm soát dịch bệnh… Còn hiện tượng giấu dịch, vứt xác vật nuôi ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho đàn vật nuôi đạt thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng bệnh. Việc tái đàn, tăng đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát triệt để theo quy định. Tình trạng ngập úng nhiều nơi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và lây lan…

Riêng địa bàn TP Vinh, theo thống kê từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP, chỉ sau 2 tháng xuất hiện ổ dịch đầu tiên, đến ngày 25-11, toàn TP đã có 8 địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã ngoại thành bao gồm: Hưng Chính, Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Kim, Nghi Liên, Hưng Hòa, Hưng Lộc và phường Đông Vĩnh. Đã có 322 con, tổng trọng lượng trên 21 tấn lợn buộc phải tiêu huỷ. Trong đó, xã Nghi Ân là địa phương có diễn biến dịch phức tạp nhất trên địa bàn TP Vinh Đến nay, toàn xã đã tiêu hủy 139 con lợn bệnh, trọng lượng gần 9 tấn, chiếm khoảng 40% tổng trọng lượng lợn dịch toàn TP.

Theo Chủ tịch UBND xã Nghi Ân, tổng đàn lợn trên địa bàn là khoảng 1.000 con. Từ thời điểm dịch tả lợn châu Phi xảy ra, số lượng lợn nhiễm bệnh tăng lên. Đối với các hộ chỉ chết một, hai con nhỏ lẻ, có đất vườn trống, xã chỉ đạo chôn lấp tại chỗ, đào sâu và phun thuốc, vôi bột diệt mầm bệnh. Riêng những đàn lớn, buộc phải chôn xa khu dân cư thì phải huy động máy móc, tìm kiếm địa điểm hợp lý để tiêu hủy.

Ngoài ra, trên địa bàn P.Vinh Tân, TP Vinh vừa phát hiệnxác lợnnặng gần một tạ, đang trong quá trình phân hủy nổi lềnh bềnh trên sông Vinh. Chính quyền địa phương sau đó đã huy động lực lượng để vớt lên và tiêu hủy theo quy định.

Trước tình hình dịch lây lan rộng, TP Vinh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, phân cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở, phối hợp với địa phương thực hiện công tác phòng chống dịch. Đồng thời, cấp hóa chất, tổ chức phun thuốc khử trùng môi trường. Các địa phương cũng đã chủ động kinh phí mua vôi bột để phục vụ công tác phòng chống dịch. Thời gian tới, tình hình dịch bệnh dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, thêm vào đó, mưa kéo dài nên mầm bệnh dễ lây lan, phát tán rộng, UBND TP Vinh đã có công văn chỉ đạo phường xã, người chăn nuôi, hộ kinh doanh siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.

Dương Hóa