Nghệ An: Làm rõ nhiều vấn đề bức thiết trong kỳ họp 14, HĐND tỉnh khóa XVIII

Thứ năm, 06/07/2023 18:59
Trong phiên thảo luận tổ và thảo luận hội trường tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã có 60 lượt ý kiến về nhiều vấn đề bức thiết trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đánh giá, các vị đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu khách mời đã thảo luận thẳng thắn, tập trung làm rõ nhiều vấn đề, nhất là về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, về các báo cáo và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, cũng như tình hình thế giới và thị trường diễn biến phức tạp, khó lường; thời tiết nắng nóng kéo dài, tình trạng thiếu điện, thiếu nước cục bộ đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, đạt được những kết quả khá tích cực.

Các đại biểu tham gia kì họp
Toàn cảnh thảo luận hội trường sáng 6-7

Các đại biểu cũng nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong 6 tháng cuối năm 2023; đồng thời, đề nghị UBND tỉnh quan tâm bổ sung, làm rõ thêm những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, các giải pháp trên các lĩnh vực.

Trong đó, về lĩnh vực kinh tế, đại biểu đề nghị đầu tư thêm ngân sách để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đặc biệt là công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.... Đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Các đại biểu tham gia kì họp

Về nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đại biểu đề nghị tiếp tục đôn đốc thực hiện có hiệu quả về một số chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An; đề nghị UBND tỉnh có giải pháp để phát triển, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP; thực hiện các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu và những diễn biến của thị trường.

Về công nghiệp - xây dựng - giao thông vận tải, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển đi qua địa bàn Nghệ An; xây dựng mương tiêu thoát nước tại Khu Công nghiệp WHA; mở rộng đường N5 để đảm bảo lưu thông và an toàn giao thông; xử lý vướng mắc về thỏa thuận đấu nối trong quá trình triển khai các dự án giao thông; đồng thời, đề nghị trong quá trình thực hiện các dự án cần quan tâm vấn đề vệ sinh môi trường, đường gom, thoát nước, hoàn trả mặt bằng… sau khi thi công.

UBND tỉnh cũng cần quan tâm các giải pháp quyết liệt để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2023 như: rà soát các nguồn vốn, chủ đầu tư, năng lực các nhà thầu để có sự sàng lọc ưu tiên phân bổ mới, phân bổ lại các nguồn vốn bảo đảm các công trình thi công và thanh toán đúng tiến độ; thu hồi vốn các dự án chậm, không hiệu quả, không có khả năng giải ngân; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư và các địa phương.

Trên lĩnh vực khoa học, công nghệ, các đại biểu đề nghị cần có các giải pháp tăng cường ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Dương Hóa