Nghe nhạc Nguyễn Cường, nhớ Y Moan

Thứ ba, 03/05/2022 19:05
"Y Moan là một giọng hát độc nhất vô nhị" - Nhạc sĩ Nguyễn Cường. "Không biết cao nguyên 100, 200 năm nữa có ai như Y Moan - tiếng hát đặc biệt, hoàn toàn của rừng già"- nhạc sĩ Trần Tiến.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường giao lưu cùng khán giả và du khách.
Nguyễn Cường- Y Moan: sự kết hợp như duyên "trời định".

Khi nhận được thông tin tỉnh Đắk Lắk tổ chức Đêm nhạc tri ân nhạc sỹ Nguyễn Cường, hình ảnh đầu tiên, con người đầu tiên tôi nhớ đến là Nghệ sĩ nhân dân Y Moan. Chẳng phải là ca sĩ, càng không là người quen biết thân cận bên anh, tôi chỉ là một khán giả bình thường, nhưng nhờ nghề nghiệp, tôi có dịp ở bên anh tương đối đủ để yêu thêm "người con của núi rừng Tây Nguyên" này. Lần thứ nhất, chỉ non buổi gặp anh trong lần anh "du ca" ở Dlye Yang H. Ea H'Leo, Đắk Lắk, đến giao lưu với các nữ diễn viên H' Chơrai, H' Wut của đoàn Ca múa nhạc Đắk Lắk đang về làng giúp gia đình làm nương. Đêm ấy, Y Moan hát mộc, "hát giữa mọi người không ngại ngần" chỉ với cây đàn guitar mang theo, say mê và hoang dã, trước những gương mặt đê mê của đám trai làng như nuốt lấy từng lời "thần tượng" hiện diện bằng xương bằng thịt đang kề vai, bá cổ họ.

Sau đêm ấy, tôi còn biết hầu hết các trai làng Dlye Yang đều sưu tầm, "gối đầu giường" hàng chục băng cassette các ca khúc do Y Moan thể hiện. Dựa theo phong cách Y Moan, họ nhẩm hát, say hát từ buôn lên nương, từ suối lên rừng...

Lần khác, là non một tuần. Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng mời Y Moan về giao lưu. Tại CLB Thanh Niên (nay là 40 Bạch Đằng), các cô cậu thanh niên cứ bám lấy Y Moan và em trai Y Jăk, đòi luyện hát, luyện giọng suốt ngày đêm. Sau này, tôi không bất ngờ khi nhiều cô cậu, trong đó có Kasim Hoàng Vũ đều chọn ca khúc, chất giọng, phong cách hoang dã giống Y Moan để tham gia các hội thi giọng hát hay. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là đêm Y Moan vác đàn, mang loa theo chân mười mấy hội viên Thanh niên đến phục vụ người dân làng Tu Núc ở xã Kà Dăng (huyện Hiên cũ, nay là huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Nói là đoàn đi phục vụ bà con Cơ Tu ở bản làng xa xôi, nhưng đấy đúng là show của riêng Y Moan. Gần 30 ca khúc, liên tiếp, không cần lời giới thiệu, không có phông màn... Y Moan hát như chưa từng được hát, xua bóng đêm Tu Núc chưa có điện lưới, xua cái tê tái của đêm mưa rừng rả rích, cả tiếng trẻ con mè nheo...

"Tôi hát cho đồng bào nơi này, như từng hát ở các buôn làng Tây Nguyên. Tôi hy vọng, các ông, bà, cô chú, anh chị và các em thấy thích", Y Moan nói thế khi buổi diễn kết thúc, và người dân Tu Núc đã chắc chắn là thế. Tiếc nuối vì Y Moan chỉ ở lại một đêm với họ, song đêm ấy sẽ không phai mờ trong ký ức của họ, trở thành một sự kiện trong lịch sử của làng. Ơi M'Drak, Ly cà-phê Ban Mê, Xôn xang mênh mang cao nguyên, H'Zen lên rẫy, Thênh thênh ọ ơi, Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời, Đôi chân trần, Hoa suối, Giấc mơ Chapi... Họ nhận ra mình ở đó, với hình ảnh "da nâu mắt sáng vóc dáng hiền hòa/những đứa con của Trường Sơn trung kiên như Trường Sơn/ như tiếng trống già làng..."; họ yêu quê mình như thế, với ký ức "đôi chân trần/cha đi lượm từng hạt thóc/cho con một bựa cơm chiều/... đôi vai gầy run run tựa vào hàng cây... đôi chân cồng kềnh/cha đi giữa rừng hoang vu...". Ơ, cái ông ca sĩ hát về rừng làng mình, suối làng mình, bà con làng mình đó bà con ơi... Đêm ấy, với những cô cậu Cơ Tu và những Phước, Long, Dũng, Hà... của Hội Liên hiệp Thanh niên Quảng Nam- Đà Nẵng cũng là sự kiện đáng nhớ trong đời vì "bắt" nghệ sĩ ưu tú Y Moan thức trắng đêm, hát những bài ca núi rừng... dù trước đó gần 30 con người cùng đồ đạc lỉnh kỉnh bị nhồi nhét trong chiếc U Oát thùng gần 3 tiếng, 2 giờ cuốc bộ...

"Cuộc đời tôi vừa được ca hát, vừa trồng cà-phê, vừa được sống giữa núi rừng, sống với thiên nhiên. Người ta vẫn hỏi tôi, tại sao không dời nhà về thành phố, tại sao không đi diễn nhiều, tại sao không làm kinh tế, câu trả lời của tôi rất giản dị, tôi yêu cuộc sống ở cao nguyên, tôi yêu thiên nhiên quê mình, tôi thích cách sống như vậy, và dù không biết đó có phải là lựa chọn đúng hay không, nhưng tôi không bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình"... Rất lâu sau cái đêm đầy ắp cảm xúc trên, Y Moan mới phát biểu lời này. Nhưng đêm đó, và xa hơn là cả cái đêm ở Dlye Yang, tôi không khó để nhận ra một người con ưu tú của đại ngàn. Một cuộc đời vì rừng, một đời đam mê và "cháy" hết mình với văn hóa của dân tộc, một hành trình, một cuộc đời "tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời", tận hiến "như con sông dài/đang sống theo em tới nơi chân trời...".

* Tối 1-5, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, Sở VH- TT & DL tỉnh Đắk Lắk tổ chức Chương trình "Đêm nhạc Nguyễn Cường" và biểu diễn "Ca kịch Khát vọng Đam Săn".

Đêm nhạc được biểu diễn với hàng loạt ca khúc viết từ chất liệu dân ca Ê-đê với nhịp điệu sôi động như "H'Zen lên rẫy", "Ly cà-phê Ban Mê", "Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột", "Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk"… Đặc biệt, du khách và người dân hào hứng với màn biểu diễn "Ca kịch Khát vọng Đam Săn".

Ca kịch "Khát vọng Đam Săn" gồm 5 chương: Chương 1 "Đam Săn và H'Nhi;" chương 2 "Xử tội Mtao Msei"; chương 3 "Buôn sang trông cậy"; chương 4 "Nơi miền sáng"; chương 5 "Mặt trời lên trên cao nguyên bao la". Tác giả và tổng đạo diễn nhạc sỹ Nguyễn Cường.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường giao lưu cùng khán giả và du khách.

T.S