Nghị lực đáng khâm phục của nữ sinh dân tộc Thổ vay tiền để nhập đại học
Vượt hoàn cảnh vươn lên học giỏi
Trương Thị Hiền - cựu HS lớp 12C2 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) THPT số 2 tỉnh Nghệ An sinh ra trong gia đình thuần nông, thuộc diện hộ nghèo, mẹ bị bệnh động kinh. Hiền là chị cả, học khá nhất nên em thi đậu vào Trường PT DTNT của tỉnh. Hai em của Hiền đang học lớp 8 và lớp 11. Biết được hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Hiền nên suốt 3 năm liền làm chủ nhiệm, cô giáo Hồ Thị Hợi luôn để tâm, lo lắng cho cô học trò này.
Cô Hồ Thị Hợi cho biết, lúc học lớp 10, vì điều kiện gia đình khó khăn nên có thời điểm tưởng Hiền phải nghỉ học. Nhờ có chế độ nội trú dành cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số đã giúp bố Hiền bớt gánh nặng kinh tế vì còn phải chăm sóc bố mẹ già, vợ yếu và 2 đứa con nữa đang tuổi ăn, tuổi học. Điều đáng trân trọng ở Hiền đó là, hoàn cảnh gia đình khó khăn đến vậy nhưng em chưa một lần than thở hay tỏ ra yếu mềm, chán nản, kể cả khi bố mẹ không muốn em xuống trường tỉnh tiếp tục sự học. Hiền rất có nghị lực, độc lập trong suy nghĩ, hành động. Không chỉ học tốt các môn, đặc biệt là khối xã hội, Hiền còn là hạt nhân trong phong trào, hoạt động đoàn thể. Nhờ nghị lực vươn lên cùng sự động viên của bạn bè, thầy cô, em đã quyết tâm chăm chỉ học tập và đạt thành tích khá cao tại Kỳ thi Tốt nghiệp THPT vừa qua.
Học đối với Hiền không chỉ là ước mơ mà đây là con đường duy nhất để em vượt nghịch cảnh. Em liên tục giành danh hiệu học sinh giỏi các năm lớp 11, 12. Ngay sau khi biết kết quả điểm thi Tốt nghiệp THPT với Ngữ văn: 9,25 điểm, Lịch sử: 9,5 điểm, Địa lý: 8,75 điểm, cộng với điểm ưu tiên, tổng điểm là 30,25 điểm, Hiền đã mạnh dạn đăng ký vào ngành Quan hệ công chúng (nguyện vọng 1) và Sư phạm Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 (nguyện vọng 2).
Trong thời gian chờ đợi kết quả, được một người bạn trong xóm giới thiệu, Hiền đã ra Bắc Ninh xin vào làm công nhân tại một nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử. Sau gần 1 tháng đi làm, Hiền phải trở về nhà do mẹ trở bệnh nặng. Với em, đi làm vừa là cơ hội trải nghiệm cho bản thân, vừa có thêm chút tiền trang trải việc học sau này. Hiền cho hay, công việc làm thêm ở Bắc Ninh không mệt, em có thể theo kịp các anh chị ở công ty. Tuy nhiên, từ những ngày đi làm ở khu công nghiệp đã giúp em nhận ra được rằng, việc lựa chọn vào ĐH của mình là đúng đắn hơn bao giờ hết.
“Đánh liều” vay tiền để nhập học
Ngày nhận được thông báo nhập học vào khoa Quan hệ công chúng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Hiền chưa kịp trọn niềm vui thì đã bị nỗi buồn lo che lấp. Buồn lo bởi rồi đây, em sẽ lấy đâu ra tiền để trang trải việc học hành cùng các chi phí sinh hoạt nơi TP đắt đỏ này. Trong khi bố mẹ cũng không có đủ khả năng và khuyên em nên dừng việc học để đi xuất khẩu lao động.
“Mỗi lần mẹ nhập viện bố phải vay mượn khắp nơi để lo viện phí, chi phí đi lại, chăm sóc. Nếu em học ĐH thì bố cũng không thể cáng đáng nổi vì còn 2 em đang học lớp 8 và lớp 11”- Hiền trăn trở chia sẻ.
Trái với quan điểm của bố, Hiền cho rằng chỉ có theo đuổi việc học mới là con đường duy nhất vượt qua hoàn cảnh và tiến đến một tương lai tươi sáng hơn. Cũng bởi quyết tâm nhập học bằng được, Hiền đã xin phép bố cho được nhập học và em sẽ tự kiếm tiền trang trải việc học hành. Nghe lời cầu xin của con, bố em chỉ biết thở dài buồn bã. Ông không phản đối cũng chẳng đồng tình bởi gánh nặng trên vai mình đã quá lớn.
Nói về ngành học em đã chọn, Hiền chia sẻ: "Em chọn ngành này vì thấy phù hợp với sở thích và tính cách của bản thân. Hơn nữa, theo em được biết, ngành này được dự báo có cơ hội việc làm rộng mở hơn khi ra trường".
Thấy học trò đứng trước lựa chọn, cô Hồ Thị Hợi đã động viên Hiền cố gắng tới cùng để thực hiện ước mơ và tương lai của mình. "Nếu cần, cô cho vay. Bao giờ học xong đi làm có tiền trả cô cũng được"- cô Hợi đã nói với học trò của mình như vậy. Tuy nhiên, Hiền lễ phép cảm ơn cô vì em hiểu cuộc sống vợ chồng cô cũng chưa có dư giả gì.
“Ngày 24 -9 tới em sẽ ra Hà Nội để ngày 26 làm thủ tục nhập học. Trước mắt em cũng tiết kiệm được một chút ít rồi vay các cậu, các dì... tạm đủ để đóng các khoản đầu năm. Ra đó ổn định chỗ ăn ở, em sẽ đi làm thêm để tự trang trải cho mình" – Hiền nói về kế hoạch sắp tới.
Tuổi 18 tuổi, khi cánh cửa mới bắt đầu mở ra thì con đường phía trước lại quá gập ghềnh, gian nan đối với Hiền. Hy vọng, ngoài sự nỗ lực của bản thân, Hiền sẽ gặp được nhiều sự trợ giúp để em viết tiếp giấc mơ của mình.
Dương Hóa