Nghĩa đồng bào

Thứ tư, 17/02/2021 12:23

Hình ảnh các CBCS CAH Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) bất chấp hiểm nguy tiếp cận hiện trường vụ sạt lở cứu dân là hình ảnh không phai trong lòng người dân.

CAH Phước Sơn phối hợp với lực lượng dân quân, người dân tìm kiếm người dân bị vùi lấp ở xã Phước Lộc.

Nhắc đến vụ sạt lở kinh hoàng tại địa bàn xã Phước Lộc (H. Phước Sơn) khiến hàng chục người dân bị vùi lấp, tử vong, Thượng tá Lê Nho Tâm (nguyên Trưởng CAH Phước Sơn, nay là Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường) kể, ngày 28-10-2020 bão số 9 đổ bộ vào địa bàn huyện làm nhiều trụ viễn thông bị ngã đổ, thông tin liên lạc bị tê liệt hoàn toàn. Sáng hôm sau, lãnh đạo huyện tổ chức cuộc họp triển khai công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão. Tại cuộc họp, lãnh đạo huyện thông tin rằng người dân ở xã Phước Lộc vừa ra báo tin ở xã xảy ra sạt lở đất vùi lấp hàng chục người dân, trong đó có 2 cán bộ xã Phước Lộc. Ngay sau khi nhận tin báo, Thượng tá Lê Nho Tâm đã cử 4 CBCS trinh sát địa bàn. Tuy nhiên, khi tổ trinh sát đi đến con suối Nước Mắt thì không thể đi do bị sạt lở trên diện rộng đành quay về báo tin. Với quyết tâm tiếp cận hiện trường vụ sạt lở để cứu dân, Thượng tá Lê Nho Tâm cùng 12 CBCS CAH Phước Sơn khẩn trương chuẩn bị đầy đủ lương thực, vật dụng cần thiết cho chuyến đi tiếp cận hiện trường.

Thượng tá Lê Nho Tâm cùng 12 CBCS CAH Phước Sơn bất chấp hiểm nguy băng rừng tiếp cận hiện trường vụ sạt lở cứu dân.

“Dọc đường đi có hàng trăm điểm sạt lở vùi lấp con đường, do đó, chúng tôi quyết định cắt đường rừng để nhanh chóng đến khu vực bị sạt lở vùi lấp người dân. Cả khu rừng ở đâu cũng xảy ra sạt lở, vách núi dựng đứng có thể đổ sập vùi lấp cả đoàn bất cứ lúc nào. Nhưng nghĩ đến những người dân đang nằm dưới đất cần sự giúp đỡ, các CBCS càng thêm quyết tâm. Chúng tôi băng rừng xuyên đêm, lúc nào mỏi chân thì dừng lại nghỉ. Cứ thế, sau 2 ngày băng rừng, chúng tôi đã tiếp cận hiện trường vụ sạt lở vùi lấp hàng chục người dân ở thôn 3 (xã Phước Lộc). Chúng tôi liền phối hợp với lực lượng dân quân tại chỗ, CAX và người dân tổ chức tìm kiếm cứu sống được hơn 20 người, đồng thời phát hiện được nhiều thi thể người dân. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng này, chúng tôi ai cũng không cầm được nước mắt. Sau đó, chúng tôi ở lại phối hợp với các lực lượng tìm kiếm những người còn mất tích, đồng thời cử thêm lực lượng gùi lương thực vào cho dân, cùng giúp người dân khắc phục hậu quả do thiên tai”, Thượng tá Lê Nho Tâm tâm sự.

Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn (bìa phải) - Thứ trưởng Bộ CA trao Cờ thi đua dẫn đầu phong trào “Vì an ninh Tổ quốc” cấp cơ sở năm 2020 cho CAH Phước Sơn.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam đánh giá: Phước Sơn là huyện miền núi có địa bàn rộng và phức tạp về tình hình ANTT, nhất là tình trạng khai thác vàng trái phép xưa nay là “điểm nóng” tại địa bàn. Tuy nhiên, trong năm 2020, CAH Phước Sơn đã làm tốt công tác chủ động phòng ngừa, quyết liệt đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, qua đó góp phần giữ vững tình hình ANTT, tạo được niềm tin trong nhân dân. Hơn thế, các CBCS CAH đã bất chấp hiểm nguy, vượt đường rừng đang sạt lở nhiều ngày liền tiếp cận hiện trường cứu dân, được các cấp lãnh đạo đánh giá rất cao. Với những kết quả đạt được, CAH Phước Sơn xứng đáng được Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, là 1 trong 4 đơn vị của CA tỉnh được Bộ CA tặng Cờ thi đua dẫn đầu phong trào “Vì an ninh Tổ quốc” cấp cơ sở năm 2020.

LÊ VƯƠNG

Là huyện miền núi có địa bàn rộng, cũng là “điểm nóng” của tình trạng khai thác lâm khoáng sản trái phép, kéo theo nhiều tệ nạn. Để đảm bảo ANTT, cùng với các biện pháp nghiệp vụ, CAH Phước Sơn chú trọng tham mưu, xây dựng nhiều mô hình phối hợp đảm bảo ANTT tạo được sức lan tỏa: “Hai giữ”, “Tiếng loa an ninh”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ hòa giải”, “Gia đình không có người vi phạm pháp luật”, “Camera an ninh”.