Người dân phải an toàn, hạn chế các thiệt hại ngay cả khi bão đã qua

Thứ tư, 28/09/2022 08:24
Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng sau khi hoàn thành việc ứng phó bão Noru phải tiếp tục theo sát diễn biến của thiên tai. Đặc biệt quan tâm đến sự an toàn của người dân ngay sau khi bão đã đi qua, vì đây là thời điểm nhiều người có tâm lý chủ quan nhưng các nguy cơ tiềm ẩn từ lũ quét, sạt lở đất, tai nạn thương tích là rất lớn.
Lực lượng chức năng H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng sơ tán người già đến nơi an toàn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị quận Thanh Khê đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở không để người dân sinh sống tại các căn nhà cấp 4 dọc đường Nguyễn Tất Thành.

Chủ động bảo đảm lương thực, thực phẩm

Chiều 27-9, kiểm tra thực tế công tác ứng phó bão Noru tại các khu vực ven biển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, không để người dân ở lại trong các nhà cấp 4, nhà tạm, tàu du lịch, tàu cá...

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhận định, bão số 4 có thể ảnh hưởng lớn đến quận Liên Chiểu, Thanh Khê do địa hình chắn lại bởi đèo Hải Vân. Vì vậy, các cấp, ngành, nhất là hai quận không chủ quan; nhanh chóng đôn đốc chỉ đạo kiểm tra các hàng quán, lều tạm, không để người dân sống tại nơi này, cũng như tại các căn nhà cấp 4 và các công trình phải chằng chống, bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Lãnh đạo CATP Đà Nẵng kiểm tra cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) vào chiều tối 27-9.

Vừa kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó trước khi bão đổ bộ đồng thời đặc biệt quan tâm đến đời sống, sự an toàn của người dân sau khi bão đi qua và những mối nguy từ lũ quét, sạt lở đất, trong ngày 27-9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã trực tiếp thị sát các khu dân cư nằm ở vị trí xung yếu trên địa bàn H. Hòa Vang. Ông Quảng đã đến tận nơi để thăm hỏi, động viên bà con nhân dân tại khu dân dân cư có nguy cơ cao về sạt lở đất ở dưới chân núi Sọ, xã Hòa Sơn và khu vực đồi Lệ Mỹ, xã Hòa Liên; kiểm tra việc đảm bảo an toàn tại công trình đập dâng Nam Mỹ (xã Hòa Bắc) thuộc dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Ông Quảng lưu ý, bão số 4 có cường độ mạnh lại gây mưa tonên Huyện ủy, UBND huyện Hòa Vang phải chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiến hành kiểm tra tất cả các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng, công trình thủy lợi cũng như các công trình giao thông đang thi công dở dang có nguy cơ gây ngập úng hoặc ảnh hưởng thoát lũ để chỉ đạo xử lý, ứng phó kịp thời. Đồng thời, phân công cán bộ, chuyên viên chịu trách nhiệm đứng điểm, phụ trách các điểm xung yếu, có nguy cơ cao. “Khi bão đi qua sẽ có mưa lũ lớn, các địa phương chủ động bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân đến sơ tán”, ông Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo. Được biết, trong đêm 27-9, huyện Hòa Vang đã sơ tán 6.569 hộ dân (21.278 nhân khẩu), trong đó, sơ tán tập trung là 1.243 hộ (4.085 nhân khẩu) ở 65 điểm sơ tán, còn lại là sơ tán tại chỗ.

Lãnh đạo Sở GTVT TP Đà Nẵng kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà.

Hơn 80.000 người dân cần được hỗ trợ

Theo phương án, Đà Nẵng có hơn 80.000 người dân cần được hỗ trợ đến nơi sơ tán an toàn. Trước khi bão đổ bộ, chính quyền các địa phương đã yêu cầu di dời đối với các hộ dân trong vùng được đánh giá là nguy cơ cao mất an toàn. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã chỉ đạo đã chỉ đạo Sở Công Thương sẵn sàng chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ cho 32.248 hộ dân với định mức hỗ trợ 385.000 đồng/hộ (4 mặt hàng dùng trong 3 ngày) có tổng kinh phí dự kiến 12,42 tỷ đồng.

Công an xã Hòa Ninh đưa dân đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.

Chính quyền yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho các khu vực nguy cơ sạt lở, chia cắt, cô lập. Bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống, nhất là trên biển, trên sông và các khu vực bị cô lập, chia cắt.Ngay sau khi bão tan, các lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn đảm bảo an toàn, không cho người dân đi lại các tuyến giao thông, cầu, hầm. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đặc biệt lưu ý chính quyền cấp cơ sở phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định. Chỉ khi nào an toàn tuyệt đối thì mới để người dân sơ tán trở về nhà. Kèm theo đó là phải có khảo sát, đánh giá nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng để cảnh báo người dân, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc vì chủ quan cho rằng “bão qua là an toàn”.


Một em bé được lực lượng chức năng H. Hòa Vang đưa đến nơi sơ tán an toàn.

Cùng với đó là triển khai phương án phòng chống ngập úng đô thị, khu trung tâm; đảm bảo an toàn hệ thống điện, an ninh trật tự và an toàn xã hội. Sở Y tế sẵn sàng phương án cấp cứu nạn nhân và phương án cấp cứu lưu động tại các địa phương, các khu vực xung yếu khi có yêu cầu. Sáng nay (28-9), Sở Xây dựng, Cty Công viên cây xanh, Môi trường đô thị, lực lượng công an và chính quyền các địa phương nhanh chóng tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, dọn cây xanh, công trình bị ngã đổ sau bão, lũ, khôi phục các tuyến giao thông.
Đảm bảo giao thông thông suốt ngay sau bão

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng về việc ứng phó khẩn cấp với bão Noru, đảm bảo an toàn giao thông trước, trong và sau bão Noru, Ngành GTVT TP đã tập trung nhân lực, vật lực triển khai các phương án ứng phó và khắc phục hậu quả do bão gây ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn giao thông.

Lực lượng chức năng H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng sơ tán người già đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho biết: Triển khai các phương án ứng phó và khắc phục hậu quả của bão số 4, đến thời điểm này, các đơn vị hữu trách như: Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông Đà Nẵng, Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng Đà Nẵng, v.v... đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ra quân thu dọn, khắc phục, sửa chữa hư hỏng các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn TP do bão Noru gây ra nếu có, trong đó, ưu tiên sửa chữa chống sạt lở tại các tuyến đường trên báo đảo Sơn Trà, ở khu vực nông thôn và miền núi.

Để tiện cho việc phối hợp đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục hậu quả thiên tai, Sở GTVT TP công bố số điện thoại “đường dây nóng” để tiếp nhận thông tin và phối hợp xử lý khi có sự cố hầm, cầu, đường xảy ra do ảnh hưởng bởi bão Noru, như sau: Sở GTVT TP, điện thoại: 0236.3774.666 hoặc 0901.123.679; Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng, điện thoại 0905.030.464.

CÔNG KHANH - PHÚ NAM