Người dân sống khổ trong dự án "treo" hơn 20 năm

Thứ hai, 16/09/2024 09:36

Hơn 20 năm qua, cuộc sống của 28 hộ dân tổ 1 (thôn Trung Toàn, xã Tam Quang, H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) "mắc kẹt" trong dự án Khu hành chính cảng Kỳ Hà gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn hạ tầng thiết yếu.

Người dân mong muốn lãnh đạo tỉnh sớm giải quyết để dân ổn định cuộc sống.
Do cấp thiết về nơi ở nên người dân tự ý xây dựng nhà mới.

Năm 2003, dự án Khu hành chính cảng Kỳ Hà triển khai thực hiện, có 50 hộ dân tổ 1 (thôn Trung Toàn) nằm trong khu vực được giải tỏa và bố trí tái định cư (TĐC) nơi ở mới. Tuy nhiên, thời điểm đó chỉ có 22 hộ được bồi thường, bố trí đất TĐC di dời đi, còn 28 hộ vẫn chưa được bồi thường, di dời đành ở lại "chịu khổ".

Tìm về xóm nhỏ nơi các hộ dân còn "mắc kẹt" trong dự án Khu hành chính cảng Kỳ Hà, từ tuyến đường chính xuống cảng Kỳ Hà rẽ theo con đường đất đối diện trụ sở UBND xã Tam Quang vào tổ 1 (thôn Trung Toàn), cảm nhận khung cảnh đìu hiu, đường sá, hạ tầng không được đầu tư xây dựng, nhà cửa xuống cấp cũ kỹ xen lẫn những căn nhà bỏ hoang.

Dự án "treo" quá lâu, vấn đề bức bách nhất của người dân hiện nay là đất đai không được tách thửa cho con cái xây nhà ở riêng. Nhiều thanh niên lập gia đình không có đất xây nhà đành vay mượn tiền đi nơi khác sinh sống. Số khác không có điều kiện thì tự ý xây nhà ở dù biết rằng xây nhà trong khu vực quy hoạch dự án là trái phép, không được bồi thường. Hiện tại trong khu vực này đã "mọc" lên nhiều căn nhà mới.

Người dân mong muốn lãnh đạo tỉnh sớm giải quyết để dân ổn định cuộc sống.

Vợ chồng cụ Lê Tấn Ngon (92 tuổi) đang sống trong căn nhà cấp 4 xây dựng từ năm 1980 đã xuống cấp trầm trọng. Cụ Ngon tâm sự, người dân nơi đây không muốn đi nơi khác ở tuy nhiên, khi dự án triển khai, người dân vì cái chung đều đồng thuận với chủ trương của Nhà nước. 22 hộ đã di dời, 28 hộ "ở lại" sống chung với con đường đất sình lầy vào mùa mưa, nhiều đoạn cứ mưa to kéo dài là ngập.

"Gia đình tôi đã được áp giá bồi thường, bố trí 1 lô đất TĐC, nhưng sau đó họ "im hơi lặng tiếng". Gia đình đứa con gái út của tôi quá cấp thiết chỗ ở nên tự ý xây căn nhà nhỏ bên cạnh. Người dân nơi đây mong muốn lãnh đạo tỉnh sớm giải quyết, nếu hủy bỏ quy hoạch thì đầu tư làm đường bê-tông, hạ tầng để dân ổn định cuộc sống", cụ Ngon tâm sự.

Cùng chung cảnh ngộ, căn nhà bà Lê Thị Lệ (53 tuổi) đã được áp giá và bố trí 1 lô TĐC, nhưng đến nay vẫn chưa được di dời. Bà Lệ than thở: "Lúc trước, gia đình xây căn nhà nhỏ để ở, nay con đã lớn muốn cơi nới cũng không dám làm. Những hộ được di dời nay đã ổn định cuộc sống, còn chúng tôi ở lại chịu quá nhiều thiệt thòi. Ngoài việc nhà xuống cấp không thể sửa sang để ở, đường sá nhếch nhác thì điện đóm chập chờn do cả xóm phải dùng chung 2 đường dây điện. Bên điện lực quy định nhà nào có sổ đỏ mới được kéo riêng đường dây điện, nhưng đa phần người dân ở đây làm nhà đã lâu nhưng chưa tách sổ".

Chủ tịch UBND xã Tam Quang Phan Vĩnh Tiến cho biết, dự án triển khai quá lâu đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây. UBND xã đã đề xuất UBND huyện bố trí nguồn vốn để làm đường, hệ thống thủy lợi cho nhân dân nhưng khu vực này là đất dự án thuộc thẩm quyền của Ban quản lý Các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh nên không thể thực hiện được. Hằng năm, chính quyền địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để đổ đá lót đường cho dân đi lai, nhưng chỉ sử dụng được thời gian ngắn.

"Dự án triển khai kéo dài đã hơn 20 năm, hiện 1 gia đình có nhiều thế hệ sinh sống. Theo quy định, khu vực quy hoạch dự án người dân không được xây mới và tách thửa. Do cấp thiết về nơi ở nên nhiều người tự ý xây dựng nhà dù biết Nhà nước không đền bù nhưng họ vẫn chấp nhận. Qua kiểm tra, địa phương phát hiện có hơn 10 căn nhà mới "mọc" lên. Trước những khó khăn của người dân, UBND xã Tam Quang đã báo cáo UBND huyện Núi Thành đề xuất UBND tỉnh sớm có hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người dân nằm trong dự án. Địa phương cũng đã liên hệ với cơ quan điện lực tạo điều kiện cho người dân có nguồn điện sinh hoạt, thắp sáng đảm bảo", ông Tiến chia sẻ.

Liên quan đến vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, đã chỉ đạo Ban quản lý Các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh tập trung rà soát lại quy hoạch, sau đó đề xuất giải pháp để giải quyết tình trạng dự án kéo dài nhằm đảm bảo cuộc sống cho bà con.

LÊ VƯƠNG

Thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù, khơi thông các nguồn lực đầu tư

Ngày 9-9, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên đối với dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu.

Tập trung “gỡ khó” cho Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam

Do thiếu thuốc, lượng bệnh nhân đến điều trị sụt giảm sâu ảnh hưởng đến nguồn thu khiến Bệnh viện Y học Cổ truyền (YHCT) Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn.

Bài cuối: Không vì khó mà lùi

Vì vướng mắc liên quan tới quy hoạch mà hơn 3 ha đất thương mại dịch vụ (TMDV) ven sông Hàn tại đường Thuận Yến và Đỗ Pháp Thuận (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) của các chủ đầu tư bị