Người dân vừa nhận tiền Covid đã bị cấn nợ

Thứ sáu, 26/06/2020 15:21

Hàng chục nghìn người dân ở Quảng Ngãi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được tiền hỗ trợ để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, tại H. Sơn Tây, nhiều người dân lại bức xúc về việc vừa nhận tiền hỗ trợ Covid-19 thì bị trừ tiền nợ ngân hàng.

Bà Đinh Thị Nẩy bên ngôi nhà tranh xiêu vẹo.

VỀ TAY KHÔNG SAU KHI NHẬN TIỀN COVID

Do ảnh hưởng Covid-19, cuộc sống gia đình của chị Đinh Thị Nếp (36 tuổi, ở thôn Tà Vay, xã Sơn Long, H. Sơn Tây) càng rơi vào khó khăn hơn. Bản thân chị Nếp bị bệnh nặng tiền thuốc men hàng ngày phải vay mượn. Vừa qua, chị được nhận 2,5 triệu đồng tiền hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì đã bị người của tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội trừ nợ hết do trước đó vay tiền làm nhà. “Cách đây 7, 8 năm, tôi có vay tiền làm nhà nhưng không biết số lãi đến nay nhiều như vậy. Tổ vay vốn cũng không thông báo. Giờ đây người tổ vay vốn bảo phải đưa hết số tiền hỗ trợ để cấn nợ”, chị Nếp cho biết.

Còn bà Đinh Thị Nẩy (ở thôn Tà Vây, xã Sơn Long) cũng vừa đến UBND xã nhận tiền hỗ trợ Covid-19 nhưng đã bị ngân hàng trừ tiền nợ trước đó vay vốn làm nhà. “Tôi cứ nghĩ đến nhận tiền Nhà nước hỗ trợ tiền Covid-19, nhưng khi đến nhận tiền thì bị cấn nợ ngân hàng”, bà Nẩy cho hay.

Theo ông Đinh Minh Thảo - Bí thư kiêm trưởng thôn Tà Vay cũng là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của hội Cựu chiến binh ở thôn này, thời gian qua, do cuộc sống người dân còn thiếu thốn, khó khăn nên hiện trên địa bàn thôn vẫn còn nhiều người dân vay tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội về việc xây nhà, trồng trọt, chăn nuôi…  “Trong số các hộ vay, không ít người hiện vẫn chưa thể hoàn trả lãi và gốc vay ngân hàng. Vì thế khi biết người dân nhận tiền hỗ trợ Covid-19 nên tổ vay vốn đã ứng trực tại trụ sở UBND xã, khi người dân vừa ký nhận tiền thì nhân viên tổ vay vốn bảo người dân trừ nợ. Nếu không trả thì nợ sẽ càng nhiều”, ông Thảo nói.

Theo thông tin do phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội H. Sơn Tây cung cấp, trong tháng 5-2020, riêng tại tổ vay vốn do ông Đinh Minh Thảo làm tổ trưởng, số tiền lãi thực thu trong tháng hơn 15 triệu đồng với 38 hộ vay, trong số này có 6 hộ đóng tiền lãi trên 1 triệu đồng.

Chung tình trạng như ở Sơn Long, việc vận động dùng tiền hỗ trợ Covid-19 để trả nợ ngân hàng còn xảy ra ở nhiều xã khác trên địa bàn H. Sơn Tây. Ông Đinh Xuân Sơn - Trưởng thôn Gò Lã, xã Sơn Dung, cũng là tổ trưởng tổ vay vốn thuộc đoàn thanh niên ở thôn này thừa nhận: “Chúng tôi bảo người dân trừ nợ tiền ngân hàng đã vay trước đó”.

NGƯỜI DÂN TỰ NGUYỆN HAY ÉP BUỘC?

Tình trạng các tổ vay vốn vận động hộ nghèo, hộ chính sách được nhận tiền hỗ trợ Covid-19 nộp lại trả các khoản lãi tồn từ các nguồn vay của NHCSXH bắt đầu xảy ra tại một số thôn, xã của H. Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Số tiền vận động bà con lấy từ nguồn hỗ trợ Covid-19 chủ yếu để trả nợ lãi tồn vay làm nhà ở theo QĐ 167 từ nhiều năm trước. “Các tổ trưởng tổ vay vốn vận động trực tiếp với bà con tại chỗ nhận tiền. Phía ngân hàng nhắc nhở anh thôn trưởng vận động hết bà con trả nợ”, ông Đinh Xuân Sơn- Trưởng thôn Gò Lã (xã Sơn Dung, H. Sơn Tây) khẳng định.

Theo ông Đỗ Thanh Vượt- Chủ tịch UBND xã Sơn Long, người dân miền núi phần lớn là hộ nghèo, cận nghèo vay vốn chính sách để làm nhà, chăn nuôi, trồng trọt… nên số tiền vay từ NHCSXH rất lớn, trong đó, nhiều khoản vay lãi tồn từ những năm trước. “Chúng tôi lập danh sách đối tượng nhận hỗ trợ và chuyển đúng đối tượng. Tiền chi trả cũng cho bà con ký nhận tại xã. Còn sau đó các tổ vay vốn với bà con làm việc thế nào tôi chưa nắm. Chúng tôi đang cho đi kiểm tra sự việc này”, ông Vượt cho biết thêm.

Ông Trần Minh Thứ- Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH H. Sơn Tây cho biết, hiện số nợ quá hạn các chương trình cho vay trên địa bàn huyện hơn 500 triệu đồng, trong đó chủ yếu là lãi tồn vay nhà ở theo QĐ 167 từ năm 2010 đến nay. Để thu tiền lãi các khoản vay vốn, Phòng giao dịch NHCSXH H. Sơn Tây ủy thác các hội đoàn thể và hợp đồng ủy nhiệm tổ vay vốn vận động người dân và thu tiền lãi vay đúng hạn. “Chúng tôi không chỉ đạo việc thu tiền hỗ trợ Covid-19 để trả nợ ngân hàng. Cái đó do các tổ trưởng chứ làm sao tôi biết được tiền thu từ nguồn nào. Ngân hàng cố gắng thu lãi đạt 100% hằng tháng và các tổ trưởng cũng cố gắng đạt chỉ tiêu. Lãi tồn vay nhà ở của hộ nghèo từ nhiều trước còn nợ nhiều cũng cố gắng làm sao thu hồi lại”, ông Thứ giải thích.

“Việc này đúng là có xảy ra nhưng không phải là chủ trương của huyện. Thu như vậy là không đúng, cái đó để dân họ tự giác chứ vận động như vậy là không đúng”, ông Đinh Quang Ven- quyền Chủ tịch UBND H. Sơn Tây nói.

Sau dịch Covid-19, người dân vùng cao vốn nghèo khó thì càng gặp khó khăn hơn trong cuộc sống. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã kịp thời giúp người dân bước đầu ổn định cuộc sống sau dịch Covid-19. Tuy nhiên số tiền hỗ trợ đáng lẽ ra để người dân sử dụng xoay xở khó khăn, thiếu thốn do đại dịch gây ra thì lại bị cấn nợ. Việc này đúng hay sai và có tính nhân văn theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước hay không xin để cho các cấp chính quyền ở Sơn Tây trả lời.

T.Sự