Người Nha Trang
Ngày 7-5-1937, với Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, Nha Trang được nâng lên thị xã. Từ cột mốc này cho đến năm 2009, khi Nha Trang trở thành Thành phố loại 1 trực thuộc tỉnh Khánh Hòa là chưa đầy 80 tuổi. Lịch sử của một thành phố thì 80 tuổi là thành phố trẻ.
Từ một tỉnh lỵ nhỏ chỉ vài ngàn dân, trải qua biển dâu nay Nha Trang là thành phố du lịch biển nức tiếng với dân số trên 400 ngàn dân, đậm nét hồn nhiên bởi những người dân sinh sống lâu đời ở đây và những cuộc di dân tạo ra một tính cách Nha Trang độc đáo. Người Nha Trang có thể giải thích là những người đã sống ở Nha Trang một khoảng thời gian dài, có thể chừng 15-20 năm. Bởi trên thực tế về lịch sử thì dân cư Nha Trang là từ nhiều tỉnh thành tìm đến, khai hoang, lập ấp và sinh con, đẻ cháu.
Thế hệ cha ông xưa chọn mảnh đất lành chim đậu và từ đó có những người Nha Trang theo nghĩa là sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Thí dụ như tôi tự hào là người Nha Trang, vì đời cha sinh ra ở Nha Trang rồi tới mình. Những thực ra thì ông Nội là người Quảng Bình, bà Nội là người Bình Định và mẹ là người Huế. Trong cuộc sống, rất nhiều người Nha Trang đã kết hợp huyết thống từ nhiều vùng miền như thế để tạo ra một hay nhiều thế hệ Người Nha Trang.
Có thể thấy sự hòa trộn diệu kỳ của nhiều vùng miền tạo nên người dân Nha Trang. Vào những năm đầu thế kỷ XX là cuộc hành trình của ngư dân và nông dân từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên- Huế đến Nha Trang lập nghiệp. Đó là những người thợ mộc, nghề đồng, đóng tàu, đánh cá…để hình thành các làng Thủy Xưởng, Ba Làng, Xóm Cồn…; rồi một lượng người đến Nha Trang vào năm 1955 khi Hiệp định Gieneve ký kết, thành lập các Khu dân cư mới như Định Cư, Ba Làng, Vĩnh Hải… Sau năm 1975, một bộ phận cán bộ và người thôn quê đi theo chân người đi trước, đến Nha Trang sinh sống và định cư, thành lập các Khu phố mới, đông đảo như Khu Thánh Gia, Dã Tượng, Bình Tân, Đồng Muối…
Nha Trang là đất lành, tình nghĩa hàng xóm khá cao. Những cuộc mưu sinh từ đơn giản như buôn gánh bán bưng cho tới hàng tạp hóa, tiệm sửa xe, bà mua ve chai, bán vé số, cà phê cóc… nói chung là mưu sinh trong cuộc sinh tồn tương đối dễ dàng vì trời cho Nha Trang một khí hậu ôn hòa, gần như những cơn bão lớn bão nhỏ đều dạt xô bởi những dãy núi chắn ngang ngoài biển, mà Hòn Tre là điển hình như ngày xưa người dân gọi là Hòn Che sau đọc trại thành.
Như vậy, có thể nói Người Nha Trang là một sự tập hợp đến diệu kỳ bởi nhiều vùng miền, đến miền đất có cát trắng, biển xanh này sinh sống, rồi sau thời gian hòa vào cái không gian sống, tập tục tạo ra, hình thành một phẩm chất rất riêng mà ai cũng có thể nhìn thấy: đôn hậu, chịu khó, thương người và giữ chữ tín trong làm ăn. Cũng từ đó, khi du lịch cả nước phát triển vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Nha Trang đã trở thành một Trung tâm du lịch biển, thu hút khách du lịch năm sau tăng hơn năm trước.
Du khách đến, du khách trở lại và kéo theo nhiều người khác cùng đến. Lý do tìm đến Nha Trang trong những chuyến rong chơi, ngay cả trong những tháng mưa vùi được các nhà nghiên cứu giải thích vì đây là thành phố biển thơ mộng, là trung tâm của các sự kiện văn hóa, thuận lợi trong giao thông, nhiều điểm vui chơi đa dạng cùng với ẩm thực phong phú. Bên cạnh đó, yếu tố thành công ngoài thiên thời, phải nhắc đến một yếu tố khác là nhân hòa. Chính con người sinh sống tại Nha Trang đã tạo nên một thành phố văn hóa, văn minh, thân thiện, gây ấn tượng cho bất cứ ai dẫu lần đầu tìm đến, và cũng có thể là miền đất hứa cho người muốn chọn một chốn để lập nghiệp.
Nhận ra cách sống của người Nha Trang không khó. Những cử chỉ gọi một ai đó trên đường quên gạt chống xe, sẵn sàng hướng dẫn tận tình cho một người chưa biết lối đi, các hàng ăn không hề coi mặt lạ để tính giá lên hay sẵn sàng giúp đỡ người cơ nhỡ và rộng lòng cưu mang những mảnh đời khốn khó. Chỉ bao nhiêu đó thôi đã phác họa ra tính cách của một vùng đất, dẫu Nha Trang vẫn là thành phố trẻ, thành phố ấy chưa tròn 100 năm hình thành.
Khuê Việt Trường