Người Pháp biểu tình phản đối tân Thủ tướng

Thứ hai, 09/09/2024 14:00

Ngày 7-9, hàng ngàn người xuống đường trên khắp nước Pháp để phản đối việc Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm ông Michel Barnier, một thành viên từ đảng trung hữu, làm thủ tướng.

Người Pháp biểu tình ở thành phố Marseille, ngày 7-9. Ảnh: Reuters
Người Pháp biểu tình ở thành phố Marseille, ngày 7-9. Ảnh: Reuters

Ông Macron đã bổ nhiệm ông Barnier, 73 tuổi, một chính trị gia bảo thủ, từng là nhà đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu, làm thủ tướng hôm 5-9, hai tháng sau quyết định triệu tập một cuộc bầu cử lập pháp dẫn đến một quốc hội bị chia rẽ thành ba khối. Đáp lại việc bổ nhiệm ông Barnier, thành viên từ đảng trung hữu Les Republicains (LR)- vốn chỉ xếp thứ năm trong quốc hội với chưa đầy 50 nhà lập pháp, các nhà lãnh đạo đảng cánh tả, các nghiệp đoàn và tổ chức sinh viên đã kêu gọi biểu tình quần chúng trước khi có những bước đi mới tiếp theo, bao gồm cả các cuộc đình công có thể diễn ra vào ngày 1-10 tới.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết 110.000 người đổ ra các đường phố trên toàn quốc ngày 7-9, trong đó khoảng 26.000 người ở thủ đô Paris. Mathilde Panot, thành viên hàng đầu của đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (LFI), tuyên bố số người biểu tình trên cả nước là 300.000, riêng ở Paris là 160.000 người. Ngoài thủ đô Pháp, các cuộc biểu tình còn diễn ra tại thành phố Nantes ở miền tây, Marseille tại miền nam và Strasbourg ở miền đông.

Nhiều người đã thể hiện sự giận dữ với Tổng thống Macron và kêu gọi ông từ chức. "Nền Cộng hòa thứ 5 đang sụp đổ. Lá phiếu của mọi người sẽ trở nên vô nghĩa chừng nào ông Macron còn tại nhiệm", Manon Bonijol, 21 tuổi, nói khi đề cập hệ thống chính phủ hiện tại của Pháp. Abel Couaillier, sinh viên 20 tuổi, cho biết rất ngạc nhiên khi ông Barnier được bổ nhiệm và gọi chính trị gia này là "con voi già", ám chỉ tuổi tác của ông. "Tôi còn trẻ và muốn tin rằng chúng tôi có thể thay đổi", Couaillier cho hay. Cảnh sát Pháp thông báo đã bắt 5 người biểu tình ở thủ đô.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với tư cách là người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng Barnier tối 6-9 cho biết, chính phủ của ông, vốn không giữ đa số, sẽ bao gồm những người bảo thủ, các thành viên trong phe của ông Macron và hy vọng một số người từ phe cánh tả. Phe cánh tả, do đảng cực tả LFI lãnh đạo, đã cáo buộc ông Macron phủ nhận nền dân chủ và lũng đoạn cuộc bầu cử sau khi Tổng thống Pháp từ chối chọn ứng cử viên của liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới (NFP) - bên dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 7. NFP đã lên án quyết định lựa chọn ông Barnier. Họ muốn Lucie Castets, nhà kinh tế học 37 tuổi, đảm nhận chức vụ này nhưng bị Tổng thống Macron bác bỏ vì cho rằng bà Castets sẽ không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội. Jean-Luc Melenchon, người đứng đầu đảng LFI kiêm lãnh đạo liên minh NFP, đã kêu gọi người ủng hộ ra đường tuần hành, cáo buộc cuộc bầu cử "đã bị đánh cắp khỏi người Pháp". Ông Melenchon ngày 7-9 kêu gọi những người ủng hộ chuẩn bị chiến đấu. "Mọi thứ sẽ không ngừng lại. Dân chủ không chỉ là nghệ thuật chấp nhận rằng mình đã chiến thắng, mà còn là sự khiêm nhường khi chấp nhận mình đã thua", lãnh đạo LFI tuyên bố tại cuộc tuần hành ở Paris.

Bà Marine Le Pen, người đứng đầu nhóm nghị sĩ thuộc đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp (RN) tại quốc hội, cho biết đảng của bà sẽ không tham gia nội các mới của ông Barnier. Bà cũng nói sẽ chờ đến khi tân Thủ tướng Pháp có bài phát biểu về chính sách trước quốc hội để quyết định có ủng hộ ông hay không. Ông Barnier sẽ phải cân nhắc tới lợi ích của RN, đảng đơn lẻ lớn nhất trong quốc hội đang chia rẽ của Pháp, nếu muốn tránh bị bỏ phiếu bất tín nhiệm ở cơ quan này.

AN BÌNH

Cơ quan thăm dò Elabe đã công bố một cuộc khảo sát vào hôm 6-9 cho thấy 74% người Pháp cho rằng ông Macron đã bỏ qua kết quả cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 6 với 55% tin rằng Tổng thống lũng đoạn kết quả đó.