Người thầy thuốc tin cậy của đồng bào vùng cao Phước Thành
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Văn Trúc xung phong lên nhận công tác tại Trạm Y tế xã Phước Thành- xã vùng cao cách trung tâm huyện Phước Sơn hơn 60 km, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, điều kiện khí hậu tự nhiên khắc nghiệt.
Nhớ lại những ngày đầu lên đây nhận công tác, Trưởng Trạm Y tế Phước Thành không khỏi cám cảnh khi tận mắt chứng kiến cơ sở tồi tàn của trạm. “Trạm Y tế lúc bấy giờ chỉ là ngôi nhà mái lợp tôn, vách thưng ván, không giường bệnh, tủ thuốc. Trang thiết bị chỉ vài chiếc xi-lanh, panh, kéo; còn thuốc thì hàng tháng đều đặn, tôi phải cuốc bộ gần 60 km đường rừng ra Trung tâm Y tế huyện, vừa giao ban, lĩnh thuốc rồi tự "cõng" về phục vụ khám, chữa bệnh, cấp phát cho bà con”- Trạm trưởng Trúc cười vui nhớ lại thời kỳ đầu đầy gian khó. Cũng theo y sĩ Trúc, khó khăn ngày ấy không chỉ đường đi lại xa xôi, hiểm trở, mà nơi đây còn là "ổ" của các dịch bệnh: Sốt rét, thương hàn, dịch sởi, bạch hầu, lỵ... Toàn xã có 5 thôn, bản với hơn 2.500 người dân; có thôn bản cách xa trung tâm xã cả ngày đường đi bộ nên nhiều khi xuống khám chữa bệnh cho bà con đến cả tuần anh mới về lại Trạm. "Khi thì do mưa lũ chia cắt, sạt đường, lở núi; lúc thì ở lại nhà dân để trực đến khi người bệnh đỡ hẳn mới về. Lại có lần phải ở lại để "trổ tài" với thầy cúng, xem ai bắt được “con ma rừng” bệnh tật...Lương ngày đó chỉ có 2,5 triệu/tháng, hầu như chỉ đủ để mua dầu, muối, vài cân cá khô, cân thịt. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đến công tác, tôi được người dân quý mến, đem gạo, dầu mỡ… đến cho. Thế là đủ ăn, đủ sức "chiến đấu" trường kỳ ở đây, góp phần giúp bà con nơi đây đẩy lùi bệnh tật”- Y sĩ Trúc vui vẻ thổ lộ thêm.
Đồng hành cùng chồng hơn 10 năm qua tại vùng cao Phước Thành, chị Nguyễn Thị Thảo Ly- cũng là y sĩ tâm sự, gian khổ là thế nhưng hơn 10 năm qua, vợ chồng chị vẫn kiên trì bám trụ, với tâm nguyện được góp phần giúp người dân bản địa chống chọi, đẩy lùi dịch bệnh.
Qua tìm hiểu, được biết, 11 năm qua, Trạm trưởng Trúc luôn là người "đứng mũi chịu sào", vừa làm, vừa tham mưu, đề xuất chương trình kế hoạch bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn xã. Hằng tuần, anh phân công cán bộ trạm y tế xuống từng thôn bản nắm bắt tình hình, tuyên truyền các chính sách y tế cũng như các biện pháp phòng bệnh cho nhân dân. Anh chia sẻ: "Ngày tôi mới về nhận công tác, Phước Thành được coi là xã "trắng" về y tế, phải làm tất cả nên rất vất vả. Công tác tham mưu cho lãnh đạo xã gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa, kiến thức hiểu biết về y tế còn hạn chế. Thêm vào đó là phong tục, tập quán lạc hậu của địa phương. Nhờ Trạm đã cứu chữa được nhiều ca bệnh khó, từ đó cán bộ tin kế hoạch mình vạch ra và huy động các ban, ngành của xã cùng phối hợp thực hiện".
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Nguyễn Hữu Long- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết: "Hơn 11 năm gắn bó với nghề, Y sĩ Trúc trải qua nhiều áp lực, vất vả nhưng luôn tận tâm với công việc. Trúc là một y sĩ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, giàu về y đức và là tấm gương sáng của ngành y tế vùng cao”. Với những cống hiến lặng thầm đó, y sĩ Trúc đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, 3 năm liền: 2019, 2020, 2021 đạt danh hiệu cá nhân xuất sắc – tiêu biểu.
Trần Cao Anh